Diễn đàn chủ nhật: Sân bóng làng có thể mơ World Cup?

Ai đến Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Sân vận động Hàng Đẫy tại Hà Nội vào thời điểm này thì không thể tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế rằng: 'Đây là sân vận động quốc gia của chúng tôi' hay 'Đây là sân vận động của Thủ đô Hà Nội chúng tôi', bởi cả hai sân vận động nói trên đều đã quá xuống cấp.

Mặt sân Mỹ Đình gồ ghề, lồi lõm, mà từng có thời điểm khi đội tuyển Việt Nam đá vòng loại World Cup, cả báo chí trong nước và quốc tế đều châm biếm rằng, mặt sân ấy không khác gì một bãi cỏ để chăn thả bò. Sau đó, mặt sân Mỹ Đình đã được cải thiện, nhưng chất lượng vẫn không hơn được là bao. Cùng với đó, các hạng mục công trình trong sân vận động Mỹ Đình đều xập xệ, khu vệ sinh thì rất... mất vệ sinh, các loại rác vứt vung vãi khắp nơi. Sân vận động Hàng Đẫy còn tệ hơn, nó chỉ ngang tầm một sân vận động cấp huyện. Khán đài A và B của sân Hàng Đẫy xuất hiện nhiều vết nứt, gây lo ngại về việc bảo đảm an toàn.

Không chỉ hai sân vận động Mỹ Đình và Hàng Đẫy mà hầu hết các sân vận động tại Việt Nam đều trong tình trạng xuống cấp, yếu kém. Có những sân vận động cấp tỉnh mà cảm giác không hơn nhiều sân cấp làng, xã. Thời gian qua, khi trình độ của đội tuyển bóng đá Việt Nam có nhiều tiến bộ với những trận đấu tầm châu lục, có cơ hội cạnh tranh đi World Cup thì bên cạnh niềm vui, niềm hi vọng, chúng ta chợt nhận ra cơ sở vật chất của thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng còn khoảng cách khá xa so với thế giới. Ngay các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng có những sân vận động rất hiện đại, sức chứa đến 80.000 người.

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Trong khi cơ sở vật chất còn khoảng cách quá xa so với thế giới mà lại đòi hỏi đội tuyển của chúng ta phải đứng vào hàng ngũ các đội tuyển tranh tài ở trình độ thế giới thì đúng là muốn xây nhà từ nóc. Chỉ khi nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho con người trong lĩnh vực thể thao đỉnh cao được nâng lên xứng tầm với các nước ở châu Á thì giấc mơ World Cup của chúng ta mới có cơ sở vững chắc.

Việt Nam cần phải có những sân vận động, trung tâm huấn luyện, cơ sở đào tạo cầu thủ hiện đại. Các sân vận động phải tạo ra một không gian sinh hoạt thể thao văn minh thì mới kéo được đông đảo cổ động viên đến sân. Đừng nghĩ sân vận động chỉ thuần chất mang ý nghĩa thể thao, mà nó chính là bộ mặt của quốc gia, của địa phương.

Do đó, cùng với việc nên dành nguồn đầu tư lớn hơn từ ngân sách nhà nước để nâng cấp, xây mới các sân vận động thì cần thu hút thêm các nguồn đầu tư xã hội vào công tác này, vì đây cũng chính là khoản đầu tư đáp ứng nhu cầu xã hội. Hiện nay, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là Luật PPP) chỉ được áp dụng cho các lĩnh vực giao thông vận tải, điện lực, thủy lợi, y tế, giáo dục-đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin.

Lĩnh vực văn hóa, thể thao mặc dù phục vụ trực tiếp nhu cầu xã hội nhưng lại chưa có mặt trong danh sách được thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư. TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên được thực hiện thí điểm thu hút vốn PPP cho lĩnh vực văn hóa, thể thao. Có lẽ đây là vấn đề cần được thảo luận trong thời gian tới, với mục đích thay đổi chất lượng cơ sở hạ tầng của thể thao Việt Nam, như vậy mới đủ cơ sở để thể thao Việt Nam, bóng đá Việt Nam vươn tầm thế giới.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dien-dan-chu-nhat-san-bong-lang-co-the-mo-world-cup-782239