Điện bừng sáng bản Yên sau hơn 30 năm mong đợi
Người dân định cư, lập bản, sinh sống tại bản Yên (xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) từ những năm 1990. Sau 31 năm, đến nay niềm mong mỏi có điện thắp sáng của hàng chục hộ dân đồng bào dân tộc Thái, Cống nơi đây giờ đã thành hiện thực khi công trình Trạm biến áp Bản Yên có công suất 50 kVA được Công ty Điện lực Điện Biên đưa vào hoạt động.
Anh Đao Văn Long, Trưởng bản Yên chia sẻ: Người dân sinh sống tại bản Yên từ năm 1990. Đến nay, cả bản có 45 hộ, trong đó có 43 hộ là dân tộc Thái, ngành Thái đen và 2 hộ dân tộc Cống, có 19 hộ nghèo. Bao đời nay, kinh tế của bà con chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngày đóng điện Trạm biến áp bản Yên diễn ra vào đầu tháng 2/2021. Đây là một ngày đặc biệt đối với người dân. Khi trạm biến áp đóng điện vận hành, bản làng rộn ràng tiếng loa đài, ca hát. Đêm đầu tiên bản làng có điện, người dân đã tập trung rất đông về tại khu đất trống ở giữa bản để liên hoan văn nghệ, cùng múa xòe trong sự hân hoan, phấn khởi.
Trước đây, cuộc sống của người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn bởi điện thắp sáng phải dùng máy phát điện chạy bằng sức nước đặt tận ngoài suối Nậm Sả, cách làng hơn 1km. Để có nguồn điện này, một hộ dân phải bỏ ra hơn 3 triệu đồng mua máy phát điện, đường dây dẫn và lắp đặt. Tuy nhiên, nguồn điện chạy bằng máy phát điện rất yếu, luôn chập chờn.
Hằng năm, vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về dòng Nậm Sả rất mạnh nên người dân phải tháo dỡ máy phát điện vì sợ nước lũ cuốn trôi. Vào mùa khô, dòng Nậm Sả cạn dòng từ 3 đến 4 tháng, không đủ nước, dòng chảy yếu nên bà con không có nguồn điện từ máy phát để sử dụng. Lúc chưa có điện lưới, ăn cơm chiều xong là nhà nhà cửa đóng then cài, bản làng mau chóng chìm vào đêm đen tĩnh mịch.
Chia sẻ về những lợi ích của nguồn điện lưới quốc gia, anh Đao Văn Long cũng cho biết thêm: Có điện, nhiều người dân trong bản đã mua sắm tivi, loa đài để đáp ứng nhu cầu giải trí, mở mang kiến thức, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhiều hộ dân khác thì tích lũy tài chính để mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, những hộ buôn bán tạp hóa trong bản thì mua thêm tủ lạnh để bảo quản, dự trữ hàng hóa thực phẩm.
Giá trị của nguồn điện hiện hữu ở bản Yên, các cháu học sinh là người hiểu rõ và thích thú hơn cả. Em Lù Thị Minh, học sinh Trường THPT huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cho biết: Khi bản chưa có điện, muốn học cháu phải dùng đèn dầu hoặc nến. Bây giờ có điện rồi, việc học tập của cháu và các bạn trong bản sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, kết quả học tập cũng sẽ tiến bộ hơn.
Có điện lưới quốc gia, khi trời tối bản Yên cũng vui hơn, rộn ràng hơn. Khép lại công việc hàng ngày, người dân trong bản lại í ới rủ nhau đến những gia đình có tivi để cùng xem. Nhà nhà đầy ắp tiếng nói cười rôm rả, tình đoàn kết bản làng qua đó càng thắt chặt thêm. Bà Lù Thị Hoa, bản Yên, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, chia sẻ, trước đây, phải chờ mặt trời lên cao vượt khỏi đỉnh đồi, bản làng sáng tỏ mặt người, bà mới vào bếp làm những công việc đầu tiên của ngày mới. Nhưng nay, nhờ nguồn điện thắp sáng nên bà có thể vào bếp sớm hơn cả tiếng đồng hồ để chuẩn bị bữa sáng cho gia đình.
Ông Lường Văn Phong, Phó Giám đốc Điện lực huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, cho biết: Trạm biến áp bản Yên thuộc Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014-2020. Ngoài trạm biến áp bản Yên, hai trạm biến áp khác ở các bản Huổi Pinh, Nậm Sả trên địa bàn xã Mường Toong cũng được đóng điện, đi vào vận hành.
Sau gần 5 tháng thi công, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các công nhân ngành điện nỗ lực hoàn thành công trình. Với tổng mức đầu tư công trình cấp điện cho 3 điểm bản này là hơn 2,7 tỷ đồng, công trình gồm gần 10km đường dây trung thế, gần 4km đường dây hạ thế, 3 trạm biến áp có tổng công suất hơn 181,5kVA. Thụ hưởng dự án này, mỗi hộ dân được hỗ trợ 1 bảng điện, bóng điện và dây diện kéo về tận nhà. Tại xã Mường Toong, có khoảng 600 hộ dân ở được hưởng lợi của dự án.
Ngay sau khi đóng điện các trạm biến áp, ngành điện lực đã nhanh chóng thực hiện việc ký hợp đồng mua bán điện cho bà con, đồng thời triển khai tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và phối hợp tốt với ngành điện trong việc bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.
Những năm qua, việc mở rộng lưới điện đến các bản vùng sâu, vùng xa của Mường Nhé-huyện cực Tây Tổ quốc luôn được ngành điện lực chú trọng triển khai thực hiện. Đến nay, Điện lực huyện Mường Nhé đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đưa điện lưới đến 11/11 xã trên địa bàn, điện lưới đã phủ khắp khoảng 96% số bản trên địa bàn.
Điện về sáng bản vùng biên là món quà ý nghĩa, thiết thực mà Đảng, Nhà nước, ngành điện và các cấp chính quyền địa phương đã chung tay quan tâm, chia sẻ đến người dân bản Yên nói chung, xã Mường Toong nói chung. Có điện, người dân bản Yên đang đứng trước một tiền đề, động lực quan trọng để phát triển kinh tế gia đình. Qua đó càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước để cùng xây dựng bản làng, quê hương ngày một ấm no, khởi sắc và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/dien-bung-sang-ban-yen-sau-hon-30-nam-mong-doi-634619/