Khai mạc Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
Mục tiêu của Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhằm làm chủ công nghệ số, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Những hình ảnh mới nhất tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam:
9h10: Mở đầu phiên toàn thể của Diễn đàn Make in Viet Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc và đề dẫn diễn đàn Make in Viet Nam lần thứ VI:
Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam làm rạng danh đất nước
Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh và bền vững, phát triển bao trùm, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, sánh vai cường quốc năm châu, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thịnh vượng, không có kẻ thù nào dám đến xâm phạm. Đâu là câu trả lời chung cho những trăn trở ngàn năm đó của Việt Nam?
Đó là công nghệ. Cuộc cách mạng số, đặc biệt là sự phát triển mới có tính cách mạng và bước tiến vượt trội của nó - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam.
Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam, với những vấn đề của mình, chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ từ Việt Nam đi ra toàn cầu, và giải những bài toán toàn cầu.
Make in Viet Nam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Make in Viet Nam là một tinh thần, tinh thần tự cường, tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ, từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ.
Make in Viet Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài, vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh hùng mạnh. “Chiếc nỏ thần” bảo vệ Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra.
Make in Viet Nam đã được 5 năm. Năm năm qua, giá trị Việt Nam trong công nghiệp công nghệ số đã tăng từ 20% lên 32%. Năm 2024, giá trị Việt Nam trong 158 tỷ USD của ngành công nghiệp công nghệ số là 32%. Và chúng ta đặt mục tiêu giá trị Việt Nam sẽ đạt trên 50% vào năm 2030. Đây là mục tiêu rất cao nhằm đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy gia công. Thoát bẫy gia công là để thoát bẫy thu nhập trung bình.
Năm năm qua, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã tăng 50%. Với 74.000 doanh nghiệp công nghệ số tại một quốc gia 100 triệu dân, Việt Nam thuộc quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số trên đầu người vào loại cao nhất trong số các nước đang phát triển.
Make in Viet Nam cũng là tự hào Việt Nam. Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã truyền đi thông điệp về tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc” để phát huy trí tuệ Việt Nam. Việt Nam không còn là nước nhỏ nữa, phải sánh vai cường quốc năm châu và phải đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
Make in Viet Nam cũng là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu. Đó là, ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại. Trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà về Make in Viet Nam phải mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Nghị quyết 57 cũng đặt mục tiêu tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Trước đây, chúng ta tập trung nhiều vào ứng dụng, vào gia công, thì nay chúng ta phải tập trung nhiều hơn vào làm chủ công nghệ, vào thiết kế, vào sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, vào các công đoạn giá trị cao hơn. Mỗi năm, Nhà nước sẽ dành 15% ngân sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để chi cho làm chủ các công nghệ chiến lược.
Chúng ta làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể phát triển bền vững. Nghị quyết 57 định hướng giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn, trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: Vừa làm chủ tiến trình chuyển đổi số, làm chủ công nghệ chuyển đổi số và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Từ nay, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp lớn, phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam và làm rạng danh Việt Nam.
Năm 2024, doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đạt 11,5 tỷ USD. Và quan trọng hơn, nó đang tăng với tốc độ trên 30% mỗi năm. Chúng ta đặt mục tiêu, đến năm 2035 doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ tiến tới con số 100 tỷ USD và vượt xuất khẩu nông nghiệp. Tức là, xuất khẩu công nghệ số Việt Nam phải cao hơn xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đây thực sự là mục tiêu rất cao, rất thách thức đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta không làm được việc này thì không thể nói Việt Nam là một trung tâm khu vực và thế giới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, như Nghị quyết 57 đã giao cho chúng ta. Xuất khẩu công nghệ chính là phép thử về công nghệ Việt Nam.
Nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã thành danh về công nghệ, đã đến lúc về Việt Nam hoặc kết nối với Việt Nam để xây nên những doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Nhân tài có đặc tính toàn cầu. Việt Nam chúng ta sẽ tạo ra điều kiện để nhân tài toàn cầu hội tụ về đây, cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới, với cách tiếp cận sandbox, chấp nhận rủi ro: Cái gì chưa biết quản lý thế nào thì sẽ không cấm mà cho phép thử nghiệm có kiểm soát. Những đặc khu công nghệ, đặc khu đổi mới sáng tạo, với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội dành cho doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết 57 xác định bộ 3: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, khoa học công nghệ là nền tảng, nó tạo ra tri thức mới và công nghệ mới. Đổi mới sáng tạo là động lực, nó chuyển hóa các tri thức mới, công nghệ mới thành ý tưởng mới, giải pháp mới. Nó là “cây gậy thần” để biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm mới, dịch vụ mới, quy trình mới, tạo ra các giá trị thực tiễn để phát triển kinh tế - xã hội, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.
Chuyển đổi số là chuyển mọi hoạt động lên môi trường số, là số hóa thế giới thực tạo thành một không gian mới - Không gian số, cung cấp nền tảng kỹ thuật số, công nghệ số, dữ liệu số và khả năng kết nối để tăng tốc và mở rộng quy mô ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số tạo ra không gian số, đất dụng võ mới, môi trường lý tưởng cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thuận lợi đến mức các cá nhân cũng có thể ứng dụng khoa học công nghệ để tham gia đổi mới sáng tạo. Như chúng ta thấy, công nghệ chủ yếu là công nghệ số hoặc dựa trên công nghệ số, đổi mới sáng tạo hiện nay thì cũng chủ yếu là đổi mới sáng tạo số.
Lần đầu tiên, bộ 3: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nằm chung trong 1 Nghị quyết của Bộ Chính trị, và sẽ nằm chung trong một Bộ hợp nhất của 2 Bộ KH&CN và TT&TT. Sự liên thông và không thể tách rời của bộ 3 này sẽ tạo động lực mới mang tính đột phá và cách mạng cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên môi trường số.
Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị vừa ký ban hành Nghị quyết 57, đúng vào dịp 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22/12/2024. Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ chỗ thiếu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp.
Nghị quyết khoán 10 là để thoát nghèo, Nghị quyết 57 là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Nghị quyết khoán 10 là giải phóng sức lao động, Nghị quyết 57 là giải phóng sự sáng tạo. Tinh thần chung của cả Nghị quyết khoán 10 và Nghị quyết 57 là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, là người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo.
Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Từ nay, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã thực sự trở thành cuộc cách mạng của toàn Đảng và toàn dân, sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá.
Chúng ta kỳ vọng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.
Với tinh thần của Nghị quyết 57, tôi xin phép tuyên bố khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Make in Viet Nam lần thứ 6 với chủ đề: "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam". Chúc Diễn đàn của chúng ta thành công tốt đẹp!
Sự có mặt của đồng chí Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Diễn đàn Make in Viet Nam sẽ truyền đi thông điệp rất mạnh mẽ của Đảng ta: Phát triển và làm chủ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là điều kiện tiên quyết, là thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
9h30: Mở đầu phiên thảo luận cấp cao tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, Thứ trưởng Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc, ông Dohyun Kang đã chia sẻ về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển ngành công nghiệp số, nhờ đó quốc gia này đã vượt qua khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Theo đó, Hàn Quốc đã thực hiện chiến lược 3i bao gồm: đầu tư, bơm vốn và đổi mới sáng tạo. Trong đó, chìa khóa thành công nằm ở: tháo gỡ rào cản, thúc đẩy tự do hóa thị trường; nâng cao cạnh tranh công bằng, đầu tư sớm vào hạ tầng CNTT và truyền thông (32,5 tỷ USD trong giai đoạn 95-05) và mở rộng đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Thời gian qua Hàn Quốc đã khuyến khích năng lực quốc gia để chuẩn bị cho kỷ nguyên AI thông qua các nỗ lực ban hành liên tục các kế hoạch và chính sách. Ví dụ, tháng 8/2022, đề ra kế hoạch tổng thể đào tạo nguồn nhân lực số, tháng 9/2022 công bố chiến lược số Hàn Quốc, tháng 9/2023 thông qua đạo luật Quyền số, triển khai kế hoạch đưa AI vào đời sống hàng ngày (69 tác vụ AI thường nhật trên tất cả các lĩnh vực)...
Đại diện Bộ ICT Hàn Quốc cũng nhận định, loài người đang trong thời đại AI và đây là công nghệ thúc đẩy sự đổi mới nhanh nhất, rộng rãi nhất trong lịch sử. Chẳng hạn, đối với Hàn Quốc, nước này ước tính sự tác động của AI với nền kinh tế hàng năm sẽ vượt quá 200 tỷ USD từ giờ đến năm 2026.
Tuy vậy, AI cũng tạo ra những thách thức và rủi ro nhất định như tấn công mạng, thông tin giả, lộ lọt thông tin cá nhân...
Ông Kang cho biết, AI đang tạo ra cuộc đua toàn cầu về khả năng chiến ưu thế công nghệ. Theo đánh giá, Hàn Quốc đang nằm trong nhóm 3 các quốc gia có khả năng cạnh tranh AI nhất thế giới. Tuy nhiên, nước này không đặt mục tiêu trở thành quốc gia AI cạnh tranh nhất, thay vào đó "sẽ phấn đấu trở thành quốc gia mẫu mực hợp tác với các đối tác toàn cầu để định hình tương lai số và cùng nhau chia sẻ các giá trị".
9h45: Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel trình bày tham luận: “Làm chủ công nghệ 5G, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam”.
Ngay sau khi thành công trong tiên phong phổ cập dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam và bắt đầu vươn ra đầu tư thị trường quốc tế, những năm đầu 2010, Viettel đã xây dựng chiến lược làm chủ việc nghiên cứu thiết kế, sản xuất thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin, vừa để triển khai hạ tầng mạng lưới vừa để xuất khẩu sang thị trường chúng tôi đầu tư.
Đây là một bước đột phá quan trọng của tập đoàn nhằm mục đích cung cấp trang thiết bị hạ tầng mạng lưới tin cậy để đảm bảo an toàn thông tin, an toàn dữ liệu, bảo mật hệ thống, một trong những yếu tố sống còn của chuyển đổi số. Hai là đảm bảo tiến độ cung cấp hàng hóa, triển khai hạ tầng mạng lưới, và thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng, giảm sự phụ thuộc vào nhà cung cấp bên ngoài. Ba là làm chủ hệ thống, thiết bị, chủ động ứng cứu thông tin trong trường hợp sự cố xảy ra và tiến tới thương mại hóa, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.
Để thực hiện chiến lược trên, Tập đoàn Viettel xác định: Thứ nhất, phải làm chủ thiết kế, làm chủ chất lượng hệ thống, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ sản xuất; Thứ hai là, hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Qualcomm, Intel, Nvidia... tận dụng năng lực, kinh nghiệm, công nghệ của các nước tiên tiến, giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, việc này giúp chủ động lựa chọn công nghệ phù hợp đồng thời không bị phụ thuộc vào các công ty nước ngoài; Thứ ba là phát huy lợi thế của doanh nghiệp vừa kinh doanh viễn thông vừa sản xuất thiết bị, lực lượng khai thác kinh doanh trực tiếp cùng tham gia nghiên cứu để vừa làm vừa đánh giá, vừa thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm, chính vì vậy các thiết bị Viettel sản xuất có tính cá thể hóa theo từng thị trường, bám sát được nhu cầu khách hàng.
Trong giai đoạn hiện nay, 5G có vai trò quan trọng đóng góp vào triển khai chiến lược Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Với tốc độ vượt trội, độ trễ thấp và khả năng kết nối hàng triệu thiết bị đầu cuối, công nghệ 5G là nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều ngành, lĩnh vực, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế như sản xuất thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh.
Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 tầm nhìn 2030 xác định năm 2030 phải triển khai mạng 5G trên diện rộng, đảm bảo phủ sóng 5G đến 99% dân số. Chính vì vậy, từ những năm 2018, Tập đoàn Viettel đã bắt tay nghiên cứu công nghệ 5G, đến nay làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm 5G từ thiết bị mạng lõi, truyền dẫn, thiết bị mạng lưới, thiết bị vô tuyến, đầu cuối, có chất lượng tương đương các nhà cung cấp thế giới.
Cụ thể, đối với mạng lõi 5G, Viettel đã triển khai trên mạng lưới hệ thống mạng lõi 5G cho thoại và dữ liệu, đáp ứng được các tiêu chuẩn Bộ TT&TT ban hành. Đối với mạng truyền dẫn: Viettel đã sản xuất và triển khai các thiết bị truyền dẫn Site Router tốc độ 100Gbps, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải dữ liệu tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu băng thông lớn của các ứng dụng như IoT công nghiệp, AI và thực tế ảo. Đối với trạm thu phát sóng 5G, Viettel đã nghiên cứu thành công, triển khai trên mạng lưới trạm 5G 32 thu – 32 phát với tốc độ cao, độ trễ thấp và có khả năng kết nối hàng triệu thiết bị trên diện rộng. Đối với lớp ứng dụng, Viettel đã triển khai thành công hệ thống tính cước thời gian thực vOCS cho toàn bộ các thuê bao 4G, 5G của Viettel.
Đến nay, các sản phẩm trong hệ sinh thái 5G đang được sử dụng ở hầu hết các thị trường mà Viettel đầu tư và bước đầu xuất khẩu sang một số nước như Ấn Độ, UAE. Ngoài ra, thiết bị viễn thông Viettel cũng được triển khai trong các phòng lab của trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Bưu chính viễn thông, góp phần tăng cường học cụ cho các giảng viên, thầy cô trong trường.
Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các công nghệ mạng viễn thông thế hệ tiếp theo như 5G Advanced để cải tiến tốc độ, mở rộng khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực như tự động hóa công nghiệp và thực tế ảo tăng cường; Đồng thời tham gia tổ công tác nghiên cứu phát triển công nghệ 6G dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT.
Ngày 13/01/2025, Tập đoàn Viettel đã được tham dự Hội nghị của Ban Bí thư Trung ương Đảng phổ biến Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trực tiếp được nghe Tổng Bí thư quán triệt Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.
Chúng tôi nhận thấy Nghị quyết 57 đã đưa ra những mục tiêu rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện, với những chính sách đột phá để tháo gỡ những “điểm nghẽn của điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian qua, như cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược,…
Để các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57, trong hội nghị ngày hôm nay, Tập đoàn Viettel xin phép đề xuất, kiến nghị một số nội dung như sau:
Một là, ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới. Nghị quyết 57 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đây là chủ trương đột phá để các doanh nghiệp nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho doanh nghiệp.
Do đó, Viettel kiến nghị Nhà nước sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại doanh nghiệp theo các quy định của pháp luật; Hướng dẫn việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới không chỉ dựa trên các hiệu quả về tài chính. Chúng tôi cho rằng, dù kết quả nghiên cứu thành công hay thất bại đều mang lại bài học quý báu để chúng ta mau chóng đạt được thành công trong tương lai.
Hai là, đề xuất triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Nghị quyết 57 cũng đã đề cập đến giải pháp về hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược.
Viettel kiến nghị Nhà nước sớm hình thành và hướng dẫn sử dụng quỹ này để doanh nghiệp có thêm nguồn lực, kịp thời triển khai các nhiệm vụ đã đặt ra trong các chiến lược quốc gia, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn, vệ tinh tầm thấp, công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng… tránh việc phân bổ dàn trải làm giảm hiệu quả đầu tư.
Ba là, đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Viet Nam. Một trong những giải pháp trong Nghị quyết 57 để thúc đẩy sản xuất trong nước là cơ chế khuyến khích mua sắm đối với các sản phẩm, hàng hóa là kết quả nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp trong nước tạo ra. Đây là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu trong nước.
Như Tổng Bí Thư đã phát biểu tại cuộc gặp doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Không một tập đoàn lớn nào không khởi nguồn từ doanh nghiệp nhỏ”. Các nhà cung cấp thiết bị lớn cũng khởi đầu từ quy mô nhỏ và chi phí nghiên cứu, phát triển rất lớn. Hiện nay các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương các nhà sản xuất lớn trên thế giới, tuy nhiên giá thành không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài do họ có thị trường lâu năm, lợi thế về quy mô và có những chính sách linh hoạt trong nghiên cứu, công nghệ”.
Do vậy, chúng tôi đề xuất Nhà nước sớm ban hành cụ thể quy định khuyến khích mua sắm, sử dụng các sản phẩm công nghệ do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Việc làm chủ các hệ thống, thiết bị trong hệ sinh thái 5G sẽ là nền tảng để Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ lưỡng dụng. Với tinh thần trách nhiệm và sự đổi mới không ngừng, Viettel xin hứa tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57.
10h00: Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT nói về hành trình FPT ra thế giới:
Ngày xưa khi Acsimet nói rằng, nếu cho tôi một điểm tựa tôi có thể bẩy cả thế giới. Tôi nghĩ Nghị Quyết 57 là điểm tựa của Việt Nam để đi vào kỷ nguyên vươn mình, trở thành quốc gia hùng cường thịnh vượng, phồn vinh. Đây là khát vọng của cả dân tộc. Chúng tôi đi theo khát vọng này từ ngày đầu.
Vào ngày 3/9/1988, ngày đầu tiên thành lập công ty, tầm nhìn của FPT được viết rằng: FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh, bằng nỗ lực trong khoa học kỹ thuật, góp phần hưng thịnh quốc gia.
Vào thời gian đó, Việt Nam còn bị cấm vận. Các kỹ sư của chúng tôi đã đi mua sách ở sân bay Hồng Kông đem về đọc và tự học để viết hệ thống đặt chỗ giữ vé đầu tiên cho Vietnam Airlines.
Chúng tôi cũng tự viết chương trình lõi cho ngành ngân hàng. Hầu hết ngân hàng ngày đó đã dùng các sản phẩm do Việt Nam phát triển. Tôi còn nhớ lần đầu tiên chúng tôi bán được sản phẩm cho một ngân hàng ở Đài Loan.
Sau 10 năm, chúng tôi quyết định đi ra nước ngoài. Thấy Ấn Độ thành công, chúng tôi mở tại Bangalore (Ấn Độ) nhưng không có một hợp đồng nào cả. Tôi nghĩ phải đến thung lũng Silicon (Mỹ), chúng tôi mở ở đó và cũng không có một hợp đồng nào cả.
Vào lúc tiền đã hết, rất nhiều người thất vọng, nhưng chúng tôi nghĩ rằng ý chí mở rộng bờ cõi trí tuệ của đất nước là không thể tắt được. Rất may, có ánh sáng cuối đường hầm khi ông Ishida - tập đoàn Sumitomo đã đem FPT sang giới thiệu cho các tập đoàn hàng đầu ở Nhật Bản.
Ở đây chúng tôi đã phát hiện ra một điều rất quan trọng, có ý nghĩa đến tận ngày hôm nay, Không một quốc gia nào có các kỹ sư CNTT sẵn sàng học tiếng bản địa. Họ chủ yếu nói tiếng Anh.
Chúng tôi rất may mắn được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép một công ty thành lập trường đại học để dạy các kỹ sư CNTT về tiếng Nhật. Ngày hôm nay, đấy là sức mạnh của Việt Nam tại Nhật Bản.
Hầu hết công ty làm phần mềm nước ngoài tại Nhật Bản là các công ty Việt Nam. Chúng ta đã có một hiệp hội phần mềm của Việt Nam tại Nhật Bản.
Không dừng ở tiếng Nhật, chúng tôi mở sang tiếng Hàn. Tăng trưởng phần mềm tại thị trường Hàn Quốc có những năm lên đến 85%. Chúng tôi mở thêm tiếng Trung để tiếp cận thêm các công ty Đài Loan vì ngành bán dẫn người ta nói tiếng Trung. Rồi chúng tôi học tiếng Đức, Pháp và các tiếng khác nữa. Đấy là điều đặc biệt của Việt Nam.
Gần đây còn 2 điều kiện nữa để đảm bảo ngành phần mềm Việt Nam ở nước ngoài liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đấy là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các tập đoàn đi trước chúng ta, họ giữ doanh số hàng chục tỷ USD về các ngành truyền thống nên đội ngũ của họ hầu hết tập trung vẫn là công nghệ thông tin. Trong khi đó, Việt Nam dễ dàng chuyển sang lĩnh vực chưa to, chưa nhiều chục tỷ USD, nhưng tăng trưởng rất nhanh, đó là chuyển đổi số. Điều này tạo điều kiện để chúng ta đạt doanh số 11 tỷ USD ngày hôm nay.
Tiếp theo nữa là một biến cố rất đặc biệt, đem lại tăng trưởng trong nhiều năm tới. Đấy chính là mâu thuẫn địa chính trị. Khi các cường quốc rút ra khỏi Trung Quốc, họ chuyển giao công việc ấy cho Việt Nam. Thậm chí họ còn chuyển giao đội ngũ đã dày công xây dựng nhiều năm cho Việt Nam. Bằng cách đó, chúng tôi rút ngắn con đường tích lũy các kiến thức, bí kíp về ngành, công nghệ.
Bây giờ khi Việt Nam đã có một đội ngũ tương đương các nước phát triển về CNTT, chúng ta cần phải thay đổi. Nghị quyết 57 như một chỉ dấu về vận nước đã đến.
Với sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, FPT đưa ra 8 chương trình hành động. Chúng tôi xin cam kết 3 điều.
Đầu tiên là tập trung vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Chúng tôi nói về bán dẫn vì tương lai sẽ là các chip bán dẫn có AI. Chúng ta sẽ làm những mô hình AI rất bé có thể để lên con chip. Chúng ta sẽ có hàng vạn, hàng triệu con chip khác nhau. Đấy là ngành công nghiệp không thể tưởng tượng được cho đất nước.
Chúng tôi tập trung làm về ô tô vì ô tô đang chuyển từ cơ khí sang phần mềm, giống như chiếc điện thoại có bánh xe. Chúng tôi đang triển khai với các tập đoàn ô tô từ Mỹ như Ford, ở châu Âu như Volvo, ở Nhật như Toyota.
Chúng tôi tham gia vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi AI cho các ngành, các địa phương và cho giáo dục, y tế. Tôi tin rằng với Nghị quyết 57, cộng đồng CNTT Việt Nam sẽ tham gia rất tích cực và sẽ đạt thành tích lớn trong thời gian tới.
Cam kết thứ hai là đầu tư về nhân lực. Chúng tôi hiện có 12.000 kỹ sư làm về AI. Trong thời gian ngắn chúng tôi có 1 vạn chứng chỉ của NVIDIA. Chúng tôi đã xây dựng 2 nhà máy, 1 ở Việt Nam, 1 ở Nhật Bản. Chúng tôi cam kết đến năm 2030 sẽ đào tạo 1 vạn kỹ sư bán dẫn, 5 vạn kỹ sư AI, đồng thời tham gia đào tạo chuyển đổi nửa triệu kỹ sư CNTT sang lĩnh vực AI.
Cuối cùng chúng tôi đầu tư vào hạ tầng. Chúng tôi đã có 2 nhà máy và sẽ tiếp tục xây để trong 5 năm tới, vào năm 2030, Việt Nam sẽ là một trong các quốc gia cung ứng hạ tầng về tính toán trí tuệ nhân tạo hàng đầu trong khu vực.
10h15: Vinh danh các cơ quan, doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ số tiêu biểu Make in Viet Nam giai đoạn 2019 – 2024.
Tại diễn đàn Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa, vinh danh các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có sản phẩm công nghệ số tiêu biểu Make in Viet Nam. Đây là sự ghi nhận đối với các cơ quan, doanh nghiệp đã có những sản phẩm công nghệ số tiêu biểu trong 5 năm vừa qua được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam.
Các cơ quan, doanh nghiệp được vinh danh gồm có: Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, VNPT, Viettel, FPT, CMC, MISA, Công ty RYNAN Technologies Vietnam và Công Ty TNHH Dịch Vụ Tin Học CEH.
Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định năng lực làm chủ công nghệ số
Ngày 15/1/2025, Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI được tổ chức tại Hà Nội. Diễn đàn năm nay có chủ đề: “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.
Chiến lược Make in Viet Nam trong những năm qua đã thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam khẳng định năng lực làm chủ công nghệ số, có tác động ảnh hưởng đến cuộc sống, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển đổi số dựa vào các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam và đem lại đột phá hiệu quả, tác động rộng khắp.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam giải các bài toán chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh và tăng cường hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, đã khẳng định tên tuổi, trí tuệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới, đem giá trị từ nước ngoài đóng góp cho sự thịnh vượng của Việt Nam.
Mục tiêu của Diễn đàn là đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Diễn đàn sẽ tập trung vào các nội dung như đánh giá quá trình thực hiện chủ trương Make in Viet Nam, phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gắn với việc làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số trong giai đoạn vừa qua; những kết quả và thành tựu ấn tượng của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Diễn đàn sẽ có định hướng làm chủ công nghệ số, thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sáng tạo sản phẩm số làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn Việt Nam giai đoạn tới.
Diễn đàn sẽ đưa ra thông điệp về những chính sách mới về công nghiệp công nghệ số (Luật Công nghiệp công nghệ số) và định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam mở ra không gian phát triển cho doanh nghiệp công nghệ số; Kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chung tay tham gia cuộc cách mạng chuyển đổi số quốc gia.
Cũng tại Diễn đàn, nhiều nội dung sẽ được đưa ra thảo luận, đặc biệt định hướng, chính sách và giải pháp phát triển trong giai đoạn tới về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để kiến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách đột phá nhằm ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi tập hợp sức mạnh từ Chính phủ đến xã hội trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Diễn đàn cũng sẽ đề ra việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ số giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số Việt Nam và đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.
“Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là để Make in Viet Nam”, là một chủ trương, định hướng sáng tạo lớn, khơi dậy nội lực, khát vọng của đất nước phát triển trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã được tuyên bố vào năm 2019, tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ nhất.
Trong những năm qua, Make in Viet Nam đã được cộng đồng doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số hưởng ứng, mà đã tạo hiệu ứng tích cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực khác; cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, định hướng sáng tạo, sản xuất các sản phẩm chất lượng của người Việt cho thị trường trong nước và định hướng toàn cầu. Các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận và đi ra thị trường nước ngoài.
Thế giới đang bước vào một cuộc cạnh tranh, chạy đua để làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số nhằm xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây là mục tiêu mong muốn của các nước phát triển và cũng là cơ hội cho các nước như Việt Nam cùng bước vào một vạch xuất phát, để cạnh tranh ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Việc làm chủ các công nghệ số được xem là nền tảng quan trọng cho Việt Nam “cất cánh” vươn lên, phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu làm chủ các công nghệ số đã và đang được các tập đoàn công nghệ Việt Nam tập trung đầu tư nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ số cụ thể. Chỉ có làm chủ công nghệ số thì Việt Nam mới kiến tạo được nền kinh tế số phát triển vượt bậc, góp phần xây dựng xã hội cho tương lai.
Để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 tuổi và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải dựa vào công nghệ số, dựa vào các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để phát triển.
Chính vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn năm nay với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam", sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ số, làm chủ công nghệ số và làm chủ quá trình chuyển đổi số.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, sẽ tổ chức khu trưng bày triển lãm gồm gần 40 gian hàng để đại biểu tham dự có thể tham quan, trải nghiệm trực quan các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia.