Diễn đàn 'Điều em muốn nói': Cách tự tạo 'kháng thể tinh thần' trước bạo lực học đường
Diễn đàn 'Điều em muốn nói' lần 2 đã diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi của các bạn học sinh về những trăn trở về giải pháp, cách nào tự tạo 'kháng thể tinh thần' trước bạo lực học đường, bạo lực trên không gian mạng. Những băn khoăn của các bạn teen đã được giải đáp tận tình từ các chuyên gia tâm lý, nhà quản lý... để giảm thiểu tối đa vấn nạn này.
Ngày 17/5, tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, với sự đồng hành của Hội đồng đội Trung ương, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Sở GD&ĐT Nghệ An, Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” lần thứ II với chủ đề: Phòng chống bạo lực học đường.
Diễn đàn có sự tham gia của 2.000 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Vinh, các nhà quản lý, bác sĩ cùng sự đồng hành của diễn viên Quang Anh, Bảo Hân (Về Nhà Đi Con) và Top 3 Hoa hậu Việt Nam 2022 và Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 Đoàn Thiên Ân.
Chứng kiến bạo lực, đừng im lặng!
Bạn Như Quỳnh, học sinh lớp 8Y trường THCS Hà Huy Tập chia sẻ câu chuyện rằng cô bạn từng chứng kiến nhiều vụ bạo lực đường. Như Quỳnh cho biết, có lần người bạn của Quỳnh đi qua với một nhóm anh chị. Nhóm anh chị muốn gây sự với bạn của Quỳnh. Nhóm này đã hẹn bạn của Quỳnh gặp và xử lý. Nhóm anh chị không muốn nói chuyện mà muốn giải quyết bằng bạo lực. Bạn có tâm sự với Quỳnh là không biết làm thế nào. Bạn của Quỳnh đã cố gắng xin lỗi nhóm anh chị, dù bạn ấy không làm gì sai cả. Quỳnh cũng không biết làm cách nào để giúp đỡ bạn?
Sau khi nghe câu chuyện của Quỳnh, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chia sẻ, câu chuyện của em học sinh là một vấn nạn chung của bạo lực học đường. Có một quan ngại chung, nếu chúng ta càng im lặng, không chia sẻ thì bạo lực cô lập càng tiếp diễn và theo xu hướng càng nghiêm trọng. Các em cô đơn, không biết chia sẻ với ai, không được quan tâm, và cuối cùng các em đã tìm đến giải pháp tiêu cực nhất đó là chọn cách tự tử. Đó là trường hợp đáng tiếc, câu chuyện buồn.
“Hãy chia sẻ, hãy lên tiếng, đừng im lặng”, ông Nam chia sẻ thông điệp.
Bạn Nguyễn Thị Minh Phương, lớp 11D6 Hà Huy Tập gửi một câu hỏi đến cô Đoàn Thị Thủy Chung - Tổ trưởng tổ xã hội, phó ban tư vấn học đường, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng như sau: Em có một người bạn nữ và có tình cảm với người bạn khác giới. Tuy nhiên người bạn của em bị một người khác cũng thích bạn nam này và gửi lời đe dọa. Vậy trong tình huống như thế này thì bạn em phải xử lý như thế nào để tránh những mâu thuẫn không đáng có.
Cô Chung trả lời: Ngay câu hỏi bạn đưa ra cô đã thấy sự tiềm ẩn nguy cơ bạo lực có thể xảy ra là rất lớn. Có thể thấy, tình cảm nam nữ của lứa tuổi học sinh thì không là ít. Tình cảm một người dành cho một người thì là bình thường. Nhưng ở đây khó khăn hơn thì là tình cảm của 2 người dành cho một người. Và khó khăn hơn nữa là có một người phát tín hiệu đe dọa người khác.
Vậy ở đây ta hình dung là một xung đột sắp xảy ra, xung đột về đối tượng, xung đột về mục tiêu. Vậy thì làm thế nào để bạn ấy có thể thoát ra an toàn trong trường hợp này? Cô khẳng định rằng, để lứa tuổi chúng ta tự giải quyết tình huống này rất là khó. Chúng ta thiếu kinh nghiệm, chúng ta thiếu kỹ năng. Và như bản thân cô thấy rằng, đây là tình huống mà chúng ta cần phải cân nhắc.
Cô không có một hướng giải quyết nào là phù hợp nhất. Mà cô hướng các em đến lý do như sau. Lúc này chúng ta cần phải tận dụng, trang bị những kỹ năng cần có. Và đặc biệt nhất là kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ. Chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bố mẹ, thầy cô hoặc bạn bè. Để làm thế nào đó phát tín hiệu đến người đang đe dọa mình rằng là: Tình yêu là cảm xúc tự nhiên, nó sẽ đến một cách tự nhiên. Nếu bạn ấy không thích bạn mình thì bạn ấy sẽ tự nguyện dừng lại. Và chia sẻ đó thì hy vọng rằng, trong quãng đời đẹp nhất học sinh của chúng ta.
Những rung cảm đầu đời thì chúng ta cần lưu giữ làm kỷ niệm. Chúng ta nên đối xử với nhau thật văn minh. Không nên có những điều làm sau này chúng ta gặp lại mà có những dấu ấn không tốt. Cô mong muốn những ai đang ngồi đây đang có tư tưởng muốn chiếm đoạt một cái gì đó, bằng cách đe dọa bằng lời nói hay bằng vũ lực thì cũng nên dừng lại để xung quanh chúng ta an toàn hơn, văn minh hơn.
Mong các bạn học sinh hãy mở lòng!
Chia sẻ về những hoạt động cũng như giải pháp để học sinh đoàn kết, có trách nhiệm với bạn bè và cộng đồng hơn, anh Lê Hải Long - Ủy viên Ban Thường Vụ, Trưởng Ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đồng đội T.Ư cho biết, trong thời gian qua các anh chị cán bộ đội, đoàn đã triển khai rất nhiều giải pháp như các em đội viên, các em học sinh ở đây ai cũng đã từng được tham gia học tập và rèn luyện và được các anh chị tổng phụ trách, cô thầy tổng phụ trách hướng dẫn tham gia phong trào thiếu nhi thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy.
Chính vì vậy, tại các liên đội trong nhà trường đều được tổ chức các hoạt động cho các em để nâng cao tinh thần đoàn kết như Diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường” hay các mô hình Đôi bạn cùng tiến, bạn giúp bạn để thông qua mô hình hoạt động đó giúp các em gần gũi nhau hơn, chia sẻ với nhau giúp tăng cường tình đoàn kết, gắn bó không chỉ trong việc học tập mà còn cả trong cuộc sống.
"Trong sáng hôm nay, trước khi tham gia chương trình “Điều em muốn nói”, tôi đã đến thăm 2 trường (Tiểu học và THCS) ở Nghệ An, các bạn cũng đã chia sẻ được rất nhiều thông tin hữu ích cũng như nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường. Cùng với đó là những đề xuất với các anh chị cán bộ Đội, cán bộ Đoàn cần làm gì để giúp các em hạn chế bạo lực học đường. Trong đó, các em mong muốn được tham gia các hoạt động giáo dục, trải nghiệm trong nhà trường. Đặc biệt, các em rất thích có hành trình đến thăm các địa chỉ đỏ, địa chỉ cách mạng để các em và các bạn cùng trang lứa được giáo dục về truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương đất nước", anh Lê Hải Long chia sẻ.
Về góc độ của anh chị làm cán bộ Đoàn, Đội sẽ cần cùng với nhà trường tổ chức các diễn đàn chia sẻ, các buổi sinh hoạt liên đội dưới cờ để các chuyên gia, các thầy cô trang bị cho các em kỹ năng về phòng chống bạo lực, phòng chống xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích. Từ đó sẽ trang bị cho các em kỹ năng tự bảo vệ bản thân mình, bảo vệ bạn bè mình và cùng nhau có tâm lý ổn định, tạo sức đề kháng trước những áp lực, khó khăn trong việc học tập và gia đình.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, các em thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng biết được ứng dụng Hướng nghiệp thông qua chương trình Tuổi trẻ Việt Nam rèn đức luyện tài, dẫn dắt tương lai. Thông qua đó, xác định được các giá trị cốt lõi để làm sao giúp các em hướng tới cuộc sống sẻ chia, biết bao dung, vị tha, yêu thương mọi người, đoàn kết, phòng chống bạo lực học đường. Đây cũng là một ứng dụng chuyển đổi số với mong muốn các em có một môi trường học tập, rèn luyện toàn diện, cùng lan tỏa tình bạn đẹp, hạnh phúc.
"Mong rằng các em khi đang trên ghế nhà trường, là các đội viên ưu tú sẽ tích cực thực hiện hoạt động chi đội, liên đội dưới sự hướng dẫn của thầy cô tổng phụ trách, các giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường, mở lòng với nhau để tìm ra phương án giải quyết tốt đẹp nhất", Phó Chủ tịch thường trực Hội Đồng đội T.Ư kết thúc phần chia sẻ.
Phát biểu kết thúc Diễn đàn, GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, từ ý kiến của các chuyên gia và những trao đổi, chia sẻ của các em học sinh tại Diễn đàn “Điều em muốn nói” lần này, đã giúp ngành Giáo dục có thêm giải pháp tích cực, đồng bộ để hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường. Qua đây chúng ta cảm nhận được đây là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chung tay cùng ngành giáo dục trong hành trình trang bị tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn tươi đẹp, giàu tính nhân văn đối với các thế hệ học sinh thân yêu của mình.
Linh Lê (tổng hợp)
Theo TPO