Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế sáng 1/7

Đồng USD dao động quanh mức thấp nhất so với euro kể từ tháng 9/2021, thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm hay giá vàng tiếp tục phục hồi và tăng lên trên mức 3.300 USD/oz... là một số diễn biến tài chính tiền tệ quốc tế đáng chú ý trong sáng 1/7.

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế

Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế

Thị trường ngoại hối

Đồng USD dao động quanh mức thấp nhất so với euro kể từ tháng 9/2021 vào phiên giao dịch ngày thứ Ba (1/7) do lo ngại của các nhà đầu tư về tình hình tài khóa tại Mỹ, khi dự luật chi tiêu của Tổng thống Donald Trump đang được xem xét thông qua và bất ổn xung quanh các thỏa thuận thương mại của Mỹ với các đối tác thương mại.

Các nhà đầu tư dự đoán khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn trong nửa cuối năm 2025, trước khi một loạt số liệu kinh tế Mỹ được công bố trong tuần này, đặc biệt là báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) vào ngày thứ Năm.

Lực bán đối với đồng USD diễn ra mạnh mẽ, đẩy tỷ giá EUR/USD lên mức cao nhất trong gần 4 năm là 1,179. Theo dữ liệu của LSEG, đồng tiền chung châu Âu đã tăng vọt 13,8% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, ghi nhận nửa đầu năm hoạt động tốt nhất từ trước đến nay.

Bảng Anh (GBP) ổn định ở mức 1,3737 USD/GBP, gần mức cao nhất trong vòng 3 năm rưỡi vào tuần trước, trong khi đồng yên Nhật (JPY) tăng lên mức 143,68 JPY/USD. Yên Nhật đã tăng 9% trong nửa đầu năm, ghi nhận hiệu suất tăng mạnh nhất kể từ năm 2016.

Chỉ số USD Index, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm xuống 96,688 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022.

Các nhà đầu tư đang không chắc chắn về khả năng Thượng viện Mỹ có thể thông qua dự luật chi tiêu và cắt giảm thuế của Tổng thống Trump, vốn vấp phải sự chia rẽ trong nội bộ đảng về khoản nợ công dự kiến tăng thêm 3,3 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, lo ngại về tình hình tài khóa tại Mỹ đã khiến một số nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục.

Đồng tiền dự trữ của thế giới đã giảm hơn 10%, ghi nhận nửa đầu năm sụt giảm mạnh nhất kể từ khi tỷ giá hối đoái thả nổi bắt đầu vào đầu những năm 1970.

Ông Nathan Hamilton, chuyên gia phân tích đầu tư tại Aberdeen Investments, nhận định: "Trong năm 2025, các nhà đầu tư đã nghi ngờ vị thế của Mỹ. Lượng cầu trong các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm trong những tháng gần đây, và sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài cũng có dấu hiệu giảm".

Trong khi đó, ông Trump đã tiếp tục công kích Fed về việc nới lỏng chính sách tiền tệ và gửi cho Chủ tịch Fed Jerome Powell một danh sách lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới kèm theo bình luận viết tay rằng lãi suất của Mỹ nên ở trong khoảng từ 0,5% của Nhật Bản đến 1,75% của Đan Mạch.

Những lời công kích liên tục của ông Trump nhắm vào Fed và ông Powell đã làm dấy lên lo ngại của nhà đầu tư về tính độc lập và uy tín của ngân hàng trung ương. Ông Trump không thể sa thải ông Powell vì bất đồng chính sách, nhưng tuần trước đã kêu gọi ông từ chức.

Các nhà đầu tư đang tập trung theo dõi các phát biểu của ông Powell tại diễn đàn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Sintra, Bồ Đào Nha, vào thứ Ba. Các nhà giao dịch hiện đang dự đoán khả năng Fed sẽ cắt giảm 67 điểm cơ bản trong năm nay.

Ông Moh Siong Sim, chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng Bank of Singapore, cho biết: "Đồng USD không còn là đồng tiền ưa thích của các nhà đầu tư do các chính sách thương mại khó đoán và bất ổn tài khóa tại Mỹ. Ngoài ra, chính sách “ôn hòa” hơn của Fed sẽ khiến lợi suất của đồng USD giảm và gây ra sự suy yếu của đồng bạc xanh".

Theo một cuộc thăm dò của Reuters với các chuyên gia kinh tế, báo cáo việc làm phi nông nghiệp vào thứ Năm dự kiến sẽ có khoảng 110.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 6, giảm từ mức 139.000 trong tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 4,3%, từ mức 4,2% tháng trước.

Với thời hạn chót ngày 9/7 của ông Trump về thuế quan đang đến gần, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các đối tác, mặc dù cho đến nay chưa có nhiều thỏa thuận được ký kết.

Ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng với các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật, trong khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cảnh báo rằng các quốc gia có thể bị thông báo về các mức thuế cao hơn đáng kể bất chấp các cuộc đàm phán thiện chí.

Thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm điểm do các nhà đầu tư thực hiện chốt lời sau chuỗi tăng mạnh, trong bối cảnh tâm lý thị trường chịu tác động từ những bất ổn về đàm phán thương mại Mỹ - Nhật.

Chỉ số Nikkei 225 giảm 1,1%, còn 40.048,14 điểm, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số Topix giảm 0,87%, xuống 2.828,15 điểm.

“Thị trường đã rơi vào trạng thái quá nóng, dù có một số yếu tố đã thúc đẩy lực cầu trong tháng trước,” ông Hiroyuki Ueno – chiến lược gia trưởng tại Sumitomo Mitsui Trust Asset Management – nhận định.

Cổ phiếu Nhật Bản gần đây đi theo đà phục hồi của thị trường Mỹ và được hỗ trợ bởi các khoản cổ tức nhà đầu tư nhận được sau mùa đại hội cổ đông tháng 6, cùng với các chương trình mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp, ông Ueno cho biết thêm.

Chỉ số Nikkei đã tăng 6,6% trong tháng 6, ghi nhận mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ tháng 2/2024. Riêng trong 5 phiên cuối tháng, chỉ số này bật tăng 5,5%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong ngày thứ Hai bày tỏ sự thất vọng về tiến trình đàm phán thương mại với Nhật Bản, khiến triển vọng của các cuộc đối thoại giữa hai nền kinh tế lớn trở nên kém khả quan.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng cảnh báo khả năng áp thuế cao hơn đối với các đối tác thương mại khi thời hạn ngày 9/7 đang đến gần, bất chấp các cuộc đàm phán hiện vẫn được tiến hành.

“Nhà đầu tư đang cân nhắc các yếu tố thương mại, nhưng nếu triển vọng đàm phán trở nên rõ ràng hơn, thị trường sẽ quay lại định giá cổ phiếu dựa trên yếu tố cơ bản, khi đó Nikkei vẫn có khả năng tiếp tục tăng,” ông Ueno đánh giá.

Trong nhóm cổ phiếu tác động lớn nhất đến thị trường, cổ phiếu Fast Retailing – công ty mẹ thương hiệu Uniqlo – giảm mạnh 3,3%, trở thành lực kéo chính khiến chỉ số Nikkei suy yếu, bên cạnh đó, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Tokyo Electron cũng giảm 1,52%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu hãng sản xuất cáp Fujikura tăng 2,2%, dẫn đầu đà tăng của chỉ số Nikkei.

Thị trường vàng

Trong phiên giao dịch sáng thứ Ba tại thị trường châu Á, giá vàng tiếp tục phục hồi và tăng lên trên mức 3.300 USD/oz trong bối cảnh đồng Đô la Mỹ suy yếu, những lo ngại về triển vọng hoàn tất đàm phán thương mại trước thời hạn ngày 09/7 và kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể hạ lãi suất sớm hơn và quy mô lớn hơn so với dự báo trước đây.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm khu vực phi nông nghiệp được công bố vào thứ Năm để đưa ra các đánh giá tiếp theo về triển vọng giá vàng trong thời gian tới.

CDT

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dien-bien-thi-truong-tai-chinh-tien-te-quoc-te-sang-17-166636.html