Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021: 'Phục hồi và phát triển bền vững'
Ngày 5/12, Ủy ban Kinh tế Quốc hội chủ trì phối hợp với Ban Kinh tế trung ương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề: 'Phục hồi và phát triển bền vững'. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì diễn đàn.
Cùng tham dự diễn đàn có các đồng chí Ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 57 điểm cầu trong nước và quốc tế.
Dự diễn đàn tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Song Tùng, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các vị đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo HĐND tỉnh, một số sở, ban ngành liên quan; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Để đối phó với dịch bệnh, khắc phục những thiệt hại và tác động của dịch bệnh COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ khác nhau. Việt Nam cũng đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết, quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vừa qua đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.
Nhấn mạnh mục đích tổ chức diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn tại diễn đàn, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý-những người thực thi chính sách và những người tham gia hoạch địch chính sách trao đổi nhiều ý kiến tâm huyết, toàn diện. Đây sẽ là các luận cứ khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế để Quốc hội, Chính phủ xem xét, giải quyết các gói chính sách, giải pháp về tài khóa và tiền tệ, vừa đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, vừa hỗ trợ cho mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2022, cho cả nhiệm kỳ và các năm tiếp theo.
Trong thời gian một ngày, Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 đã được chia thành 2 Phiên gồm: Phiên toàn thể buổi sáng và tọa đàm cấp cao với chủ đề "Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam". Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề về "Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế" và "Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế".
Các đại biểu tham dự phiên tọa đàm cấp cao với chủ đề một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Với tinh thần xây dựng, cởi mở, các diễn giả, các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia diễn đàn đã cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh hiện nay trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng thời gian tới.
Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế cũng như những gợi ý chính sách, những ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, những kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, tại Diễn đàn, các đại biểu, các chuyên gia cũng đã trao đổi và giải đáp các câu hỏi về huy động nguồn lực, phân bổ nguồn lực, sự hấp thụ năng lực của nền kinh tế trong điều kiện nền kinh tế còn một số điểm nghẽn, vướng mắc…
Kết luận diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Sau một ngày làm việc trách nhiệm, khẩn trương, diễn đàn đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Diễn đàn đã đánh giá toàn diện các vấn đề đang đặt ra, đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Kết quả của diễn đàn là căn cứ để các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan, các địa phương nghiên cứu sâu sắc hơn để tham gia góp ý vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế- xã hội.
Lưu ý về tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 cũng như những ảnh hưởng của dịch bệnh với nền kinh tế, sự phát triển của xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong bối cảnh đặc biệt cần tiếp tục có giải pháp đột phá. Cần phối hợp linh hoạt chặc chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, có trọng tâm, trọng điểm. Cần có mục tiêu, lộ trình, giải pháp cụ thể dễ dàng cho thực hiện, bảo đảm khả thi.
Các chính sách tổng thể cần tập trung hỗ trợ những ngành, lĩnh vực quan trọng, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội…, hướng đến các ngành có khả năng tăng trưởng cao, có tính dài hạn, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững. Các chính sách hỗ trợ cần xác định đúng, trúng đối tượng, tạo ra sự lan tỏa. Hỗ trợ lao động trở lại làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát.
Nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, phát triển hệ thống giáo dục mở, hiện đại, hội nhập. Hỗ trợ doanh nghiệp và người sử dụng lao động để sớm phục hồi ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Có chính sách đổi mới, sáng tạo, kiến tạo, đổi mới vĩ mô. Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu tại diễn đàn để xây dựng kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, tăng cường hợp tác Quốc tế, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, đứng trên đôi chân của mình, tự tin vào dân tộc mình, tự tin với khả năng biến nguy thành cơ, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội.
Xem trên Youtube