Diễn đàn Kinh tế Phương Đông EEF và chính sách hướng đông của Tổng thống Putin
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) lần thứ 5 đang diễn ra tại thành phố Vladivostok (LB Nga) từ ngày 4/9/2019.
Từ 5 năm nay EEF đã trở thành sự kiện lớn nhất, quan trọng nhất của khu vực Primorsky Liên bang Nga, thu hút hàng ngàn đại biểu đến từ hơn 50 quốc gia trên khắp thế giới. Năm nào Tổng thống Nga Putin cũng đích thân tham dự sự kiện này. Tại EEF năm nay, Tổng thống Nga V. Putin sẽ có bài phát biểu quan trọng, tập trung vào các biện pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội Viễn Đông, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài tích cực hơn đầu tư vào các dự án chung với doanh nghiệp Nga và trình bày quan điểm của Nga về việc làm sâu sắc hội nhập kinh tế khu vực, đồng thời đề cập đến các vấn đề an ninh và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
EEF 2019 diễn ra trong bối cảnh Nga đang phải đương đầu với vô vàn khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là hoạt động bao vây, cấm vận của Mỹ/phương Tây, cũng như sự sụt giảm giá dầu khiến kinh tế Nga suy giảm nghiêm trọng (nhất là trong năm 2015 và 2016). Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng khiến một số chủ trương, sáng kiến của Nga về kết nối đường sắt, đường ống dẫn khí/dầu với Hàn Quốc, Triều Tiên chưa được triển khai. Các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc cũng xác định khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực địa chiến lược quan trọng, không ngừng gia tăng ảnh hưởng, vô hình trung làm giảm vai trò của Nga tại khu vực.
Ngay từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Nga Putin đã hướng tới phát triển khu vực Viễn Đông cũng như Sibiry của Nga vốn rất nghèo nàn, ít người sinh sống, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, không thuận lợi cho hoạt động hợp tác, lưu thông hàng hóa. Vùng Viễn Đông của Nga có nguồn dự trữ khổng lồ về dầu, khí, than đá và các loại khoáng sản khác và được coi là kho báu của quốc gia này nhưng bị bỏ rơi và kém phát triển suốt nhiều năm qua. Do đó khu vực Đông Á không chỉ là cơ hội, thị trường mới để xuất khẩu năng lượng mà còn là một phần của kế hoạch nhằm thu hút khu vực này để phát triển vùng Đông Sibery và Viễn Đông của Nga.
Trong khu vực Đông Á, nếu Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia tiêu thụ và có nhu cầu nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới thì Nga đang dần chiếm lĩnh vai trò người cung cấp năng lượng chính. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi xuất khẩu năng lượng của các nước Ảrập, vịnh Péc-xích và Trung Á sang khu vực Đông Á và từ Nga sang châu Âu đang bị giảm sút, đặc biệt nếu xảy ra tình trạng quan hệ Trung - Mỹ bị xấu đi, Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực đóng cửa eo biển Malakka. Hơn nữa, nếu chỉ với vai trò là đối tác cung cấp nguồn năng lượng thì Nga vẫn chưa thể hiện được vai trò người tham gia chính trong hội nhập khu vực này. Nếu Trung Quốc với ngành công nghiệp có nguồn nhân công giá rẻ, Nhật Bản và Hàn Quốc là những nhà cung cấp công nghệ cao thì Nga vẫn chưa thể hiện được vai trò to lớn như vậy trong nền kinh tế của khu vực.
Trong khí đó, nguồn lực tài chính Nga cũng hạn chế hơn so với các cường quốc khác, đặc biệt trong bối cảnh Nga bị Mỹ và phương Tây cấm vận. Trong tương lai gần, quan hệ Nga với Mỹ, phương Tây rất khó khả năng được cải thiện rõ rệt. Hệ quả của việc Mỹ trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao, không coi trọng vị thế của Nga trong khu vực và toàn cầu, đã buộc Nga phải đi đến quyết định đẩy chính sách "Hướng Đông", dành sự chú ý nhiều hơn tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây không phải là chính sách mới của Nga, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chính sách này đang triển khai một cách tích cực hơn.
Từ năm 2012 đến nay, mặc dù tốc độ triển khai chính sách "Hướng Đông" diễn ra không như kỳ vọng, song Nga đã có sự chủ động hơn trong việc phát triển quan hệ hợp tác với các nước châu Á trên cả lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư và an ninh - quốc phòng.
Trong nhiệm kỳ 4 của Tổng thống V. Putin (2018-2024), xu hướng hội nhập với châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục được Nga thúc đẩy thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với các nước lớn ở khu vực (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...), các nước láng giềng (Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ...), nâng cấp quan hệ với ASEAN lên "đối tác chiến lược" và thiết lập các FTA với một số thành viên ASEAN.
Nhìn dưới góc độ phát triển năng lượng, mạng lưới cung cấp khí đốt từ Nga đến các nước Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn đến năm 2030 được đánh giá khoảng 70-80 tỷ mét khối. Nga đã và đang xây dựng 2 tuyến đường cung cấp khí đốt Đông và Tây với khối lượng xuất khẩu tương ứng khoảng 30 và 38 tỷ mét khối. Tuyến phía Tây từ Tây Sibiri, từ các mỏ Nadum-Pur-Taza qua Novokuznesk đến phía Tây biên giới Nga - Trung Quốc. Tuyến phía Đông, từ vùng Viễn Đông và Sakhalin dự kiến sang Trung Quốc và Hàn Quốc với khối lượng khoảng 25 - 50 tỷ mét khối/năm. Với Trung Quốc, hơn ai hết trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì Trung Quốc là nước luôn bám sát chiến lược năng lượng này của Nga. Trung Quốc tỏ thái độ vẫn tiếp nhận những chính sách của Nga mà có lợi cho Trung Quốc, lợi dụng chính sách phát triển hạ tầng của Nga để tăng cường đầu tư vào khu vực Viễn Đông của Nga.
Về lĩnh vực than đá, trong tương lai sẽ tăng khối lượng xuất khẩu than đá của Nga sang các nước châu Á -Thái Bình Dương. Hiện nay với sản lượng xuất khẩu khoảng trên 25 triệu tấn/năm, muc tiêu khối lượng xuất khẩu than đá của Nga sang các nước châu Á - Thái Bình Dương có thể tăng đến 56 - 60 triệu tấn vào năm 2015. Lĩnh vực than đá đã trở thành một hướng hợp tác mới giữa Nga và Trung Quốc trong môi trường năng lượng. Ngân hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận khung về dự án tài chính trong lĩnh vực khai thác than đá của Nga phục vụ cho việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Hàng năm khối lượng than đá thương mại trong 5 năm gần đây đều đạt khoảng 15 triệu tấn, tới năm 2030 sẽ tăng lên đến 20 triệu tấn. Dự kiến Nga và Trung Quốc sẽ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ than đá.
Phát triển cung cấp năng lượng điện của Nga sang Trung Quốc dựa vào khả năng sản xuất và xuất khẩu của Nga, cũng như mức độ giá được xem xét từ phía Trung Quốc. Trong điều kiện thuận lợi, tới năm 2014 khối lượng xuất khẩu cho Trung Quốc có thể đạt 7 - 10 tỷ kWh, cũng như đến năm 2030 tăng lên đến 60 - 80 tỷ kWh. Trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đánh dấu bằng việc gấp rút chuẩn bị hợp tác cùng xây dựng lò thứ ba và thứ tư nhà máy điện nguyên tử Thiên Tân. Năng lượng nguyên tử là một trong những hướng ưu tiên phát triển trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc. Việc cung cấp điện cho Hàn Quốc có thể bắt đầu sau năm 2015 và tới năm 2030 có thể đạt 10-15 tỷ kWh.
Đối với thị trường Nhật Bản, chủ yếu cung cấp khí hóa lỏng từ Sakhalin. Nga quyết định tăng xuất khẩu khí sang thị trường này bằng việc quyết định xây dựng nhà máy khí hóa lỏng thứ ba tại Sakhalin với công suất 5 triệu tấn/năm, cũng như một nhà máy mới ở vùng Viễn Đông dự kiến với công suất khoảng 15 triệu tấn/năm (đưa vào vận hành từ năm 2017). Nga đề nghị Nhật Bản cùng khai thác mỏ khí ở vùng Viễn Đông, vùng Yrkut và Yakut, cũng như các đảo ở gần Nhật Bản. Nhật Bản đang phụ thuộc năng lượng vào vùng Viễn Đông do nhu cầu đang tăng nhanh như hiện nay.
Đối với thị trường Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, cung cấp khí đốt từ Nga sang Hàn Quốc hiện nay được thực hiện dưới dạng khí hóa lỏng. Trong tương lai dự kiến cung cấp khí hóa lỏng hoặc khí cô đặc với kế hoạch điểm cung cấp xuất khẩu ở Viễn Đông. Gazprom và công ty Kogas đang trao đổi và vạch giai đoạn bắt đầu cung cấp với khối lượng không thấp hơn 10 tỷ mét khối khí/năm từ năm 2017.
Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam
Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng xây dựng và phát triển chính sách năng lượng quốc gia: Với Chính sách năng lượng hướng Đông của Nga, những năm gần đây một số đối tác lớn của Nga đã và đang tham gia vào các dự án hợp tìm kiếm thăm dò trên thềm lục địa và các dự án khâu sau tại Việt Nam.
Là cơ hội để Việt Nam tham gia các cơ chế liên minh trong lĩnh vực năng lượng của Nga và các nước trong khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương: Với vai trò là nước lớn và thế mạnh về các nguồn năng lượng thì Nga sẽ hình thành các liên minh và cơ chế hợp tác khu vực hoặc nhóm các nước cung cấp và tiêu thụ nhằm hỗ trợ cho chiến lược năng lượng hướng Đông của Nga. Do vậy, Việt Nam cũng cần tranh thủ để tham gia và hưởng các lợi ích từ các cơ chế này, một mặt đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng, một mặt liên kết phục vụ cho các nhiệm vụ kinh tế và chính trị khác của đất nước.
Là cơ hội để Việt Nam tăng cường đầu tư, hợp tác ra bên ngoài: Để thực hiện chiến lược năng lượng hướng Đông này, Nga đã phải “mở kho báu dầu khí” của mình ở phía Đông để phát triển và thu hút đầu tư. Nga không thể tự mình làm được tất cả mà rất cần có sự hợp tác từ bên ngoài, do vậy Nga đã đưa ra các chính sách hỗ trợ rất thuận lợi cho việc hợp tác đầu tư nước ngoài tại đây.
Ngọc Linh
Bài viết có sử dụng tài liệu của tác giả Nguyễn Văn Ban