Diễn đàn Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam

Sáng 28-10, tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp cùng Nhóm nòng cốt thực thi đa bên về Hiệp định VPA/FLEGT tổ chức Diễn đàn 'Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam'.

 Diễn đàn "Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam" sáng 28-10.

Diễn đàn "Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam" sáng 28-10.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Oemar Idoe, Quản lý các dự án GIZ về môi trường, biến đổi khí hậu và nông nghiệp tại Việt Nam cho hay: Theo kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 tại châu Á và thứ 5 trên thế giới. Những số liệu này thôi thúc chúng ta cần phải nỗ lực tạo ra môi trường thúc đẩy quản trị rừng tốt để việc truy xuất nguồn gốc gỗ và thương mại bền vững trong quá trình triển khai hệ thống trách nhiệm giải trình và tuân thủ các quy định của Việt Nam và quốc tế được thuận lợi. Để đáp ứng được yêu cầu này, cần có đủ nguồn lực để phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tăng cường những năng lực cần thiết. Đưa được nhiệm vụ số hóa vào một trong những dòng ngân sách thường xuyên của quốc gia là hành động then chốt để có thể đảm bảo việc giám sát thương mại gỗ và thực thi pháp luật...

Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” được tổ chức ở tỉnh Bình Dương nơi có chiếm tới hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam có ý nghĩa rất to lớn. Hiện Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ hơn 108 quốc gia trên thế giới. Phát triển chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững trong lâm nghiệp là một trong những điều kiện sống còn cho ngành gỗ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Hiện nay, Việt Nam đã có một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát gỗ hợp pháp nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển ngành sản xuất chuỗi giá trị gỗ phát triển bền vững.

Sơ chế gỗ tại Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) tại tỉnh Đồng Nai.

Sơ chế gỗ tại Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) tại tỉnh Đồng Nai.

Với quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Chính phủ, cam kết cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng cùng với sự ủng hộ đồng hành của Liên minh châu Âu, các tổ chức quốc tế và trong nước, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (gọi tắt là hiệp định VPA/FLEGT) sẽ được thực hiện thành công và Việt Nam sớm cấp phép FLEGT cho các lô hàng xuất khẩu vào EU, góp phần thúc đẩy thương mại song phương giữa EU và Việt Nam, phát triển bền vững ngành chế biến gỗ Việt Nam

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/dien-dan-chuoi-gia-tri-go-hop-phap-va-ben-vung-tai-viet-nam-709346