Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế ngày 22/4

Đồng USD tiếp tục giao dịch quanh mức thấp nhất trong vòng 3 năm; chỉ số Nikkei giảm điểm theo đà sụt giảm mạnh của chứng khoán Phố Wall; giá vàng thế giới tiếp tục duy trì đà tăng kỷ lục... là một số diễn biến đáng chú ý trên thị trường tài chính quốc tế ngày 22/4.

Thị trường ngoại tệ

Ngày 22/4/2025, đồng USD tiếp tục giao dịch quanh mức thấp nhất trong vòng 3 năm trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump liên tục đưa ra những chỉ trích nhắm vào Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, làm dấy lên mối quan ngại của các nhà đầu tư về triển vọng của nền kinh tế Mỹ.

Đồng USD giảm giá xuống gần mức thấp nhất trong một thập kỷ so với đồng CHF (Franc Thụy Sĩ), và xuống mức thấp nhất trong vòng 3,5 năm so với đồng EUR.

Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 21/4, Tổng thống Trump đã liên tục chỉ trích ông Powell, gọi ông là "kẻ thất bại lớn" đồng thời yêu cầu Fed hạ lãi suất "ngay lập tức" để tránh nguy cơ suy thoái kinh tế. Thứ Sáu tuần trước (18/4), cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết chính quyền của Tổng thống Trump đang xem xét khả năng miễn nhiệm ông Powell.

Sự công kích của Trump diễn ra sau khi Chủ tịch Powell phát biểu Fed sẽ kiên nhẫn trong việc hoạch định chính sách và chưa thể hạ lãi suất cho đến khi thấy rõ các tác động của chính sách thuế quan tới tình hình lạm phát.

Ông Eric Kuby, Giám đốc đầu tư tại North Star Investment Management, nhận định: "Mối quan hệ căng thẳng và bế tắc giữa ông Trump và ông Powell đang làm dấy lên lo ngại về khả năng ông Powell sẽ bị bãi nhiệm, điều đó có thể gây ra sự biến động mạnh và khó lường đối với đồng USD". Bên cạnh đó, thị trường tỏ ra về lo ngại các chính sách hiện tại của Trump có thể gây tổn hại cho nền kinh tế sau khi không đạt được bất kỳ thỏa thuận kinh tế.

Tình hình căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang sau khi Trung Quốc cáo buộc Mỹ vào Thứ Hai (21/4) về việc lạm dụng thuế quan và cảnh báo các nước khác về việc ký kết các thỏa thuận kinh tế với Mỹ nhằm gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc.

Trong phiên giao dịch hôm nay (22/4), tỷ giá USD/CHF ở mức 0,8095 CHF, gần mức thấp nhất trong vòng 10 năm tại 0,8042 CHF ở phiên trước đó. Tỷ giá USD/JPY là 140,99 yên đổi 1 USD, gần mức thấp nhất trong vòng 7 tháng. Tỷ giá EUR/USD ít thay đổi (1,1502) sau khi đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2021 vào phiên giao dịch trước đó. Đồng GBP ổn định ở mức 1,3376 USD.

Ông Joseph Capurso, Trưởng bộ phận kinh tế quốc tế và bền vững tại Commonwealth Bank of Australia, cho rằng: "Chừng nào những đồn đoán về tính độc lập của chính sách tiền tệ Hoa Kỳ còn tiếp diễn, đồng USD vẫn tiếp tục có rủi ro giảm giá ". Ông cũng lưu ý rằng thị trường trái phiếu hoặc chứng khoán Mỹ có thể sẽ phải xảy ra một đợt bán tháo nữa để ông Trump cân nhắc lại các bình luận của mình.

Chỉ số DXY, đo lường sức mạnh của đồng USD so với rổ 6 loại đồng tiền chính, đứng ở mức 98,454, sau khi giảm xuống 97,923 trong phiên trước - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Đồng AUD, một đồng tiền nhạy cảm với rủi ro, cũng đã tăng lên mức cao nhất bốn tháng là 0,6436 USD vào ngày thứ hai (21/4) và duy trì ở mức 0,6414 USD trong phiên giao dịch gần nhất.

Thị trường chứng khoán

Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 22/4, tiếp theo đà sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Phố Wall vào đêm hôm trước do thị trường tỏ ra lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ và Tổng thống Donald Trump đưa ra những chỉ trích đối với Chủ tịch Fed, ông Powell.

Kết thúc phiên sáng, chỉ số Nikkei đã giảm 0,4% xuống 34.153,18 điểm, sau khi có thời điểm giảm tới 0,4% trong phiên. Chỉ số Topix đảo chiều tăng nhẹ 0,05% lên 2.530,26 điểm.

Ông Hiroyuki Ueno, chuyên gia tại Sumitomo Mitsui Trust Asset Management nhận định: “Trước tình hình thuế quan của Mỹ vẫn chưa thay đổi, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với các công ty trong nước và toàn cầu”.

Chỉ số Nikkei đã giảm xuống mức thấp nhất 18 tháng vào đầu tháng 4 sau khi chính sách thuế quan của ông Trump được bố, tuy nhiên sau đó đã phục hồi lên ngưỡng 34.000 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn cách xa mốc 38.000 điểm đã đạt được vào hồi cuối tháng 3.

Ông Ueno cho biết: “Thị trường đang chờ đợi những tín hiệu tích cực tiếp theo, có thể từ triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ của Mỹ và các công ty xuất khẩu của Nhật Bản”. Mức giảm điểm của chỉ số Nikkei thấp hơn so với mức sụt giảm mạnh của Phố Wall trong phiên đêm qua, phản ánh xu hướng rút vốn đối với tài sản đồng USD.

Việc Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khiến giới đầu tư lo ngại về tính độc lập của Fed, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các quốc gia tiếp tục gia tăng.

Cả 3 chỉ số chính của Mỹ đều giảm hơn 2%, trong đó nhóm cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa siêu lớn "Magnificent Seven" sụt giảm mạnh, đã gây áp lực lớn tới chỉ số Nasdaq.

Tại thị trường Nhật Bản, cổ phiếu ngành sản xuất chip chịu áp lực bán ra mạnh mẽ. Cụ thể, cổ phiếu công ty Tokyo Electron và Advantest giảm lần lượt 0,8% và 0,9%. Đây là những mã gây áp lực giảm điểm lớn nhất đến chỉ số Nikkei. Trong khi đó, cổ phiếu của công ty Softbank tăng 0.6%, trở thành động lực hỗ trợ lớn nhất cho chỉ số Nikkei.

Thị trường vàng

Ngày 22/4, giá vàng thế giới tiếp tục duy trì đà tăng kỷ lục trong phiên giao dịch châu Á trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và thị trường quan ngại căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm. Do đó, cầu đối với các tài sản được coi là “kênh trú ẩn an toàn” tăng cao.

Giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 3.472,49 USD/ounce, sau khi chạm mức cao kỷ lục mọi thời đại 3.473,03 USD/ounce vào đầu phiên giao dịch.

Giá vàng tương lai tăng 1,7% lên 3.482,40 USD/ounce.

Ông Tim Waterer, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại KCM Trade, nhận định: “Các nhà đầu tư đang có xu hướng bán ra đối với các tài sản đồng USD trong bối cảnh lo ngại về chính sách thuế quan và quan hệ căng thẳng giữa ông Trump và ông Powell. Điều này đã hỗ trợ giá vàng tăng cao khi đồng USD suy yếu”.

Ngày thứ Hai, Tổng thống Trump đã tiếp tục kêu gọi Chủ tịch Fed cắt giảm lãi suất và cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt với suy thoái. Bên cạnh đó, ông Trump cũng chỉ trích quan điểm của ông Powell về việc giữ nguyên lãi suất cho đến khi có sự rõ ràng về tác động của chính sách thuế quan tới tình hình lạm phát.

Thị trường chứng khoán châu Á đã gặp khó khăn trong việc duy trì sự ổn định sau đợt bán tháo nhanh chóng đối với các tài sản Mỹ, làm suy yếu thị trường chứng khoán Mỹ và đồng USD.

Trước đó vào thứ Hai, Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ lạm dụng thuế quan và cảnh báo các quốc gia khác không nên ký kết các thỏa thuận kinh tế với Mỹ nhằm gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc.

Ông Waterer cho biết: “Vẫn còn khả năng xảy ra một đợt điều chỉnh giảm trước tốc độ tăng giá nhanh chóng được ghi nhận từ đầu tháng đến nay. Tuy nhiên, lý do người mua sẽ quan tâm đến vàng nếu đợt điều chỉnh xảy ra là do sự bất ổn kinh tế kéo dài”.

Vàng, vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn trước những bất ổn kinh tế, đã vượt mốc 3.300 USD vào thứ Tư tuần trước và tiếp tục vượt qua ngưỡng 3.400 USD vào thứ Hai.

Thị trường đang chờ đợi các bài phát biểu từ một số quan chức Fed vào cuối tuần này để dự đoán chính sách tiền tệ trong tương lai trong bối cảnh lo ngại về tính độc lập của Fed.

NH

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dien-bien-thi-truong-tai-chinh-tien-te-quoc-te-ngay-224-163166.html