Điện cho mùa khô ở miền Nam: Nỗ lực khắc phục những thiếu hụt
Trong 2 tháng đầu năm 2018, dù chưa bước vào cao điểm mùa khô, nhưng sản lượng điện thương phẩm của EVNSPC đã tăng 10,09% so với cùng kỳ năm 2017. Nhu cầu sử dụng điện ở miền Nam khả năng sẽ còn tiếp tục tăng.
Đáng kể nhất là các tỉnh công nghiệp phát triển mạnh như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ có thể tăng trưởng trên 11%. Hệ thống điện miền Nam hiện vẫn chưa tự cân đối được nguồn cung, phải nhận từ miền Bắc và miền Trung qua đường dây 500 kV.
Cùng với nhu cầu phụ tải tăng cao trong các tháng tới, EVNSPC xác định sẽ phải đối diện không ít thách thức. Bên cạnh đó, một số khu vực nuôi tôm tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển nhanh chóng, không theo quy hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng điện năng, làm tăng tổn thất điện năng...
Ngoài ra, một số công trình lưới điện trọng điểm tại các tỉnh thành như TBA 220 kV Cần Đước, các TBA 110kV Vĩnh Tường, Khánh Vân… vẫn bị chậm tiến độ do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, cũng sẽ gây ảnh hưởng đến việc cung cấp điện.
Trong năm 2018, Tổng công ty Điện lực miền Nam (SPC) đề ra mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và sinh hoạt của nhân dân trên toàn địa bàn quản lý.
Để đạt được mục tiêu trên, SPC đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định, SPC đã chủ hoàn tất kế hoạch cung cấp điện cho mùa khô và cả năm 2018 cũng như phương án cung cấp điện khi hệ thống mất cân đối cung cầu trình UBND tỉnh/thành phố phê duyệt nhằm bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, cung cấp điện ổn định.
SPC đã yêu cầu các công ty điện lực xây dựng phương án giám sát sử dụng điện, huy động nguồn phát riêng đối với khách hàng sản lượng lớn, sử dụng thông tin đo ghi từ xa để phục vụ cho công tác giám sát sử dụng điện; đồng thời thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới điện, hệ thống rơle, hành lang an toàn lưới điện cao áp để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xảy ra sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Đối với khách hàng sắt thép, xi măng và khách hàng có từ 2 phân kỳ trở lên theo như đăng ký, thỏa thuận đã làm việc với khách hàng về nhu cầu dùng điện, khả năng tiết giảm, huy động nguồn riêng, rà soát, đề xuất các phương án tiết giảm nhu cầu điện tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện (sắt thép, xi-măng v.v…) để ứng phó với trường hợp có khả năng mất cân đối cung - cầu điện hệ thống điện miền Nam.
Đồng thời, SPC đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình và hoàn thành đóng điện 29 công trình lưới điện 110kV tại 21 tỉnh/ thành phía Nam và xây dựng các lộ ra 22kV để kịp thời khai thác đồng bộ với tiến độ đưa vào vận hành của các trạm biến áp 110kV.
Song song với đó, SPC yêu cầu các công ty điện lực thành viên chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Thường xuyên kiểm tra lưới điện để kịp thời phát hiện nguy cơ sự cố cũng như thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
Với khu vực ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam bộ, nhiều thời điểm phụ tải sẽ tăng mạnh do bà con thả tôm giống và bơm tưới cây công nghiệp, công tác theo dõi các trạm biến áp cũng được các điện lực thực hiện sát sao; bố trí các MBA dự phòng, để kịp thời đáp ứng khi xảy ra trường hợp quá tải, phụ tải tăng đột biến…
Ngoài ra, EVNSPC cũng đấy nhanh tiến độ thi công các công trình và hoàn thành đóng điện 29 công trình lưới điện 110 kV tại 21 tỉnh/ thành phía Nam và xây dựng các lộ ra 22 kV để kịp thời khai thác đồng bộ với tiến độ đưa vào vận hành của các trạm biến áp 110 kV; thường xuyên kiểm tra hệ thống lưới điện, hệ thống rơle, hành lang an toàn lưới điện cao áp để kịp thời phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xảy ra sự cố, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện...
Công ty cũng rà soát, thống kê chi tiết các phụ tải mang tính chất mùa vụ, đặc trưng của địa phương và có phương án ưu tiên cho các phụ tải trọng yếu phục vụ nhu cầu dân sinh cơ bản như nước sạch, bệnh viện…, chống hạn, chống úng, ngăn dịch bệnh, các sự kiện chính trị - xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh với đặc thù là đô thị đặc biệt, giữ vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên dự báo tăng trưởng phụ tải trong năm 2018 của Thành phố tiếp tục gia tăng với sản lượng điện thương phẩm đạt từ 22.850 - 25.400 triệu kWh, tăng khoảng từ 4,2-6,46% so với mức thực hiện năm 2017.
Công suất cực đại cũng ước đạt 4.141 MW, tăng 7,06% so với năm 2017. Để đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm nay, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và thống nhất với Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam về phương thức vận hành lưới điện 110kV, đặc biệt là đảm bảo trạm biến áp 220kV Tao Đàn cấp điện cho khu vực trung tâm thành phố vận hành dưới 80% tải định mức ở chế độ thường.
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Chánh Văn phòng Đảng ủy Tổng công ty cho biết, hiện nay lưới điện Thành phố Hồ Chí Minh đang dự phòng khoảng 43%, cùng với việc đảm bảo cấp điện chất lượng, từ 2 nguồn cho các phụ tải quan trọng như Intel, Sam sung, Khu công nghệ cao, sân bay Tân Sơn Nhất, Công viên phần mềm Quang Trung, các khu công nghiệp, khu chế xuất...
Tổng công ty cũng xây dựng các kịch bản để điều hành và phân phối điện trong điều kiện hệ thống điện vận hành bình thường, trong điều kiện thiếu 1-10% sản lượng và công suất hệ thống. Trong đó ưu tiên đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng, tăng cường huy động phát máy của khách hàng, hạn chế tối đa cắt giảm điện khi thiếu nguồn và thời gian gián đoạn cung cấp điện khi thiếu nguồn không quá 5 giờ/ngày.
Song song với đó, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới để nâng cao năng lực quản lý, vận hành lưới điện mùa khô. Trong hai tháng 4-5 không bố trí cắt điện để đảm bảo cung cấp điện cho mùa khô theo đúng chỉ đạo của EVN.
Đơn vị này đã chủ động triển khai và tăng cường các giải pháp cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa khô cũng như cả năm 2018, nhưng EVNSPC cũng rất cần sự chung tay sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả từ các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình…/.