Điện cạnh tranh và gỡ cơ chế thị trường để phát triển

Kinhtedothi – Còn bất cập, song giải pháp cởi gỡ về thị trường điện cạnh tranh được nhà quản lý, chuyên gia… đưa ra tại Hội thảo 'Chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra và giải pháp' tổ chức ngày 18/7.

Sự kiện do Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức…

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Anh

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Anh

Gợi mở khắc phục hạn chế

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến chỉ ra các vấn đề còn tồn tại trong chính sách và thực thi, cần thiết phải có sự điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, một số ý kiến cho rằng dư luận đánh giá, ngành điện vẫn còn nhiều tính độc quyền cần có chính sách hợp lý…

Điện là đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Tái cơ cấu quản trị ngành Điện để giảm chi phí tối ưu không chỉ là nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà của tất cả các đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh điện, kể cả doanh nghiệp tư nhân.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An

Theo Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực đoàn giám sát: Bên cạnh những kết quả tích cực, ngành năng lượng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Trong đó, ngành điện là ngành hạ tầng quan trọng, phải đi trước một bước để phục vụ yêu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chính sách giá điện, thị trường điện là những vấn đề cốt lõi đối với sự phát triển ngành điện, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tác động trực tiếp đến kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta.

“Việc tổ chức thực hiện hệ thống chính sách, pháp luật về giá điện, thị trường điện; công tác quản lý Nhà nước đối với giá điện, thị trường điện, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành giá điện, thị trường điện, tái cơ cấu ngành điện, mô hình tổ chức quản lý cả ở góc cạnh quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp… đang cần giải quyết” – ông Lê Quang Huy nói.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Trần Tuệ Quang cho rằng, hệ thống pháp luật lĩnh vực về giá điện cơ bản đã hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất và khả thi, song đến nay còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

Năng lượng điện gió của doanh nghiệp được đầu tư tại Phước Ninh, Ninh Thuận. Ảnh: Khắc Kiên

Năng lượng điện gió của doanh nghiệp được đầu tư tại Phước Ninh, Ninh Thuận. Ảnh: Khắc Kiên

Hiện, giá bán lẻ điện đang được Bộ Công Thương nghiên cứu và từng bước hoàn thiện đảm bảo ngành điện hoạt động hiệu quả, bảo toàn vốn Nhà nước, đảm bảo công tác đầu tư phát triển điện lực được liên tục và hiệu quả với quan điểm xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

Do đó, ông Trần Tuệ Quang cho biết, cần thiết quy định chính sách giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo theo định hướng, thực hiện các mục tiêu như: Giá điện theo cơ chế thị trường, thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng và hiệu quả, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý và điều hành giá điện thông qua hoạt động mua bán điện.

Công nhân truyền tải điện Ninh Thuận dùng công nghệ kiểm tra kỹ thuận điện. Ảnh: Khắc Kiên

Công nhân truyền tải điện Ninh Thuận dùng công nghệ kiểm tra kỹ thuận điện. Ảnh: Khắc Kiên

PGS. TS. Bùi Xuân Hồi - Chuyên gia Kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc thẳng thắn, các điều kiện để triển khai lộ trình thị trường điện cạnh tranh giai đoạn qua cơ bản đã không được thực hiện. Về tính đồng bộ, trong chuỗi giá trị điện lực cấu phần sản xuất điện chiếm khoảng 70-80% giá thành cung ứng điện. Nếu phần nguồn điện theo lộ trình thị trường (giá cả phản ánh quan hệ cung cầu), giá bán lẻ điện cho hộ tiêu dùng cuối cùng cũng phải điều tiết theo quan hệ này…

Đặc biệt các chính sách điều tiết về giá bán lẻ, các quy định về cơ chế điều chỉnh giá đưa ra, nhưng quá trình thực thi điều chỉnh giá bán lẻ đã không được thực hiện càng làm cho việc giá bán lẻ theo cơ chế giá điện trên thị trường giao ngay và bán buôn. Điều này không phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng.

Do đó, không thể đặt ra một lộ trình phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh quá tham vọng về mặt thời gian trong khi các yếu tố nền tảng cho sự tồn tại của thị trường còn đang chưa có, chưa đáp ứng. “Quan điểm nên xây dựng lại lộ trình phát triển thị trường điện bán lẻ khả thi hơn, song song lộ trình xử lý các tồn tại hiện nay liên quan đến thị trường bán buôn, liên quan đến điều kiện tiên quyết đó là chính sách giá bán lẻ điện”” – vị này nói.

Cơ cấu về điện chưa bù đắp chi phí

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, dù đã góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, nhưng chính sách giá điện, thị trường điện còn nhiều bất cập, hạn chế.

Tổ đường dây truyền tải điện Thanh Hóa leo cột kiểm tra đảm bảo điện. Ảnh: Khắc Kiên

Tổ đường dây truyền tải điện Thanh Hóa leo cột kiểm tra đảm bảo điện. Ảnh: Khắc Kiên

Có ý kiến cho rằng cơ cấu phát điện, điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý; công thức tính toán, xác định biến động của các thông số đầu vào cơ bản lên giá điện chưa được hoàn thiện; cơ cấu biểu giá bán lẻ chưa phù hợp, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện hai thành phần…

“Công tác tái cơ cấu ngành năng lượng để từng bước hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh, trong đó có thị trường điện thực hiện còn chậm, còn tình trạng độc quyền Nhà nước trong một số lĩnh vực năng lượng” – ông Nguyễn Đức Hải chỉ ra.

Việc hình thành thị trường điện triển khai chậm, nhiều vướng mắc, nên cần rà soát, đánh giá lại việc trợ giá than cho sản xuất điện, giá khí cho sản xuất đạm, giá điện cho một số hộ tiêu thụ điện…

Bên cạnh đó, chưa dự báo tốt và tính toán đầy đủ những yếu tố ảnh hưởng từ thị trường năng lượng khu vực và thế giới. Những tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc về giá điện, thị trường điện hiện ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện, ngành năng lượng và sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Do đó, đòi hỏi phải có những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, có cách làm mới, giải pháp đột phá để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, bảo đảm mục tiêu cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân với giá cả hợp lý trong một thị trường lành mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đây là cơ sở để Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội những đề xuất, kiến nghị thật sự "đúng" và "trúng", vừa giúp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trước mắt, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dien-canh-tranh-va-go-co-che-thi-truong-de-phat-trien.html