Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2024

Ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn trực tuyến kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) năm 2024 với chủ đề 'Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX trong giai đoạn mới'. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ

Cả nước hiện có khoảng 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX đã được triển khai trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Giai đoạn 2021-2023, có 840 HTX được hỗ trợ thành lập mới và củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động; 83,6% tổng số HTX nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước; trên 850 HTX được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường với tổng kinh phí 22,4 tỉ đồng. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm, đổi mỗi sáng tạo và chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo tập huấn... đã phát huy hiệu quả.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, ngày càng chủ động của khu vực KTTT, HTX. Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KTTT tại Nghị quyết số 20. Việc xây dựng các chính sách hỗ trợ KTTT, HTX phải đổi mới toàn diện theo hướng bảo đảm yêu cầu đơn giản, thông thoáng và công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả và có tính kế thừa, chuyển tiếp. Cần nâng cao vai trò của các tổ chức đại diện, nòng cốt là Liên minh HTX, nhất là trong việc tuyên truyền, phản biện chính sách; làm cầu nối triển khai và tăng khả năng tiếp cận chính sách; tư vấn, hỗ trợ cho các HTX. Khu vực KTTT, HTX phải phát triển theo hướng tự lực, tự cường gắn với tăng cường liên kết giữa các thành viên, giữa khu vực KTTT với các khu vực kinh tế khác và mở rộng hợp tác quốc tế. Phát triển KTTT đồng bộ cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Toàn cảnh điểm cầu Phú Thọ

Toàn cảnh điểm cầu Phú Thọ

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 715 HTX, trên 1.100 tổ hợp tác. Doanh thu bình quân năm 2023 đạt gần 3,3 tỉ đồng/HTX, tăng 354 triệu đồng so với năm 2022. Để hỗ trợ khu vực KTTT, tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển KTTT, HTX. Năm 2023, tổng nguồn lực hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 24,5 tỉ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT; tích cực vận động chính sách, hỗ trợ các HTX tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Đồng thời triển khai, vận dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ của Trung ương về KTTT; rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục lựa chọn xây dựng mô hình HTX điểm, hoạt động hiệu quả để phát triển sản phẩm chủ lực, có lợi thế, tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với HTX và làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/trong-tinh/dien-dan-kinh-te-hop-tac-hop-tac-xa-nam-2024/206581.htm