Điện Biên vượt sóng gió đại dịch
ĐBP - Cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới các lĩnh vực; nhất là khi Điện Biên là tỉnh đã bị dịch bệnh Covid-19 xâm nhập. Tuy nhiên sự chủ động, linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh ta thời gian qua đã 'tròn vai' trong thực hiện 'nhiệm vụ kép' vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giúp Điện Biên vượt sóng gió đại dịch, đưa kinh tế tiếp tục phát triển.
Lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Điện Biên tại Siêu thị Hoa Ba.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có bởi đại dịch Covid-19 gây ra, song tỉnh Điện Biên đã đạt được toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020. Phải kể tới đó là thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chủ động phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng vẫn duy trì mức tăng trưởng khá; tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách hành chính có chuyển biến rõ nét; xây dựng NTM, giảm nghèo được tích cực triển khai thực hiện; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 ước giảm còn 29,93% (giảm 3,12% so với năm 2019); kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống của nhân dân nâng lên. Trong điều kiện là tỉnh đã có dịch Covid-19, song nhờ chủ động và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch nên dịch bệnh đã được kiểm soát; tình hình sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh ổn định trở lại. Đây là điều kiện thuận lợi để kinh tế - xã hội của Điện Biên tiếp tục phát triển. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; trong quý I/2021 kinh tế tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả khả quan. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt gần 658,5 tỷ đồng. Tín hiệu đáng mừng là so với cùng kỳ năm 2020 chỉ số sản xuất ngành công nghiệp quý I tăng 2,66% (trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 0,53%; công nghiệp chế biến tăng 2,48%; sản xuất và phân phối điện, nước tăng 2,17%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 10,47%). Các địa phương trong tỉnh tích cực gieo cấy gần 9.832ha lúa đông - xuân (tăng 3,24%); tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh ước đạt 536.039 con (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt nhờ đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; tổ chức thẩm định để công nhận thêm 8 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM năm 2020, nâng tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM của toàn tỉnh lên 38 xã (21 xã đạt chuẩn NTM); tỉnh cũng đã công nhận thêm 9 sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nâng tổng số sản phẩm được chứng nhận, phân hạng trên địa bàn lên 35 sản phẩm.
Dịch vụ du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19, song ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tình hình ổn định với nhiều biện pháp “kích cầu”, sự chủ động, tích cực của ngành Du lịch đã giúp du lịch Điện Biên từng bước phục hồi, “kéo” du khách tới tham quan. Lũy kế lượng khách du lịch đến Điện Biên trong quý I ước đạt khoảng 167 nghìn lượt (tăng 89,9%); thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 275 tỷ đồng (tăng 100,7% so với cùng kỳ năm 2020).
Cũng trong điều kiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19; song các chương trình, dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, như: Dự án nâng cấp, cải tạo Cảng Hàng không Điện Biên, Dự án Đường 60m, Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung, dự án Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ... luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh thông qua hàng loạt các cuộc làm việc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án để nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công thực hiện dự án.
Đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh xác định đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên là dự án trọng điểm, quan trọng nhất của tỉnh. UBND tỉnh đã tập trung đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ, trong đó đã giao Sở Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối của tỉnh thực hiện trách nhiệm làm việc với các cơ quan Trung ương, tham mưu cho tỉnh đối với các nội dung liên quan đến triển khai thực hiện các thủ tục để thực hiện đầu tư dự án; giao UBND TP. Điện Biên Phủ là chủ đầu tư thực hiện dự án giải phóng mặt bằng và các dự án xây dựng các điểm tái định cư; yêu cầu thực hiện xây dựng các điểm tái định cư đảm bảo điều kiện để giao đất cho các hộ dân, chậm nhất là ngày 30/6/2021 và tập trung di dời các cơ quan, đơn vị theo phương án được duyệt, phấn đấu bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đảm bảo điều kiện để khởi công dự án trước ngày 30/8/2021. Để sớm hoàn thiện các thủ tục liên quan, đảm bảo các điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện khởi công dự án vào đầu quý III/2021, UBND tỉnh chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu kỹ thuật, báo cáo đánh giá tác động môi trường và hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo các điều kiện triển khai dự án. Đối với việc triển khai các dự án xây dựng điểm tái định cư, tỉnh yêu cầu TP. Điện Biên Phủ tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc, tồn tại trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong tháng 4; đồng thời chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc thiết bị để triển khai thi công, giải ngân và đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng các điểm tái định cư đảm bảo điều kiện để giao đất cho các hộ dân trước ngày 30/6/2021.