Diễn đàn Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn: Tạo môi trường lý tưởng phát huy tinh thần học tập của sinh viên

Trước thềm diễn đàn 'Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn', một số sinh viên tiêu biểu của các trường đại học, học viện đã bày tỏ, đề xuất sáng kiến cụ thể để phát triển môi trường học tập, rèn luyện và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên.

Xây dựng môi trường học tập lý tưởng

Tham gia góp ý kiến tới Diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn", bạn Nguyễn Thị Thanh Hà - học viên xuất sắc lớp B1B-D46, Học viện Cảnh sát nhân dân, quan tâm nhất đến việc làm thế nào để tạo được môi trường cho thanh niên học tập, nghiên cứu khoa học, trau dồi tri thức vì ngày mai lập nghiệp.

Theo Thanh Hà, việc thiết lập một môi trường học tập chuyên nghiệp, tạo cảm hứng sáng tạo phụ thuộc nhiều yếu tố. "Mình cảm nhận có các yếu tố quan trọng để tạo lập môi trường học tập lý tưởng như tính kỷ luật; không gian học tập gọn gàng sạch sẽ; duy trì hoạt động quan sát - nghe - đọc - chép; chuẩn bị tốt các tài liệu, công cụ học tập đầy đủ, phù hợp với nhu cầu, mục đích nghiên cứu của bản thân. Cùng đó, thường xuyên nghiên cứu, trao đổi với bạn bè, thầy cô cũng sẽ giúp bản thân mình hiểu sâu hơn về vấn đề, tích lũy kinh nghiệm để phục vụ công tác sau này”, Hà nói.

Vì vậy, tổ chức Đoàn, Hội cần tiếp tục có nhiều hoạt động để tạo môi trường học tập lý tưởng cho sinh viên, như tổ chức các diễn đàn hội thảo khoa học với sự tham gia của nhà nghiên cứu uy tín; khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu sáng tạo các dự án khởi nghiệp của sinh viên.

Xây dựng các không gian sáng tạo dành cho thanh niên gắn với định hướng của Đoàn; quan tâm hơn nữa tới đời sống sinh viên, xây dựng các quỹ hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích tốt trong học tập.

Thanh Hà cũng cho rằng, phong trào “Sinh viên 5 tốt” được triển khai trong nhiều năm qua đã tạo nên một động lực khuyến khích sinh viên phấn đấu rèn luyện để đạt được danh hiệu cao quý này ở các cấp.

Vì thế, thời gian tới, phong trào cần tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng quy mô các hoạt động cấp T.Ư để sinh viên tại nhiều tỉnh thành có thể cùng tham gia hoạt động, tạo nên những phong trào trong sinh viên toàn quốc trong thời gian dài.

 Nguyễn Thị Thanh Hà - học viên xuất sắc lớp B1B-D46, Học viện Cảnh sát nhân dân.

Nguyễn Thị Thanh Hà - học viên xuất sắc lớp B1B-D46, Học viện Cảnh sát nhân dân.

Tạo cơ hội sáng tạo, tìm kiếm việc làm cho sinh viên

Với bạn Hoàng Lan Hương - Sinh viên 5 tốt cấp thành phố năm học 2022 - 2023, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, lại quan tâm đến nội dung nghiên cứu khoa học dành cho các bạn sinh viên.

Theo Lan Hương, nghiên cứu khoa học không đơn thuần chỉ là một hoạt động ngoại khóa mà thực sự đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên. Ngoài ra, nghiên cứu khoa học giúp thúc đẩy sự sáng tạo, là cơ hội cho sinh viên hiện thực hóa những ý tưởng mới của mình dựa trên một cơ sở khoa học vững chắc.

 Hoàng Lan Hương - sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng.

Hoàng Lan Hương - sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng.

"Tổ chức Đoàn các cấp cần tăng cường thêm những buổi tập huấn kỹ năng, thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học có thể mang lại một môi trường hợp tác và sẻ chia nơi các bạn sinh viên có thể học hỏi lẫn nhau, thảo luận và chia sẻ về nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, ghi nhận và khen thưởng nỗ lực nghiên cứu của sinh viên. Các chứng chỉ, giải thưởng hoặc thậm chí là cơ hội để nghiên cứu sâu hơn là những hình thức công nhận cho sự nỗ lực của các bạn sinh viên, cũng đồng thời là nguồn động viên, thúc đẩy các bạn tham gia tích cực hơn nữa”, Lan Hương nói.

 Lê Việt Anh - Phó Chủ tịch HSV Việt Nam Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Lê Việt Anh - Phó Chủ tịch HSV Việt Nam Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Theo dõi diễn đàn "Tiếng nói tuổi trẻ - Hành động của Đoàn", bạn Lê Việt Anh - Phó Chủ tịch HSV Việt Nam Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, mong muốn được trao đổi, lắng nghe về vấn đề việc làm cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Việt Anh nhận thấy, thông tin về sinh viên ra trường không tìm được việc làm vẫn luôn được bàn luận nhiều trên các phương tiện. "Vì vậy, mình mong muốn Trung ương Đoàn sẽ có thêm nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp cho các sinh viên chưa tìm được định hướng", Việt Anh nói.

Theo Phó Chủ tịch HSV Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cần gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với các cơ quan, doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất trong các hoạt động tìm hiểu nhu cầu lao động, bổ sung, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp, phối hợp trong công tác thực tập và hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa các phần mềm của Đoàn như app Thanh niên Việt Nam, Sinh viên Việt Nam… để sinh viên tiếp cận các thông tin chính thống, uy tín được Trung ương Đoàn đăng tải.

Ngọc Hân

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dien-dan-tieng-noi-tuoi-tre-hanh-dong-cua-doan-tao-moi-truong-ly-tuong-phat-huy-tinh-than-hoc-tap-cua-sinh-vien-post1619711.tpo