Diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế sáng 7/5

USD giữ giá, chỉ số chứng khoán Nikkei chững lại hay giá vàng giao dịch sáng nay tại Châu Á điều chỉnh giảm mạnh… là một số thông tin thị trường tài chính - tiền tệ thế giới đáng chú ý trong sáng nay

Thị trường ngoại hối

Đồng USD giữ giá trong phiên giao dịch ngày Thứ Tư (7/5) do thị trường đang chờ đợi kết quả cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ có nhiều biến động và các nhà đầu tư lớn ở Châu Á đang tiếp tục rút vốn khỏi các tài sản bằng đồng đô la Mỹ.

Thông tin Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ có buổi đàm thoại vào Thứ Bảy tới đã làm dịu bớt lo ngại của thị trường về cuộc chiến thương mại, vốn đang làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào đồng bạc xanh và thị trường Mỹ. Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu Fed sẽ cần thêm dữ liệu trước khi đưa ra động thái tiếp theo .

Áp lực bán tháo đồng USD có dấu hiệu giảm bớt kể từ tuần trước. Trước đó, giới đầu tư toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường mới nổi có lợi suất thấp, đã mạnh tay bán ra đồng bạc xanh hoặc chuyển dòng vốn trở về nước, gây áp lực lớn lên đồng tiền này.

Đồng đô la Đài Loan (TWD) tăng giá kỷ lục, đã góp phần vào mức tăng giá của các đồng tiền ở Singapore (SGD), Hàn Quốc (KRW) và các nước châu Á khác trong tuần này. Đồng TWD đã tăng hơn 10% so với đồng USD kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan đối với các đối tác thương mại vào ngày 2/4. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm nay, đồng TWD đã giảm giá 0,65%.

Ông George Saravelos, Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank, cho biết: "Chúng tôi đồng ý với quan điểm rằng những biến động cực đoan trên thị trường ngoại hối Đài Loan trong vài ngày qua là một điều cảnh báo. Các động thái tự phát có thể xảy ra với các đồng tiền khác, do có một lượng lớn tài sản sản bằng USD chưa được phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Đồng JPY là ví dụ điển hình nhất."

Đồng đô la Hồng Kông (HKD) giao dịch cách xa biên trên của khung tỷ giá và đồng Yên Nhật (JPY) giảm hơn 0,4%, chấm dứt chuỗi ba ngày tăng giá khi thị trường Nhật Bản mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ hai ngày.

Đồng Won Hàn Quốc (KRW) tăng lên mức cao nhất trong vòng 6 tháng vào đầu phiên giao dịch, nhưng sau đó đã giảm trở lại.

Đồng nhân dân tệ (CNY) suy yếu sau khi Trung Quốc công bố quyết định cắt giảm lãi suất. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hôm Thứ Tư cho biết ngân hàng này sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại lần đầu tiên trong năm 2025, nhằm hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang tiếp tục diễn ra âm ỉ.

Chỉ số Dollar Index ít thay đổi sau khi giảm 0,2% vào ngày hôm qua, ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp. Tỷ giá EUR/USD giảm 0,2% xuống 1,1340 thông tin ông Friedrich Merz được bầu làm Thủ tướng Đức.

Thị trường dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày hôm nay (07/5) và có thể quay trở lại chu kỳ nới lỏng từ Tháng 7. Tuy nhiên một số nhà kinh tế cho rằng tình hình lạm phát cao có thể khiến cơ quan này không thực hiện cắt giảm giảm lãi suất trong năm nay.

Bà Jessica Amir, nhà phân tích thị trường tại nền tảng giao dịch Moomoo, nhận định: "Đã có sự thay đổi hướng đi sau khi thị trường Mỹ đóng cửa, chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu đàm phán thương mại với Trung Quốc trong tuần này. Thị trường sẽ chờ xem liệu điều này có thành hiện thực không. Giá vàng hiện đã tăng 31% trong năm nay và có thể sẽ tiếp tục tăng nếu đồng USD suy yếu".

Khoảng 33 nghìn tỷ USD tiền tệ toàn cầu được đầu tư vào thị trường Mỹ, trong đó 14,6 nghìn tỷ USD là nợ tính đến cuối năm 2024, và chỉ một phần nhỏ được phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá.

Quỹ hưu trí khổng lồ GPIF của Nhật Bản và các công ty bảo hiểm nhân thọ là một trong những chủ thể nắm giữ tài sản Mỹ lớn nhất. Mức độ rủi ro của Nhật Bản với thị trường USD vào khoảng 2 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2023.

Đồng yên Nhật mạnh hơn sẽ khiến lợi nhuận suy giảm do các nhà đầu tư sẽ nhận được ít JPY hơn khi chuyển USD về nước.

Thị trường chứng khoán

Chỉ số chứng khoán Nikkei chững lại sau chuỗi 7 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó cổ phiếu ngành dược dẫn đầu đà giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra cảnh báo việc áp thuế dược phẩm trong vòng 2 tuần tới.

Nhóm cổ phiếu ô tô cũng chịu áp lực trong bối cảnh đồng Yên mạnh hơn khi các nhà đầu tư Nhật trở lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ bốn ngày. Sony Group (6758.T), sở hữu một hãng phim lớn, cũng suy yếu sau khi ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 100% đối với phim nước ngoài.

Mối lo ngại về các chính sách thuế mới của Tổng thống Trump tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, mặc dù có thông tin Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Jamieson Greer sẽ có cuộc đàm phán với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này.

Giới đầu tư cũng tỏ ra thận trọng trước thời điểm kết quả cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố.

Chiến lược gia Fumika Shimizu từ Nomura nhận định: “Với quá nhiều vấn đề liên quan đến thuế quan vẫn chưa được giải quyết, nhà đầu tư không sẵn sàng để tiếp tục đẩy thị trường lên cao,”

Nhóm cổ phiếu gây áp lực lớn nhất lên thị trường bao gồm: cổ phiếu Sony giảm 3,4%, cổ phiếu của hãng dược Terumo giảm 2,3% và cổ phiếu Fast Retailing giảm 1,5%.

Tuy nhiên, diễn biến chung của chỉ số Nikkei vẫn khá cân bằng với 120 mã tăng, 101 mã giảm và 4 mã đi ngang. Cổ phiếu giảm mạnh nhất là Sumitomo Pharma, giảm 6,7%. Hai mã ngành dược khác là Otsuka Holdings và Eisai lần lượt giảm 4,9% và 4,4%.

Trong nhóm ngành ô tô, Mitsubishi Motors là mã giảm mạnh nhất (2,7%). Toyota giảm 2,1% trước thềm công bố báo cáo tài chính vào ngày thứ Năm.

Điểm sáng trong ngày đến từ nhóm công ty thương mại, khi Berkshire Hathaway tái khẳng định cam kết đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, bất chấp việc Warren Buffett vừa rời vị trí Tổng giám đốc điều hành.

Thị trường vàng

Giá vàng giao dịch sáng nay tại Châu Á điều chỉnh giảm mạnh sau khi chạm mức cao nhất trong hai tuần vào ngày hôm qua(đang giao dịch tại quanh mức 3.350 - 3.375 USD/ounce), do tâm lý lạc quan của thị trường về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung tại Thụy Sĩ trong tuần này đã làm giảm nhu cầu đối với tài sản an toàn như vàng. Đồng thời, việc các nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hỗ trợ đồng bạc xanh phục hồi sau ba phiên giảm liên tiếp, gây áp lực giảm giá vàng. Tuy nhiên, thị trường vẫn tỏ ra thận trọng và chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn về lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed cũng như rủi ro địa chính trị kéo dài từ xung đột Nga - Ukraina và căng thẳng tại Trung Đông để tìm định hướng rõ ràng hơn cho xu hướng giá vàng sắp tới.

PL

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dien-bien-thi-truong-tai-chinh-tien-te-quoc-te-sang-75-163815.html