Điện đàm Tổng thống Trump – Putin: Thế giới lo ngại hay kỳ vọng?

Theo thông báo từ Nhà Trắng, ông Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó hai bên đồng ý bắt đầu soạn thảo một bản ghi nhớ về thỏa thuận hòa bình trong tương lai.

Tổng thống Dpnald Trump. Ảnh: White House

Tổng thống Dpnald Trump. Ảnh: White House

Sau cuộc điện đàm, ông Trump đã thông báo nội dung cuộc trao đổi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các lãnh đạo châu Âu, bao gồm Pháp, Đức, Ý, Phần Lan và Ủy ban châu Âu.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế đã được thống nhất cho tới khi có những tiến triển thực chất trong đàm phán. Phát biểu được đưa ra sau cuộc gọi Trump – Putin, cho thấy châu Âu vẫn giữ lập trường nhất quán trong cách tiếp cận đối với tình hình tại Ukraine.

Các lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Friedrich Merz, bày tỏ lo ngại và quyết định tăng cường trừng phạt Moscow sau khi nghe báo cáo từ ông Trump. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định "điều quan trọng là Mỹ vẫn giữ vai trò trong tiến trình này", song nhiều nhà quan sát cho rằng việc ông Trump không áp đặt trừng phạt là dấu hiệu nhượng bộ đáng lo ngại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Tổng thống Putin cân nhắc đề xuất ngừng bắn 30 ngày như đã nêu trước đó. Ông Macron cho rằng đây là bước đi cần thiết để tạo không gian cho các cuộc đàm phán nghiêm túc, hướng tới một giải pháp chính trị bền vững.

Tại Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần sự tham gia trực tiếp của Ukraine. “Không có thỏa thuận nào về Ukraine mà lại thiếu tiếng nói của Ukraine,” ông nói. Tổng thống Zelensky cũng đề xuất tổ chức một hội nghị quốc tế với sự tham gia của Mỹ, EU, Anh, Ukraine và Nga tại các địa điểm trung lập như Vatican, Thụy Sĩ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb cho rằng các cuộc đàm phán là điều tích cực, nhưng cần được tiến hành minh bạch và có sự giám sát quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần đàm phán, nhưng cũng cần các cơ chế đảm bảo và xác thực kết quả.”

Từ London, Thủ tướng Anh Keir Starmer nêu rõ: “Chúng ta cần duy trì thông điệp chung gửi tới Moscow: hòa bình chỉ có thể đạt được khi có các cam kết rõ ràng về rút quân và tôn trọng chủ quyền của Ukraine.” Ông cũng khẳng định Anh sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác để đảm bảo tiến trình hòa bình diễn ra trên cơ sở đồng thuận và công bằng.

Tại Rome, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp giữa các quốc gia G7, EU và Ukraine để thảo luận và thống nhất cách tiếp cận chung trong giai đoạn sắp tới. Ý cho rằng sự phối hợp đa phương là yếu tố then chốt để duy trì ổn định và lòng tin giữa các bên liên quan.

Dù tuyên bố có "tiến triển nhất định", ông Trump khẳng định chưa sẵn sàng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Moscow vì lo ngại điều này có thể làm tình hình xấu đi. “Nếu không có tiến triển, tôi sẽ rút lui. Đây không phải là cuộc xung đột của tôi,” ông Trump nói với báo giới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó xác nhận Moscow sẵn sàng hợp tác với Ukraine trong việc xây dựng văn kiện cho một thỏa thuận hòa bình tiềm năng. Phát biểu tại Sochi, ông Putin nhấn mạnh bản ghi nhớ có thể quy định nguyên tắc giải quyết, thời gian thực hiện và các điều khoản liên quan. “Điều quan trọng nhất là loại bỏ tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này,” ông nói.

Một trợ lý của ông Putin cho biết hai bên đã bàn về khả năng trao đổi tù binh, với đề xuất trao đổi 9 công dân Nga lấy 9 người Mỹ. Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng việc xây dựng văn kiện ngừng bắn là “quá trình phức tạp”, chưa thể đặt ra thời hạn cụ thể.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dien-dam-tong-thong-trump-putin-the-gioi-lo-ngai-hay-ky-vong.708998.html