Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 được kỳ vọng sẽ là diễn đàn thường niên
Đây là kỳ vọng mà ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân đưa ra tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018, chiều 5/12.
Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 (Travel & Tourism Submmit 2018) đã diễn ra Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Sự cần thiết cơ cấu lại ngành và phát triển Du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng, bền vững”.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Việt NAm (TAB), thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân nhấn mạnh với niềm vui của một người đã 25 năm đầu tư và xây dựng các công ty du lịch, công ty khách sạn tại Việt Nam: “Trong vài năm gần đây, tăng trưởng du lịch của Việt Nam rất ấn tượng, đóng góp trực tiếp vào du lịch tăng liên tục trên 20%/năm”.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng thẳng thắn: Trong sự tăng trưởng ngoạn mục đó, ngành du lịch đang phải đối mặt với những thách thức hết sức to lớn. Đó là, năng suất lao động của ngành tăng trưởng rất thấp, không quá 4% trong 10 năm qua. Năng lực cạnh tranh quốc gia chưa cao. Đặc biệt, tính bền vững của ngành du lịch tương đối thấp, sự phá hủy môi trường nghiêm trọng.
“Trong bối cảnh đó, Diễn đàn có những câu hỏi mở về chiến lược quốc gia cho ngành du lịch trong những năm tới, đảm bảo tăng trưởng ổn định trong bối cảnh nền kinh tế số, cách mạng công nghệ 4.0. Làm sao để các con cháu của chúng ta được hưởng nền văn hóa đặc sắc, môi trường du lịch sạch. Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 được kỳ vọng sẽ là diễn đàn thường niên của ngành du lịch Việt Nam”, ông Kiên nói.
Nhận định về Hạ tầng du lịch Việt Nam trước yêu cầu phát triển ngành du lịch, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam ghi nhận kết quả đạt được về hoạt động du lịch Việt Nam tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc.
Đồng thời, ông Kenneth Atkinson cũng cho rằng hạn chế của ngành du lịch Việt Nam nằm ở tính bền vững. Có những địa điểm nổi tiếng như Vịnh Hạ Long khách quốc tế chỉ đi trong ngày và nơi đây cũng đang rất ô nhiễm. Ông dự báo khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam sẽ tăng cao trong 7 năm tới, có thế đạt mốc 30 triệu khách như Thái Lan hiện nay.
Trong Báo cáo dẫn đề về sự cần thiết cơ cấu lại ngành, phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng, bền vững, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Trong xu hướng phát triển chung của thế giới, khu vực, Việt Nam xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở nhiều lợi thế về du lịch.
Năm 1990, Việt Nam có 250.000 khách quốc tế, 14 triệu khách nội địa, nhưng đến năm 2017 thì đã đón trên 13 triệu khách quốc tế, hơn 73 triệu khách nội địa. Tổng thu nhập từ du lịch đạt khoảng 510 nghìn tỷ đồng, đóng góp 7% vào GDP cả nước. Cũng trong năm 2017, Việt Nam đã xếp hạng thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới và được bình chọn là điểm đến hàng đầu du lịch châu Á.
“Tính từ năm 1990 đến năm 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, trung bình 16%; khách nội địa tăng 72 lần, trung bình là 22%. Các lĩnh vực đầu tư của tư nhân trong phát triển hạ tầng kỹ thuật, của du lịch, xúc tiến quảng bá đang tạo đòn bẩy tăng trưởng du lịch trên cả nước”, ông Siêu cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Siêu, tại Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam hiện đang xếp 67/136 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, mức thấp.
Nhiều hạn chế, điểm nghẽn chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể là cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn thiếu và còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn khiêm tốn, phát triển du lịch chưa thực sự gắn với bảo vệ môi trường.
Chính vì vậy, việc tái cơ cấu của ngành du lịch là điều hết sức cần thiết và cấp bách, tập trung vào việc tái cơ cấu và phát huy tối ưu các nguồn lực, tăng cường nguồn lực du lịch, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch.
Để phát triển du lịch theo hướng bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 năm 2107, Quốc hội đã ban hành Luật Du lịch.
“Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản thông qua Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn 2030. Đây là một Đề án chúng tôi đã tham vấn rất nhiều cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG). Với nội dung và hướng trọng tâm là tập trung cơ cấu lại thị trường, củng cố và phát triển hệ thống sản phẩm về du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, cơ cấu lại doanh nghiệp, nguồn lực phát triển du lịch; sắp xếp và kiện toàn hệ thống quản lý du lịch. Đây chính là vấn đề hôm nay chúng ta thảo luận sâu để đưa ra các giải pháp hợp lý”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thông báo.
Ông Siêu cũng nhấn mạnh: Mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch sẽ đạt khoảng 45 tỷ đô la, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt khoảng 27 tỷ đô la, ngành du lịch sẽ đóng góp 10% vào GDP, tạo ra trên 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp (70% số này sẽ vượt qua rào cản). Đón khoảng 32 triệu lượt khách quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, đặt ra những nhiệm vụ trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc triển khai cụ thể thế nào là sự kết hợp của nhiều ban, ngành trên cả nước, đặc biệt là sự tham gia của khối tư nhân trong thời gian tới.
Hy vọng các sáng kiến, các đóng góp, các đề xuất của các chuyên gia, nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch có sức sống mới, tìm ra những hướng đi hiệu quả.