Diễn đàn quốc gia chính sách với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện
Diễn đàn nhằm kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết định những chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện phù hợp với tình hình mới.
Ngày 5/4, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn quốc gia năm 2024 với chủ đề "Chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tại Diễn đàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên, tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, việc thực hiện chính sách về thanh niên còn nhiều bất cập, hạn chế.
Từ những vấn đề phát sinh và nhu cầu thực tiễn, nhằm sớm đưa Luật Thanh niên 2020, đặc biệt là những cơ chế, chính sách phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên tham gia phát triển kinh tế xã hội vào cuộc sống, Diễn đàn được tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; nhận diện rõ hơn các bất cập của chính sách cũng như trong việc thực hiện chính sách đối với lực lượng này.
Từ đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết định những chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện phù hợp với tình hình mới.
Cũng tại Diễn đàn, các ý kiến trao đổi tập trung vào các nhóm vấn đề: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; việc triển khai thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; những vấn đề đặt ra và đề xuất, kiến nghị về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện cùng các vấn đề khác có liên quan đến chủ đề Diễn đàn.
Trao đổi về chính sách đối với các đối tượng này, bà Lương Thị Hải Anh, Phó vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ) cho hay, thực hiện các điều 22 và 23 của Luật Thanh niên năm 2020, năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2021/NĐ-CP quy định về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện.
Đối với thanh niên tình nguyện, có hình thức tham gia các chương trình dự án, đề án do cấp có thẩm quyền ban hành, điển hình như dự án 600 Phó chủ tịch xã và 500 trí thức trẻ.
Hai dự án đã kết thúc năm 2020. Thanh niên tham gia đều được hưởng các chính sách, như được ký hợp đồng, đào tạo bồi dưỡng, được hưởng các chế độ chính sách khác.
Thanh niên tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ đều được cấp giấy chứng nhận, đây là cơ sở để thực hiện các chính sách tiếp theo, ví dụ như tuyển dụng công chức, viên chức, bầu cán bộ các cấp xã, huyện...
Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động tình nguyện vì lợi ích cộng đồng, thanh niên đều được bồi dưỡng, đào tạo thêm về kỹ năng, được trang bị thiết bị bảo hộ cần thiết, được đóng bảo hiểm y tế (nếu chưa có)...
Trả lời về chính sách đào tạo việc làm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Đỗ Năng Khánh thông tin Bộ đã ban hành Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH, trong đó quy định, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện được hỗ trợ đào tạo nghề, chủ yếu là hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng.
Chia sẻ một số kinh nghiệm, chính sách đối với thanh niên xung phong trên địa bàn thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Bính, Phó Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng cho biết, thành phố có các chính sách, chế độ riêng đối với lực lượng thanh niên xung phong tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, vì đây là huyện đảo đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, có vị trí biệt lập, cách đất liền khoảng 110km. Bạch Long Vĩ cũng là một trong số ít các đảo được Trung ương Đoàn lựa chọn là "Đảo Thanh niên."
Các chức danh lãnh đạo Liên đội thanh niên xung phong đang công tác tại huyện Bạch Long Vĩ (Liên đội trưởng, Liên đội phó) được hưởng chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách tương tự như cán bộ, công chức, viên chức công tác tại huyện đảo. Thành phố có chính sách bố trí, sử dụng lực lượng thanh niên này sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Theo Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy, những trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin và đề xuất, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện là nội dung quan trọng, có tính nhân văn và giá trị cộng đồng sâu sắc.
Đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc quan tâm, chăm lo, phát huy lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện trong tình hình mới.
"Lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện luôn giữ vị trí quan trọng trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, những nhiệm vụ đột xuất, cấp bách, khó khăn, gian khổ, tham gia bảo vệ Tổ quốc, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng," ông Bùi Quang Huy nhấn mạnh.
Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm, Diễn đàn đã góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện; tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực thi chính sách đối với thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện trong thực tiễn.
Ngay sau Diễn đàn, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam sẽ tổng hợp đầy đủ các vấn đề, câu hỏi, kiến nghị chính đáng của thanh niên gửi đến các bộ, ngành để giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật./.