Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm 2022: Hướng tới thế giới đa cực
Ngày 5-9, Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 7 (EEF 2022) đã khai mạc tại thành phố Vladivostok của Liên bang Nga và sẽ kéo dài đến ngày 8-9. Với chủ đề 'Con đường hướng tới thế giới đa cực', diễn đàn năm nay được kỳ vọng sẽ gửi đi thông điệp 'thay đổi của thế giới không chỉ đem lại những thách thức mà còn tạo ra những cơ hội mới'.
Lấy Viễn Đông làm bàn đạp
Trong những năm qua, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông có uy tín quốc tế cao, là diễn đàn quốc tế quan trọng để tạo dựng, tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng đầu tư của Nga và thế giới; đánh giá toàn diện về tiềm năng kinh tế của vùng Viễn Đông của Nga; giới thiệu các cơ hội đầu tư và điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Từ vài năm qua, Nga đã xác định chính sách xoay trục sang châu Á, vì vậy diễn đàn có thể xúc tiến những đề xuất của Nga với các nước châu Á, lấy khu vực Viễn Đông giàu tài nguyên làm bàn đạp để cụ thể hóa các sáng kiến này. Diễn đàn năm nay càng đặc biệt được chú ý trong bối cảnh Nga phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây sau cuộc xung đột của nước này với Ukraine. Dù vậy, bất chấp sự phức tạp của tình hình, diễn đàn vẫn được tổ chức như là cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài thảo luận về sự phát triển của khu vực Viễn Đông, nền kinh tế toàn cầu và khu vực, hợp tác quốc tế, cũng như quỹ đạo vượt qua khủng hoảng và cấu trúc mới của thế giới để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào vùng Viễn Đông rộng lớn của Nga.
Hơn 90 sự kiện được lên kế hoạch trong khuôn khổ diễn đàn. Các sự kiện trong chương trình kinh doanh của Diễn đàn Kinh tế phương Đông năm nay được chia thành nhiều khối chuyên đề: “Thị trường tài chính: Điều gì giữ được giá trị khi lòng tin mất đi?”; “Vị trí của Nga trong cấu trúc thế giới: Kim cương kết tinh dưới áp lực”; “Sự phân công lao động trên thế giới: Từ những mối liên hệ cũ đến việc tạo ra những mối liên hệ mới”…
Cú hích cho nước Nga
Hãng tin TASS dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Yury Trutnev cho biết, chủ đề chính được bàn luận tại EEF 2022 là sự phát triển của Viễn Đông và Nga trong các điều kiện kinh tế, địa chính trị mới, cũng như hình thức tương tác mới giữa các quốc gia trong thế giới đa cực. Hiện ảnh hưởng của vùng Viễn Đông đối với sự phát triển của Nga đang tăng lên đáng kể. Hướng Đông trở thành hướng chính trong việc củng cố nền kinh tế đất nước và tăng cường tiềm năng xuất khẩu.
Dự kiến, tại phiên toàn thể ngày 7-9 của EEF 2022, ngoài phát biểu của các nhà lãnh đạo nước ngoài, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng sẽ có bài phát biểu về chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các mối quan hệ kinh tế và thương mại quốc tế, cũng như các tiến trình ảnh hưởng. Những lệnh trừng phạt được một số quốc gia phương Tây áp dụng để chống lại Nga chắc chắn tạo ra những trở ngại cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia nhưng lại tạo ra những cơ hội mới, buộc Nga phải tiếp thu những năng lực mới, đòi hỏi những chuyển đổi trong công nghiệp, đổi mới, khoa học và chất lượng giáo dục.
Thông điệp mà diễn đàn mong muốn mang lại là thế giới đã thay đổi và các lệnh trừng phạt đã làm thay đổi bức tranh thế giới, song sự thay đổi của thế giới không chỉ đem lại những thách thức mà còn tạo ra những cơ hội mới.
Dự kiến có đại diện của khoảng 60 quốc gia tham dự EEF 2022. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ phát biểu tại phiên toàn thể theo hình thức trực tuyến.