Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô

Chiều 18-9, tại Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ tọa điều hành Phiên toàn thể với chủ đề 'Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế'.

Đồng chủ tọa với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

 Chủ tịch Quốc hội tại phiên toàn thể.

Chủ tịch Quốc hội tại phiên toàn thể.

Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát, tăng trưởng kinh tế ở mức cao

Tại phiên toàn thể, các đại biểu nghe Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong trình bày tóm tắt nội dung phiên hội thảo chuyên đề về “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”; Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi trình bày tóm tắt nội dung phiên hội thảo chuyên đề về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.

Đánh giá về bối cảnh năm 2023, năm đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chung thực hiện các mục tiêu kế hoạch 5 năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức.

Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn khiêm tốn, rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta là rất lớn. Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước…

 Quang cảnh phiên toàn thể.

Quang cảnh phiên toàn thể.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng kế hoạch năm 2023. Trong đó dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp để tạo dư địa điều hành tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ và phát triển lao động - việc làm, phát triển an sinh xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống người dân.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola cho rằng, trong khi nhiều nước trên thế giới còn lo ngại về tình hình lạm phát gia tăng, thì Việt Nam vẫn đang thực hiện linh hoạt các chính sách kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức thấp so với thế giới, trong khi tăng trưởng GDP ở mức khả quan.

Theo ông Andrea Coppola, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, chính sách tiền tệ linh hoạt và hệ thống ngân hàng được tăng cường. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng đến tăng trưởng xanh; đẩy mạnh tích lũy đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; kịp thời nhập cuộc, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để nhanh chóng tăng năng suất.

Nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính- tiền tệ Quốc gia, kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động do tác động bất lợi từ cú sốc bên ngoài cũng như những yếu kém nội tại.

Việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh phát triển mới bởi đây là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.

 Toàn cảnh phiên toàn thể.

Toàn cảnh phiên toàn thể.

Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, phát huy thuận lợi, cơ hội và hạn chế tối đa rủi ro, thách thức trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nêu quan điểm, cần xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế; tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững.

Cùng với đó cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; có chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam và có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế…

Tham gia phiên thảo luận toàn thể bằng hình thức trực tuyến, Giáo sư Andreas Hauskrecht chia sẻ về tình hình thực tế tại Mỹ. Theo ông Andreas Hauskrecht, nhìn vào chỉ số dự báo thị trường, chỉ số thị trường tương lai cũng như các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất trong những tháng cuối năm 2022 và 2023. Khi FED thay đổi chính sách tiền tệ, khả năng cao FED sẽ tạo suy thoái ở Mỹ. Điều này cũng tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá Việt Nam đồng/Đô la Mỹ (VND/USD). Dự báo đồng Việt Nam sẽ tăng mạnh so với đồng Euro và các đồng tiền khác, khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu.

Ông Andreas Hauskrecht khuyến nghị, Việt Nam không nên giảm giá đồng Việt Nam bởi điều này có thể gây bất ổn tài chính; đồng thời cũng không nên tăng lãi suất hay sử dụng các công cụ tài chính mà nên sử dụng các chính sách tài khóa an toàn.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dien-dan-kinh-te-xa-hoi-viet-nam-2022-cung-co-nen-tang-kinh-te-vi-mo-705763