Điện Biên: Tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của điện ảnh trong sự nghiệp văn hóa chung của tỉnh
Tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của điện ảnh trong sự nghiệp văn hóa chung của tỉnh; Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được chú trọng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng; Định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội nhằm nâng cao nhận thức cho người dân là những thông tin văn hóa tiêu biểu tại các tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng.
Điện Biên: Tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của điện ảnh trong sự nghiệp văn hóa chung của tỉnh
Theo Báo cáo về việc thi hành Luật Điện ảnh trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong những năm qua, tỉnh đã đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật Điện ảnh và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của điện ảnh trong sự nghiệp văn hóa chung của tỉnh, tăng dần tỷ trọng phim Việt Nam và phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao. Nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng cao được đơn vị Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh khai thác, công chiếu phục vụ nhu cầu khán giả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và định hướng, tư duy nghệ thuật, thẩm mỹ cho nhân dân.
Doanh thu từ rạp chiếu phim của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng từ năm 2017-2019 đạt 227.876.000 đồng.
Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh trong những năm qua đã tích cực triển khai các hoạt động sản xuất phim, phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ đồng bào vùng cao, vùng xa, biên giới, vùng dân tộc thiểu số, góp phần tuyên truyền đường lối chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Ngoài ra, tỉnh luôn tạo điều kiện cho các cơ sở điện ảnh tham dự Liên hoan phim nhằm trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong hoạt động điện ảnh. Từ năm 2006 đến 3/2020 đơn vị Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh có 5 tác phẩm phim phóng sự tài liệu gửi tham dự liên hoan phim Việt Nam và có 4 phim được lựa chọn chiếu trong chương trình toàn cảnh của Liên hoan phim Việt Nam.
Lào Cai: Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được chú trọng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng
Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác gia đình tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của gia đình, nhận định rõ gia đình là nền tảng phát triển phát triển kinh tế - xã hội do đó được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Mỗi gia đình đã thực sự là tế bào, là hạt nhân tích cực xây dựng cộng đồng, địa phương phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng lên. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng được chú trọng, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Nhiều giá trị đạo đức, nề nếp trong gia đình cùng với các quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thấm sâu vào đời sống cộng đồng dân cư, người dân có ý thức tốt hơn trong việc xây dựng gia đình hòa thuận - ấm no - tiến bộ- hạnh phúc; tình làng nghĩa xóm được củng cố; truyền thống đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa được nhân rộng; thực hiện nếp sống văn minh thu được nhiều kết quả. Các mục tiêu về gia đình cùng với chương trình xóa đói giảm nghèo, công tác chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, công tác dân số, KHHGĐ... ngày càng được các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng gia đình và xã hội quan tâm tổ chức nhiều phong trào thi đua tại cơ sở, điển hình là phong trào xóa đói giảm nghèo, phong trào gia đình hiếu học,...công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, người có công ngày càng được quan tâm, kịp thời, chu đáo, đúng quy định.
Từ năm 2010 đến nay các sở, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đã xây dựng được 57 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại 57 xã với 285 Câu lạc bộ và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 380 "Địa chỉ tin cậy cộng đồng"; 111 câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, 164 "Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc"; 30 mô hình Đề án "Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam" tại 300 thôn, bản, tổ dân phố; … Sự phát triển của các mô hình gia đình và các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã làm giảm đáng kể tình trạng bạo lực trong gia đình trên địa bàn tỉnh. Năm 2009, toàn tỉnh có 277 vụ bạo lực gia đình thì đến hết năm 2019 đã giảm xuống còn 83 vụ; đặc biệt tại các thôn, bản có mô hình câu lạc bộ gia đình không còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình.
Công tác gia đình đã có nhiều chuyển biến rõ nét, Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và Công tác gia đình thường xuyên được kiện toàn, các ngành thành viên Ban chỉ đạo đã có sự phối hợp chặt chẽ trong triển khai nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào.
Năm 2005 toàn tỉnh có 77.057 /113.262 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (chiếm 68%), đến hết năm 2019, tổng số hộ được công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa là 141.168/168.624 hộ (đạt 83,72%). Số làng, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa lần lượt tăng theo các năm và trở thành phong trào ngày càng lớn mạnh và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, năm 2005 toàn tỉnh có 794/2.033 làng, bản, TDP văn hóa (đạt 39%), năm 2010 có 1.090/2.181 làng, bản, TDP văn hóa (đạt 50%). Đến hết năm 2019 có 1.531/1.719 làng, bản, TDP văn hóa (đạt 89.06%). Số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đạt trên 93%.
Cao Bằng: Định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội nhằm nâng cao nhận thức cho người dân
Để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Sở VHTTDL Cao Bằng đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp.
Cụ thể, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW gắn với các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" nhằm nâng cao nhận thức đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân tại các địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Chủ động tham mưu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo về quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ; tuyên truyền, khuyến nghị người dân không đốt đồ mã, vàng mã tại di tích, cơ sở thờ tự và lễ hội; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Tiếp tục thực hiện việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội, xử lý các sai phạm trong hoạt động lễ hội và đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện.
Hướng dẫn, triển khai thực hiện đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội theo thẩm quyền. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc quản lý và tổ chức lễ hội; định hướng tuyên truyền về giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội nhằm nâng cao nhận thức cho người dân; tuyên truyền về các quy định thực hiện nếp sống văn minh tại các di tích và lễ hội.
Tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người tham lễ hội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội; Ban quản lý di tích, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dân thi hành.