Diễn đàn xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững
Ngày 19.12, tại TP.Cần Thơ diễn ra Diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: “Chính phủ đã phê duyệt nhiều chiến lược và đề án quan trọng, điển hình là Đề án phát triển 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – một hình mẫu quốc tế về nông nghiệp carbon thấp. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn và phát thải carbon thấp".
“Một trong những giải pháp đột phá để giảm phát thải là áp dụng mô hình tín chỉ carbon. Đây không chỉ là công cụ thúc đẩy giảm thiểu phát thải mà còn tạo ra nguồn thu mới cho người nông dân thông qua giao dịch tín chỉ. Các mô hình nông nghiệp bền vững, như trồng dâu nuôi tằm tại Lào Cai hay Vĩnh Phúc là minh chứng rõ ràng về hiệu quả của việc kết hợp sản xuất xanh với lợi ích kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng vùng ĐBSCL, với vai trò là vựa lúa lớn nhất cả nước, sẽ tiếp tục tiên phong trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp Net Zero” – Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Trong Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết nông nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ 2 ở Việt Nam, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải năm 2020. Trong đó, sản xuất lúa gạo chiếm khoảng 48% lượng phát thải đó, tiếp theo là chăn nuôi (15,3%), sử dụng phân bón tổng hợp (12,9%) và xử lý phân chuồng (9,5%). Một điểm đáng lưu ý là hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp là khí metan và ni tơ oxit, không phải khí carbon dioxit (CO2). Hai loại khí này đều có thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn hơn nhiều so với CO2, nhưng lại có thể gây hại cho môi trường hơn gấp nhiều lần.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược NN-PTNT bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030. Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 là một hình mẫu trên thế giới về phát triển nông nghiệp carbon thấp. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng cũng đã được phê duyệt với mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt hơn một triệu hecta.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết thời gian qua sản xuất nông nghiệp TP.Cần Thơ có sự chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất truyền thống sang tư duy kinh tế gắn với định hướng tăng trưởng xanh bền vững và tích hợp giá trị.
Các chuyên gia tại diễn đàn nhận định, sau gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo các chuyên gia kinh tế, thực hiện nông nghiệp “Net Zero” giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón, nước trong canh tác nông nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí đầu vào mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm. Song song với đó, doanh nghiệp sản xuất - thương mại sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn chung trong sản xuất, sản phẩm...theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, giá trị thương hiệu tăng, dễ thâm nhập các thị trường có giá trị cao.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh thành như Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An... các nhà quản lý, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tại diễn đàn đã phát biểu, thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, gợi mở các giải pháp, kiến nghị đề xuất những giải pháp xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã nêu bật những chính sách thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Ông cũng nêu lên những vướng mắc khi hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững cần tháo gỡ. Đây cũng là tình hình chung ở ĐBSCL.
Ở Việt Nam, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, mà còn là nguồn tạo ra phát thải nhà kính rất lớn. Phát thải nông nghiệp bao gồm khí CO2, metan, ni tơ oxit, và xuất hiện ở nhiều giai đoạn và lĩnh vực, như trồng lúa, chăn nuôi, sử dụng phân bón...
Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc phát triển thị trường tín chỉ carbon, đặc biệt là trong lĩnh vực lâm nghiệp. Với tiềm năng rừng lớn, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực chung giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu. Để hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero, các bộ ngành liên quan cần xây dựng tiêu chí hướng dẫn cụ thể. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất, kết hợp với cơ chế tín chỉ carbon sẽ là chìa khóa để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cần tăng cường nhận thức cho người dân và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là các yếu tố quan trọng giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.