Điện Biên: Tiềm năng mở rộng kết nối kinh tế qua biên giới
Chiều ngày 18/10/2024, Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cùng UBND tỉnh Điện Biên đồng chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội (HBA) tổ chức Hội nghị, Hội thảo quốc tế xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch VACOD - ĐIỆN BIÊN 2024.
Tại Hội nghị, Hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA) đã chỉ ra những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế cho tỉnh Điện Biên, đặc biệt là tiềm năng kinh tế biên giới, mở rộng thị trường ra các nước láng giềng lân cận là Lào và Trung Quốc.
Tỉnh Điện Biên có cửa khẩu quốc tế Tây Trang với khu kinh tế cửa khẩu được đầu tư cùng một số cửa khẩu khác với Lào, lối mở A Pa Chải kết nối với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc sẽ tạo cơ hội phát triển kinh tế cửa khẩu, mở rộng giao thương quốc tế, du lịch và dịch vụ.
Đánh giá về tiềm năng kết nối kinh tế qua biên giới của tỉnh, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, trên cơ sở định hướng của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, quảng bá cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt trên địa bàn cả nước, trong đó có các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc.
Hoạt động đã đạt nhiều kết quả tích cực: Góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội; thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước phục vụ người dân và xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tại thị trường nội địa…
Riêng với tỉnh Điện Biên, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh quan hệ với nước bạn Lào. Bộ Công Thương kỳ vọng, Điện Biên sẽ gặt hái được nhiều thành công, đóng góp thiết thực cho quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không ngừng phát triển đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có thời gian cao điểm tập trung khảo sát tình hình phát triển kinh tế của một số tỉnh miền núi, trong đó có Điện Biên. Nhận diện nhiều tiềm năng của riêng Điện Biên, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn đã kiến nghị giải pháp để tỉnh phát triển một số mặt hàng nông sản có thế mạnh.
Ví dụ với hạt macca, một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và ngày càng được ưa chuộng, tỉnh cần có hướng phát triển bền vững. Quan điểm của Bộ Công Thương vẫn là xây dựng các điểm, trung tâm để thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Về lĩnh vực du lịch, “Điện Biên là kho báu của đại ngàn”, tiềm năng của Điện Biên rất lớn. Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ tỉnh Điện Biên tiếp cận hoạt động của mạng lưới sàn thương mại điện tử để đưa những sản phẩm mang bản sắc riêng đến với thị trường trong và ngoài nước, nhất là ở giai đoạn tỉnh còn đang chờ cơ sở hạ tầng hoàn thiện.
Bộ Công Thương luôn khuyến khích địa phương mở rộng quan hệ kinh tế ra thị trường nước ngoài, đặc biệt tỉnh có lợi thế vị trí có đường biên giới Lào và Trung Quốc. Khảo sát thị trường khu vực biên giới cho thấy, hiện nhu cầu đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam ở thị trường các tỉnh Bắc Lào và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc còn rất nhiều dư địa phát triển. Trong khả năng, phạm vi, Bộ Công Thương có thể hỗ trợ tỉnh đàm phán những cơ chế mang tính quốc tế, tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển.
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 500km đường bộ, địa bàn tỉnh có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc (biên giới với Lào dài 414,71 km, biên giới với Trung Quốc dài 40,86 km).
Trên tuyến biên giới Việt - Lào, có cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu Quốc gia Huổi Puốc. Trên tuyến biên giới Việt - Trung có lối mở A Pa Chải - Long Phú (giáp huyện Giang Thành - tỉnh Vân Nam); Là điều kiện thuận lợi để kết nối vùng Tây Bắc Việt Nam với khu vực Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến đường xuyên Á đang được đầu tư xây dựng.
Điện Biên nằm trên các trục giao thông quan trọng về đường bộ theo hướng Đông - Tây (QL6, QL279); vòng cung Tây Bắc (QL6, QL12, QL4D, QL4H…). Đang phối hợp triển khai các thủ tục cần thiết để chuẩn bị thực hiện các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng như: dự án Cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1); Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến quy hoạch Quốc lộ 12D từ trung tâm xã Mường Tùng, huyện Mường Chà đến ngã ba Nà Khoa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên; Dự án Quốc lộ 279; Quốc lộ 4H.
Sân bay Điện Biên kết nối với hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội (gần 1 giờ bay) và thành phố Hồ Chí Minh (hơn 2 giờ bay). Ngoài ra tỉnh đã nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đạt tiêu chuẩn 3C, hiện tại các loại máy bay Airbus A320, A321 đang hoạt động, sẽ kết nối đường bay Quốc tế với các nước trong khu vực và Thế giới trong thời gian tới.