Diễn đàn 'Làm thế nào để công tác cứu trợ được hiệu quả, thiết thực?': Cứu trợ, không chỉ là vật chất…

'Làm thế nào để công tác cứu trợ được hiệu quả, thiết thực?' là một vấn đề nan giải, hiện diện suốt bao năm qua cùng dòng chảy tử tế, nghĩa tình của người Việt.

Bão lớn, lũ dữ, lở đất, sạt núi… quanh năm diễn ra. May mắn là trong thiên tai, giữa hoạn nạn, tình nghĩa đồng bào lại bừng sáng hơn bao giờ hết, giúp giảm đi phần nào nỗi đua đớn, mất mát vì sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên.

Cả nước đang hướng về miền Bắc bằng tất cả tấm chân tình, mong muốn giúp đồng bào vượt qua nỗi đau, bước qua khốn khó, tái thiết cuộc sống sau lũ dữ. "Làm thế nào để công tác cứu trợ được hiệu quả, thiết thực?" là một vấn đề nan giải, hiện diện suốt bao năm qua cùng dòng chảy tử tế, nghĩa tình của người Việt.

Là một người con miền Trung thường xuyên nhận được nghĩa cử "lá lành đùm lá rách" từ bàn tay ấm của người tốt khắp mọi miền đất nước, tôi xin góp vài dòng suy nghĩ: Trong thiên tai hoạn nạn, con người cần gì?

Cứu trợ vật chất

Sau trận bão kinh hoàng cuốn bay tài sản là mấy đợt lũ dâng cao, nhấn chìm nhà cửa, tài sản và cả con người dưới con nước dữ. Đúng là trong tình cảnh nước ngâm dài ngày, miếng ăn nước uống cầm cự duy trì sự sống là nhu cầu bức thiết.

Học sinh tiểu học TP HCM góp tiền hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra

Học sinh tiểu học TP HCM góp tiền hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra

Mì tôm, gạo trắng, bánh chưng, ruốc kho, muối sả… là món quà quý giữa lúc thiếu thốn trăm bề. Dù vậy, khi thời khắc nước non bủa vây dần khép lại, cuộc sống cần được vun đắp để hồi sinh thì những đoàn cứu trợ tự phát đến trao tới tấp mì gói, dồn dập gạo hay bánh chưng bắt đầu nổi mốc xanh, muối sả có mùi lạ sẽ lãng phí vô cùng.

Người dân sau lũ không chỉ cần nhu yếu phẩm để no bụng, ấm thân mà cần hơn hết "chiếc cần câu" vực dậy sinh kế: lúa giống cho mùa vụ tới; đàn gà con, bầy lợn giống tái đàn; hàng hóa để bán buôn đắp đổi cuộc sống…

Cứu trợ sức khỏe

Ngoài hỗ trợ vật chất, người dân vùng bão, lũ, sạt lở cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện để phòng ngừa bệnh tật, rủi ro sau khi dầm mình trong con nước đục ngầu, mảng đất đỏ quạch.

Những hướng dẫn cần thiết về vệ sinh nhà cửa đúng cách, xử lý rác thải và bùn non, tiêu độc khử trùng nguồn nước hay nhiều bệnh phát sinh sau lũ như lỵ, thương hàn, tiêu chảy… cần được nhân rộng và phổ biến đến người dân.

Phòng chống dịch sau thiên tai quan trọng vô cùng bởi môi trường biến động khiến vi sinh vật gây hại phát sinh nhiều hơn. Trong đó, phòng tránh các bệnh về đường ruột trở thành ưu tiên hàng đầu. Khuyến cáo từ chuyên gia, đội ngũ y tế cộng đồng cần được lan tỏa trên các kênh truyền thông, báo chí, mạng xã hội để người dân chủ động vệ sinh cá nhân, theo dõi sức khỏe của mình, phối hợp tích cực với cơ quan y tế.

Cứu trợ tinh thần

Công bằng, minh bạch, khách quan là những nguyên tắc cần có để bức tranh cứu trợ bão lũ tránh những lao xao, điều tiếng không đáng có.

Sau mỗi đợt thiên tai lại âm ỉ nơi này nơi kia ăn chặn hàng cứu trợ, ưu ái người thân, ưu tiên người quen… khiến lòng người xao xác. Để tránh lặp lại, tổ dân phố, tổ trưởng các thôn xóm phát huy vai trò trách nhiệm gần dân, sát dân, hiểu dân.

Đánh giá đúng thiệt hại của từng hộ gia đình để phân phát nguồn hàng cứu trợ. Phân bổ nguồn tiền và hiện vật tới đúng người cần, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả khoản cứu trợ, đó là cách đáp lại ân tình của người phương xa một cách ý nghĩa nhất.

Trang Nguyễn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dien-dan-lam-the-nao-de-cong-tac-cuu-tro-duoc-hieu-qua-thiet-thuc-cuu-tro-khong-chi-la-vat-chat-196240916095625434.htm