Diễn đàn hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023: Tìm giải pháp phát triển bền vững chuỗi cung ứng

Chiều 3-12, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 đã diễn ra các phiên cập nhật. Các phiên họp thu hút nhiều diễn giả thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.

Hợp nhất chuỗi cung ứng châu Á

Phiên cập nhật với chủ đề “Hợp nhất chuỗi cung ứng châu Á” do ông Mitesh Shah, Giám đốc Điều hành MitKat Global Consuting (Singapore) điều hành. Tại phiên họp, theo các diễn giả, sự gián đoạn kinh tế toàn cầu đã không phủ nhận nhu cầu trao đổi hàng hóa trên toàn thế giới. Các quốc gia châu Á đã đi đầu trong việc hồi sinh chuỗi cung ứng gần đây, nhưng các vấn đề mới là chủ nghĩa dân tộc và cấm vận thương mại. Các diễn giả thảo luận và đề xuất làm thế nào để chính phủ và các công ty tư nhân có thể hợp tác trôi chảy hơn? Làm thế nào để nâng cao mức độ tin cậy trong chuỗi cung ứng trước tình trạng bất ổn toàn cầu?

Ông Mai Hùng Dũng (thứ 3 từ trái qua), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu chào mừng Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 tổ chức tại Bình Dương. Ảnh: PHƯƠNG AN

Bàn về vấn đề để Việt Nam và các quốc gia châu Á trở thành những quốc gia phát triển hàng đầu chuỗi cung ứng? Theo ông Bradley C.LaLonde, Đối tác quản lý Vietnam Partners, giáo dục của Việt Nam là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều bộ môn liên quan đến chuỗi cung ứng, nhiều chương trình giáo dục từ xa, trực tuyến, quản trị mạng, logistics… là những ngành học đang “hot”. Theo ông Asif Iqbal, Chủ tịch Tổ chức Thương mại Kinh tế Ấn Độ (IETO), sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều sáng kiến, sáng tạo, tổng hợp, xây dựng kỹ năng phát triển nguồn nhân lực có thể tham gia sâu rộng.

Thảo luận về vấn đề chính sách phát triển chuỗi cung ứng, ông Asif Iqbal đánh giá Bình Dương đã xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển rất tốt; có môi trường đầu tư tốt, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Để tạo thuận lợi cho Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển các chuỗi cung ứng, theo ông Asif Iqbal, Chính phủ Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia, tăng tính minh bạch, tập trung xây dựng kỹ năng số cho người lao động để tăng cường kết nối với chuỗi cung ứng.

Bàn về nội dung dự đoán những rủi ro có thể xảy ra đối với các cấu trúc của chuỗi cung ứng khi có những phương thức thay đổi và cần có chiến lược nào? Theo ông Mitesh Shah, giá cả tăng và việc gián đoạn chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty rất nhiều. Việc thiếu hụt mặt hàng này là đầu vào của các mặt hàng khác, đồng thời làm ảnh hưởng đến sự tin cậy của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, rủi ro về vấn đề tài chính như các công ty bị giảm sút về doanh thu, mất đi thị phần, không đáp ứng nhu cầu khách hàng, mất uy tín, hình ảnh công ty dẫn đến phá sản, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, điều này sẽ tạo ra những áp lực lên trên các quốc gia. Theo ông Mitesh Shah, thực trạng này xảy ra, các doanh nghiệp cần hướng đến thị trường địa phương.

Đề xuất về chiến lược phục vụ mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng đối với từng quốc gia châu Á, theo ông Asif Iqbal, mỗi quốc gia cần tăng cường tính kết nối, tính chống chịu với các quốc gia toàn cầu. “Việt Nam là một thị trường mở, theo tôi Việt Nam cần tìm một điểm cân bằng để phát triển và mở rộng ra toàn cầu. Các nước châu Á cần kết nối với nhau trước khi kết nối với các nước ở châu lục khác. Các công ty cần xây dựng các mô hình ứng dụng IOT, sử dụng các dữ liệu lớn như Big Data, AI trong chuỗi cung ứng mang tính chống chịu tốt hơn, thích nghi tốt hơn. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp theo dõi được sự cố xảy ra tốt hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường hiệu suất trong vận hành”, ông Asif Iqbal chia sẻ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Phát biểu điều hành hội thảo đẩy mạnh chuyển đổi số, diễn giả Pietro Borsano, Giám đốc trường Đổi mới tích hợp Chulalongkorn (Thái Lan) khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu hiện nay. Việc sử dụng điện thoại thông minh đang gia tăng nhanh chóng khiến các chính phủ phải thúc đẩy số hóa như là một mục tiêu hoạch định, chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.

Đại biểu tham dự phiên cập nhật Hợp nhất chuỗi cung ứng châu Á

Tại hội thảo hàng loạt vấn đề đã được thảo luận, chia sẻ như làm thế nào các ngân hàng, nhà đầu tư và chính phủ có thể triển khai các kế hoạch phát triển các loại tiền kỹ thuật số và các chính sách tích hợp? Làm cách nào để các nhà phát triển ứng dụng tiếp cận người dùng? Làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số?…

Đối với vấn đề hợp tác giữa các khu vực tư nhân với chính phủ để phát triển số hóa, theo diễn giả Krishna Rajagopal, Giám đốc điều hành Tập đoàn Akati Sekurity (Malaysia), mỗi quốc gia cần có một thuyền trưởng lèo lái việc hợp tác giữa các khu vực tư nhân với chính phủ. Chính phủ phải đóng vai trò đứng ra để đối thoại về mô hình 3 nhà: Doanh nghiệp, nhà trường, nhà nước. Giáo dục đóng vai trò là “chìa khóa” và chính phủ định hướng, còn khu vực tư nhân có vai trò đóng góp nguồn lực thúc đẩy sự hợp tác, phát triển.

Đánh giá về tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với tiến trình xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, theo ông Trần Hoàng, Chủ tịch VietnamMarcom, việc thực hiện chuyển đổi số là tất yếu và vô cùng quan trọng vì giúp tối ưu nhất các giá trị của toàn bộ hệ thống luật kinh tế, văn hóa, xã hội. Những năm qua, Bình Dương đã rất thành công trong việc tiên phong triển khai nhiều giải pháp. Hiện nay, Bình Dương đã và đang thực hiện cải cách các thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ, bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; giúp tiết kiệm được thời gian, xây dựng niềm tin về chủ trương xây dựng thành phố thông minh của chính quyền, cũng như trách nhiệm thông qua những giải pháp cụ thể, thuyết phục cộng đồng chung tay thực hiện. Những điều này Bình Dương đang làm rất tốt.

Chia sẻ về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ở tầm quốc gia, theo ông Trần Hoàng, các tỉnh, thành phải có những phương thức thông minh trong việc phối hợp với các chuyên gia ở trong và ngoài nước để giải bài toán về chuyển đổi số. Làm thế nào để thuyết phục được người dân, cộng đồng cùng hưởng ứng là một việc đòi hỏi phải có những chính sách minh bạch, thuyết phục và cho người dân thấy được những lợi ích trong công cuộc này.

Thảo luận về vai trò của dữ liệu lớn trong việc thúc đẩy các chiến lược số hóa của các doanh nghiệp, diễn giả Hidetoshi Uchiyama, Giám đốc điều hành Unerry (Nhật Bản) đã kể câu chuyện về sự phát triển của công ty khi thực hiện số hóa. Từ kinh nghiệm của công ty, theo diễn giả các công ty cần thu thập dữ liệu dựa trên sự chấp thuận của mỗi người dùng và không lưu trữ thông tin cá nhân, việc thu thập thông tin dựa trên vị trí người dùng. Khách hàng của Unerry chủ yếu là các công ty bán lẻ dùng những dữ liệu thông tin về vị trí người dùng để mở cửa hàng.

Còn theo diễn giả Pietro Borsano, Giám đốc trường Đổi mới tích hợp Chulalongkorn, bên cạnh Fintech, các giải pháp ERP cũng đã thúc đẩy số hóa và phát triển. Việc tích hợp các giải pháp, quét mã QR để thanh toán, dùng các phần mềm API đã thúc đẩy số hóa phát triển.

Bàn về nghiên cứu học thuật, giáo dục trong thúc đẩy số hóa, diễn giả Tim Nguyen, Phó Hiệu trưởng 3AI, Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới cho doanh nghiệp, Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi xem xét các nghiên cứu để lồng ghép vào nội dung chương trình giảng dạy (môn học công nghệ số), thậm chí chúng tôi còn phát triển từ cấp 3 lên đại học với mục tiêu định hướng trở thành một công dân số có trách nhiệm. Để cung cấp trải nghiệm thực tế về công nghệ số, tiền số, chính phủ, ngân hàng… chúng tôi phải đồng bộ hóa toàn bộ hệ thống để thực hiện. Ngoài ra chúng tôi còn tổ chức các hội thảo, workshop, thực tập cho sinh viên, hợp tác với các doanh nghiệp và các bên liên quan”.

PHƯƠNG LÊ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/dien-dan-hop-tac-kinh-te-horasis-chau-a-2023-tim-giai-phap-phat-trien-ben-vung-chuoi-cung-ung-a311243.html