Diễn đàn chủ nhật: Lúa hè thu trở lại

Những năm trước đây, ở Quảng Bình và nhiều địa phương khác, tình trạng bỏ hoang đất ruộng vụ hè thu xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân khiến nông dân 'quay lưng' với đồng ruộng là do chi phí sản xuất cao, sâu bệnh hoành hành, thiếu nước tưới tiêu, giá lúa bấp bênh, đầu ra sản phẩm không ổn định nên trồng lúa bị lỗ nặng.

Thế nhưng, trong vụ hè thu 2024, toàn tỉnh Quảng Bình gieo cấy hơn 15.500ha lúa, tăng hơn 1.000ha so với năm trước. Nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh, công tác diệt chuột hiệu quả, nông dân được hỗ trợ chi phí sản xuất... nên sản lượng tăng cao, giá lúa bán ra từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg; trung bình 1ha, bà con lãi hơn 35 triệu đồng, còn nếu đi thuê ruộng trồng, chăm sóc cũng lãi hơn 20 triệu đồng. Vụ hè thu được mùa, giá tốt khiến bà con nông dân rất phấn khởi. Còn điều gì nữa khiến nông dân trở lại canh tác vụ lúa hè thu?

Đó là, bên cạnh yếu tố thuận lợi về thời tiết, có một yếu tố rất quan trọng là việc đẩy mạnh liên kết mở rộng sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp giống cây trồng đã hỗ trợ giống lúa ngắn ngày chất lượng tốt, hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và nhất là cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá ổn định. Chuỗi liên kết này đã tạo nên những cánh đồng rộng lớn cho sản lượng, năng suất cao. Những cam kết đồng hành vì lợi ích của nông dân đã tạo tâm lý ổn định giúp bà con tự tin xuống giống sản xuất, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân... Đặc biệt, việc liên kết, mở rộng sản xuất đã cơ bản giải được bài toán đất ruộng bỏ hoang vụ hè thu gây lãng phí tài nguyên, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

 Nông dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) thu hoạch lúa hè-thu. ảnh: Baoquangbinh.vn

Nông dân huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) thu hoạch lúa hè-thu. ảnh: Baoquangbinh.vn

Ở góc nhìn khác, việc đẩy mạnh chuỗi liên kết vụ hè thu đã tạo ra mối liên quan vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, cùng hợp tác, chia sẻ quyền lợi, qua đó thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững. Không chỉ lúa mà với nhiều loại cây trồng khác, nếu được cam kết hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm sẽ giải quyết hài hòa giữa cung và cầu trong sản xuất nông nghiệp, giải quyết nỗi lo được mùa mất giá, giúp nông dân yên tâm lao động sản xuất trên đồng ruộng của mình.

Xây dựng những chuỗi liên kết nông nghiệp vững chắc, lâu dài và hiệu quả chắc chắn là xu hướng tương lai trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vì nó không chỉ giúp bảo đảm sự ổn định của người nông dân mà còn tạo ra giá trị bền vững cho toàn xã hội. Tương lai sẽ rất ổn nếu nông dân không còn lo lắng về đầu ra sản phẩm hay giá cả bấp bênh, thay vào đó, họ tự tin gieo trồng vì biết rằng những doanh nghiệp liên kết sẽ đồng hành từ khi gieo hạt cho đến lúc thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Những chuỗi liên kết này sẽ như con đường trải dài, kết nối nông trại với các nhà máy chế biến, siêu thị và bàn ăn của hàng triệu gia đình trên khắp thế giới. Hơn thế nữa, xu hướng này còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nông thôn, khi các chuỗi giá trị mở rộng và tạo ra nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây là một bước chuyển mình quan trọng, không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn tăng tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

TRẦN MINH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dien-dan-chu-nhat-lua-he-thu-tro-lai-793030