Nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật làm sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, Hội LHPN huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, đã xây dựng Kế hoạch rà soát thành lập tổ liên kết nuôi ong lấy mật gồm có 13 thành viên.

 Mô hình nuôi ong lấy mật làm sinh kế đã giúp nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số có kinh tế ổn định

Mô hình nuôi ong lấy mật làm sinh kế đã giúp nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số có kinh tế ổn định

Bà Đặng Thị Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cho biết, từ khi có Dự án 8, Hội LHPN huyện đã tăng cường phối hợp với các ngành tổ chức 3 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Qua đó từng bước giúp hội viên phụ nữ nâng cao năng lực trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm, làm quen với chuyển đổi số trong quản lý, vận hành các mô hình kinh tế tập thể, trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa.

Hội LHPN huyện Tân Sơn đã tăng cường phối hợp với các ngành tổ chức 3 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để ứng dụng khoa học công nghệ

Hội LHPN huyện Tân Sơn đã tăng cường phối hợp với các ngành tổ chức 3 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để ứng dụng khoa học công nghệ

Tại địa bàn xã Mỹ Thuận, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Tập đoàn viễn thông (VNPT) chi nhánh Tân Sơn, Phú Thọ tổ chức lớp tập huấn "Hướng dẫn ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử" cho 50 cán bộ, hội viên, các hộ kinh doanh, buôn bán, tổ, nhóm, hợp tác xã. Tổ chức 1 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc ong mật cho 50 hội viên là phụ nữ, hộ gia đình, tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ và đồng làm chủ tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn.

Một số hộ xây được nhà cửa khang trang và mua sắm được các thiết bị, phương tiện phục vụ đời sống và nuôi con ăn học đầy đủ

Một số hộ xây được nhà cửa khang trang và mua sắm được các thiết bị, phương tiện phục vụ đời sống và nuôi con ăn học đầy đủ

Học viên đã được giảng viên trao đổi, thảo luận hướng dẫn thực hành các nội dung: Đặc điểm sinh học của ong mật, ý nghĩa của nghề nuôi ong, đời sống và tổ chức đàn ong, kỹ thuật nuôi ong hiện đại, kỹ thuật tạo chúa đơn giản, nhân giống đàn ong, kỹ thuật chia đàn và nhập ong, khai thác mật và phòng chống bệnh cho ong… Qua đó, giúp cho học viên nâng cao thêm kiến thức và tiếp cận khoa học kỹ thuật nuôi và chăm sóc ong mật, từ đó vận động người dân đẩy mạnh sản xuất để tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Nhóm sinh kế nuôi ong lấy mật tại xã Mỹ Thuận hiện nay cho thu nhập ổn định. Mỗi thành viên thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng, vì vậy đời sống của chị em trong tổ đã ngày càng khá giả. Một số hộ xây được nhà cửa khang trang và mua sắm được các thiết bị, phương tiện phục vụ đời sống và nuôi con ăn học đầy đủ.

Theo bà Đặng Thị Minh Hồng, Hội cấp trên đang phối hợp với các cơ quan đoàn thể để giúp Tổ liên kết nuôi ong mở rộng quy mô, đặc biệt là giúp sản phẩm mật ong của Tổ đăng ký chứng nhận OCOP để người tiêu dùng yên tâm hơn khi dùng sản phẩm của Tổ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và nhân rộng mô hình nuôi ong, sẵn sàng giúp đỡ các gia đình có ý định muốn nuôi ong và luôn học hỏi để nâng cao kiến thức chăm sóc ong cũng như mở rộng thị trường bán sản phẩm", bà Đặng Thị Hồng Minh cho hay.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhan-rong-mo-hinh-nuoi-ong-lay-mat-lam-sinh-ke-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-20240916221243378.htm