Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương náo loạn vì cạnh tranh nước lớn
Diễn đàn Đảo quốc Thái Bình Dương (PIF) lần thứ 51 diễn ra từ ngày 11 đến 14-7 tại Suva, thủ đô Cộng hòa Fiji, đã chứng kiến một sự náo loạn chưa từng có do cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
“Gáo nước lạnh” đầu tiên dội vào PIF ngay từ hôm trước khi nó chính thức khai mạc: Ngày 10-7, Tổng thống Taneti Maamau của nước Kiribati - một đảo quốc nhỏ trong nhóm các đảo quốc Micronesia ở Nam Thái Bình Dương - tuyên bố rút lui khỏi diễn đàn. Trong thư gửi Tổng Thư ký PIF hôm 10-7, Tổng thống Maamau nêu ra 4 lý do cho quyết định rời khỏi diễn đàn, hầu hết đều tập trung vào niềm tin của ông rằng diễn đàn đã không giải quyết thỏa đáng mối quan tâm của các nước thuộc nhóm Micronesia - trong đó có Kiribati.
Nhóm quốc gia Micronesia này đã từng đe dọa rời khỏi PIF từ cách đây hơn một năm. Vào tháng 2-2021, các nhà lãnh đạo Micronesia thông báo kế hoạch rời khỏi tổ chức khu vực sau khi ứng cử viên tổng thư ký của họ không được tín nhiệm và chiếc ghế tổng thư ký đã được chuyển cho một ứng cử viên thuộc nhóm nước Polynesia là ông Henry Puna đến từ Quần đảo Cook, bất chấp một “thỏa thuận của quý ông” rằng chức vụ cao nhất này nên được chia sẻ giữa các ứng cử viên đến từ các nhóm quốc đảo Polynesia, Melanesia và Micronesia.
Các nhà lãnh đạo Micronesia đã báo hiệu ý định rời khỏi diễn đàn vào cuối tháng 6, nhưng các cuộc đàm phán vào phút cuối tại Suva giữa các nhà lãnh đạo chủ chốt của các quốc gia Nam Thái Bình Dương được cho là đã giải quyết được bế tắc. Theo đó, căn cứ vào “thỏa thuận của quý ông” thì ông Puna sẽ phải nhường lại ghế tổng thư ký cho một người đến từ nhóm nước Micronesia khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2024.
Không biết việc rút lui của Kiribati sẽ có tác động gì đến thỏa thuận đó hay không, nhưng Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Ngoại trưởng Fiji Faiyaz Koya đã nhấn mạnh riêng tầm quan trọng của sự đoàn kết trong khu vực.
“Thỏa thuận Suva là một cam kết chính trị nhằm giải quyết sự bế tắc của chúng tôi và giữ cho “gia đình chung của chúng tôi” ở bên nhau, đồng thời thực hiện những cải cách mà một số thành viên đang mong mỏi” - ông Koya cho biết.
“Giống như tất cả các gia đình, đôi khi chúng ta trải qua một giai đoạn khó khăn, nhưng sức mạnh của chúng ta nằm ở quyết tâm hợp tác cùng nhau như một lục địa Thái Bình Dương Xanh. Thách thức trước mắt chúng ta là giải mã một số vấn đề thời sự nhất của thời đại chúng ta... chúng ta đang ở đỉnh điểm của sự trỗi dậy và sụp đổ của khu vực chúng ta” - ông Koya nói thêm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngay lập tức tuyên bố “Trung Quốc chẳng liên quan gì đến việc Kiribati rút khỏi diễn đàn PIF”, nhưng dư luận quốc tế lại không nghĩ như vậy. Dư luận đương nhiên vẫn chưa quên rằng Kiribati vốn là một trong 15 quốc gia có quan hệ ngoại giao với Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2019, Kiribati tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, sau khi nước này được Trung Quốc viện trợ một khoản không nhỏ về khí tài quân sự và các viện trợ khác. Gần đây, Kiribati cũng là một trong số ít quốc gia ủng hộ việc Trung Quốc vận động ký kết hiệp ước an ninh chung với 10 đảo quốc Thái Bình Dương (nhưng ý định này đã thất bại do nhiều quốc gia trong khu vực phản đối). Trong 3 năm qua, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Kiribati và cả Đảo quốc Solomon trong cùng khu vực không ngừng tăng lên. Trung Quốc đã ký kết hiệp ước an ninh với Solomon và hiện đang mong muốn một hiệp ước tương tự với Kiribati. Trong chuyến công du 8 đảo quốc Thái Bình Dương hồi tháng 5-2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã hội đàm sâu rộng với lãnh đạo Kiribati về viêc tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh, kinh tế. Trong chuyến công du đó, ông Vương Nghị được cho là đã xúc tiến việc ký kết khoảng 50 thỏa thuận khác nhau với các quốc gia trong khu vực.
Hôm 11-7, khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trước Diễn đàn PIF qua hình thức trực tuyến từ xa, cảnh sát Fiji đã phải trục xuất 2 nhà ngoại giao Trung Quốc khỏi nơi họ ngồi trong khu vực dành cho báo chí tại diễn đàn nhằm tránh tình huống khó xử có thể xảy ra. Hai nhà ngoại giao bị trục xuất này là tùy viên và phó tùy viên quốc phòng của Trung Quốc tại Fiji, họ trà trộn vào nhóm phóng viên Trung Quốc và bị một nhà báo địa phương phát hiện.
Bài phát biểu của bà Kamala Harris được cho là mang nội dung liên quan đến cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó bà Harris bàn sâu về việc Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa sự hợp tác với khu vực vốn lâu nay bị bỏ quên nhưng gần đây đã được “đánh thức” sau khi Trung Quốc có những động thái khuấy động làm “dậy sóng” cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ đã từng bước quay trở lại khu vực này bằng kế hoạch mang tên Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) do Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng. Fiji trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực ký kết tham gia kế hoạch này. Hôm 12-7, Mỹ đã thông báo mở lại 2 đại sứ quán tại Đảo quốc Kiribati và Đảo quốc Tonga, đánh dấu thêm bước gia tăng sự thâm nhập vào khu vực.
Trung Quốc không phải là thành viên của Diễn đàn PIF, mà là một quốc gia đối tác, giống như Mỹ. Các quốc gia đối tác thường được mời tham dự cuộc họp đối thoại sau diễn đàn, nhưng năm nay đối thoại đối tác sẽ không được tổ chức trong tuần diễn ra hội nghị thượng đỉnh, nhằm tạo cho các quốc gia Thái Bình Dương một chút không gian để “thở”, tách hẳn khỏi sự căng thẳng do áp lực cạnh tranh địa chính trị. Người ta tin rằng Trung Quốc sẽ sử dụng cuộc họp đối thoại sau diễn đàn để giới thiệu lại phiên bản mới của thỏa thuận kinh tế và an ninh sâu rộng mà họ đã trình bày với các nhà lãnh đạo 10 đảo quốc Thái Bình Dương hồi tháng 6 nhưng đã bị từ chối.
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris lại được mời tham dự diễn đàn và đã có bài phát biểu trực tuyến từ xa. Điều này được coi là một “thắng lợi” lớn đối với Mỹ và là một đòn giáng mạnh vào Trung Quốc.