EU hỗ trợ 10 tỷ euro khắc phục hậu quả lũ lụt ở Trung Âu

Trong nỗ lực khắc phục thiệt hại nghiêm trọng bởi lũ lụt do bão Boris gây ra ở khu vực Trung Âu, Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố gói hỗ trợ 10 tỷ euro (11 tỷ USD) từ Quỹ Liên kết và Quỹ Đoàn kết của Liên minh châu Âu (EU) để trợ giúp các quốc gia bị ảnh hưởng.

Những hậu quả “không thể tưởng tượng”

Thông báo trên được đưa ra tại cuộc họp của bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch EC, với các nhà lãnh đạo của các quốc gia Trung Âu bị ảnh hưởng do lũ, bao gồm Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala, Thủ tướng Slovakia Robert Fico và Thủ tướng Áo Karl Nehammer để thảo luận việc viện trợ khu vực trong bối cảnh thiên tai.

Các quốc gia Trung Âu cần một nguồn lực tài chính lớn để tái thiết sau trận lũ lụt lịch sử tháng 9 vừa qua

Các quốc gia Trung Âu cần một nguồn lực tài chính lớn để tái thiết sau trận lũ lụt lịch sử tháng 9 vừa qua

Trong tuần qua, do ảnh hưởng của bão Boris, mưa lớn bất thường đã xảy ra ở một loạt nước Trung Âu khiến nước tại nhiều con sông tràn bờ, gây ra lũ lụt trên diện rộng. Thảm họa thiên tai này đã khiến 24 người thiệt mạng, trong đó có 5 người tại Czech, 7 người tại Romania, 7 tại Ba Lan và 5 tại Áo. Lũ lụt không chỉ gây thiệt hại về người mà còn gây thiệt hại về vật chất khi phá hủy nhiều cây cầu, nhấn chìm nhiều ô tô và hàng loạt tài sản có giá trị khác. Ước tính những thiệt hại kinh tế ban đầu rơi vào khoảng 1 tỷ euro.

Cộng hòa Czech là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nước sông Morava liên tục dâng khiến 70% thành phố Litovel, cách Thủ đô Prague 230 km về phía Đông, với dân số gần 10.000 người, chìm trong biển nước. Nhiều trường học và cơ sở y tế đã phải đóng cửa, một số nhà máy và hệ thống cửa hàng lớn đã buộc phải tạm ngừng sản xuất, bao gồm nhà máy hóa chất BorsodChem ở Ostrava, nhà sản xuất đồ uống Kofola CeskoSlovensko và nhà máy OKK Koksovny - một trong những nhà sản xuất than cốc lớn nhất châu Âu. Chính phủ Czech cho biết sẽ cung cấp 30 tỷ crown (1,3 tỷ USD), khoảng 0,38% GDP, trong sửa đổi ngân sách năm 2024 và dành thêm 10 tỷ crown trong ngân sách năm 2025 để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do lũ lụt.

Tại Ba Lan, mưa lũ đã gây ra thiệt hại nặng nề, đặc biệt là ở vùng Tây Nam nước này. Thành phố Opole và tỉnh Hạ Silesia là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Lũ lụt đã dẫn đến sự gián đoạn các dịch vụ vận tải, trong khi nguồn cung cấp điện cho nhiều thị trấn và làng mạc đã bị cắt tạm thời. Chính phủ Ba Lan đã phải tuyên bố tình trạng thảm họa ở các khu vực bị ảnh hưởng và cho biết đã chi 260 triệu USD để giúp đỡ các nạn nhân, đồng thời đề nghị được viện trợ tài chính từ EU. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết ông sẽ phác thảo một kế hoạch tái thiết khi nước lũ rút, sử dụng cả nguồn vốn nhà nước và một phần trong số 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) được EU cung cấp cho các quốc gia bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh phải hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bão Boris với những hậu quả “không thể tưởng tượng”, Áo đã quyết định tăng quỹ thiên tai gấp 3 lần lên 1 tỷ euro (1,11 tỷ USD). Quỹ này cung cấp tài chính cho các biện pháp phòng ngừa và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Miền Nam nước Áo là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đã nhận được những khoản viện trợ đầu tiên 45 triệu euro từ quỹ thiên tai. Các đảng phái chính trị nước này đã hoãn các cuộc vận động tranh cử cho cuộc bầu cử quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 29-9, theo đó các sự kiện vận động và các cuộc tranh luận trên truyền hình sẽ được dời lịch đến cuối tuần này.

Bảo đảm nguồn lực tài chính khắc phục hậu quả thiên tai

Tháng 3-2024, Cơ quan môi trường châu Âu (EEA) lần đầu tiên công bố Báo cáo đánh giá rủi ro khí hậu châu Âu (EUCRA), cảnh báo châu lục là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó có nhiều rủi ro đã đạt đến mức cảnh báo. Nếu không có hành động quyết đoán, rủi ro có thể biến thành thảm họa.

Trận lụt lội vừa rồi ở Trung Âu đã minh chứng cho lời cảnh báo đó. Những đợt nắng nóng đã thiêu cháy Địa Trung Hải trong mùa hè vừa rồi, nâng nhiệt độ trên biển lên mức kỷ lục, làm gia tăng các cơn bão trên khắp châu Âu. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy biến đổi khí hậu đang làm tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nhà khoa học Bogdan Antonescu tại ClimaMeter, một dự án được EU và Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp tài trợ, cho biết, bão Boris là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng ranh giới của những gì chúng ta coi là “thời tiết cực đoan” đang thay đổi nhanh chóng do biến đổi khí hậu.

Theo EEA, các vấn đề liên quan đến khí hậu đã gây ra 85.000 đến 145.000 ca tử vong trên khắp châu Âu trong 40 năm qua. Chỉ riêng năm 2022, các đợt nắng nóng cực độ khiến hơn 60.000 người thiệt mạng trên lục địa này. Năm 2021, lũ lụt chưa từng có quét qua Bỉ, Đức và Hà Lan, gây thiệt hại 44 tỷ euro (48 tỷ USD). Năm 2023, lũ quét ở Slovenia gây thiệt hại ước tính hơn 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Tính chung từ năm 1980 đến năm 2022, tổng thiệt hại kinh tế do các hiện tượng cực đoan liên quan đến thời tiết và khí hậu ở các nước EU đã vượt quá 650 tỷ euro (711 tỷ USD).

Để ứng phó hiệu quả với những thách thức thời tiết trong tương lai, EU đã đưa ra nhiều biện pháp, trước hết là bảo đảm nguồn lực tài chính để khắc phục hậu quả. Trận lũ lụt lịch sử tại Trung Âu cho thấy tầm quan trọng của sự đoàn kết và hợp tác quốc tế trong việc ứng phó với các thảm họa thiên nhiên. Để khắc phục hậu quả đợt lũ lụt này, EU sử dụng hai nguồn là Quỹ Liên kết và Quỹ Đoàn kết với tổng chi phí là 10 tỷ euro (11 tỷ USD) nhằm sửa chữa và tái thiết cơ sở hạ tầng.

Quỹ Đoàn kết EU được thành lập để ứng phó với các thảm họa thiên nhiên lớn và thể hiện sự đoàn kết của châu Âu đối với các khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa. Quỹ được thành lập như một phản ứng đối với các trận lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Âu vào mùa hè năm 2002. Kể từ đó đến nay, quỹ đã hỗ trợ hơn 130 lần cho 24 quốc gia thành viên và 3 quốc gia ứng cử viên EU với tổng số tiền đã giải ngân là hơn 8,2 tỷ euro. Quỹ đã trở thành một trong những công cụ chính của EU để phục hồi sau thảm họa và là biểu hiện của sự đoàn kết của EU.

So với Quỹ Đoàn kết, Quỹ Liên kết có quy mô lớn hơn nhiều. Quỹ ra đời nhằm mục đích tăng cường sự gắn kết về kinh tế, xã hội trong EU vì lợi ích thúc đẩy phát triển bền vững. Quỹ được dành riêng cho các quốc gia thành viên có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 90% mức trung bình của EU. Trong giai đoạn 2021-2027, quỹ hỗ trợ cho 15 quốc gia thành viên: Bulgaria, Croatia, Cyprus, Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia và Slovenia. Ngân sách trong giai đoạn này mà EU phân bổ cho Quỹ Liên kết là 42,6 tỷ euro (theo giá năm 2018), trong đó 37% là cho các mục tiêu về khí hậu của EU. Ngoài hỗ trợ các dự án theo mục tiêu “Đầu tư cho tăng trưởng và việc làm”, chủ yếu là cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông và môi trường, quỹ này cũng trợ giúp cho việc khắc phục hậu quả thiên tai với hệ thống cơ sở hạ tầng.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/eu-ho-tro-10-ty-euro-khac-phuc-hau-qua-lu-lut-o-trung-au-post590180.antd