Điện Gia Lai gánh nợ 10.000 tỷ, có 4 dự án điện phải cung cấp thông tin

Cũng như những công ty năng lượng khác, áp lực của Điện Gia Lai là chi phí lãi vay. Tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ vay của công ty đã vượt 10.000 tỷ đồng.

Mới đây, 4 dự án điện gió của CTCP Điện Gia Lai (Mã: GEG) với tổng công suất 230 MW thuộc diện 32 dự án điện gió và điện mặt trời được Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công An yêu cầu EVN cung cấp thông tin, tài liệu. Trước thông tin này, cổ phiếu GEG đã có ba phiên giảm điểm liên tiếp, riêng phiên 13/8, GEG nằm sát sàn.

Kể từ khi thành lập năm 1989 và cổ phần hóa năm 2010, Điện Gia Lai hoạt động chính trong mảng năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện - điện mặt trời - điện gió.

Điện Gia Lai hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Con. Công ty đóng vai trò là Công ty Mẹ, chịu trách nhiệm quản lý các công ty thành viên. Các công ty thành viên có trách nhiệm quản lý và vận hành từng dự án hoặc lĩnh vực hoạt động riêng biệt. Hiện tại, Điện Gia Lai sở hữu 9 công ty con đang vận hành các nhà máy, 5 công ty đang triển khai dự án và 2 công ty liên kết.

Thông qua các công ty thành viên, Điện Gia Lai sở hữu trực tiếp và gián tiếp sở hữu 23 nhà máy, trong đó 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất 81 MW, 6 nhà máy điện mặt trời 309 MWp, 5 nhà máy điện gió công suất 260 MW và 34 hệ thống điện áp mái với công suất 32 MWp.

Trong đó, 3 nhà máy điện gió của Điện Gia Lai là TPD1, TPD2 và IAB1 nằm trong top 14 dự án điện gió có công suất lớn nhất Việt Nam.

Còn với tổng công suất của các nhà máy là 750 MWp, Điện Gia Lai đang đứng thứ 3 trong danh sách các công ty trên sàn chứng khoán có hoạt động liên quan đến năng lượng tái tạo, chỉ sau Bamboo Capital (Mã: BCG) và CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Mã: TTA).

Nguồn: GEG.

Nguồn: GEG.

Nguồn: GEG.

Nguồn: GEG.

Hồi tháng 8/2022, Điện Gia Lai đã bán 35,1% cổ phần cho Tập đoàn JERA Inc. Nhật Bản, qua đó tập đoàn này trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất tại công ty. Giá trị thương vụ khoảng 112 triệu USD (tương đương hơn 2.630 tỷ đồng). Đây là phần vốn góp nhận chuyển nhượng từ IFC - Công ty Tài chính Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Đầu tư Năng lượng Tái tạo Armstrong Asset Management.

Như vậy, hiện tại trong tổng vốn điều lệ 3.412 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông của Điện Gia Lai gồm cổ đông ngoại Jera Asia Vietnam Holdings Pte. Ltd với 35,1% cổ phần; còn lại là các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái TTC Group.

Điện Gia Lai: Lợi nhuận bị ăn mòn vì áp lực chi phí lãi vay

Doanh thu thuần của Điện Gia Lai bắt đầu tăng trưởng đột biến kể từ năm 2019, vượt khỏi mốc nghìn tỷ đồng khi các dự án bắt đầu hoàn thành và hòa lưới điện.

Đỉnh điểm năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần cao kỷ lục với 2.163 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Điện gió tiếp tục là mảng kinh doanh chiếm tỷ trọng cao nhất với 40%. Công ty mẹ (bao gồm 9 nhà máy thủy Điện và 2 nhà máy Điện Mặt trời) ghi nhận mức doanh thu thuần chiếm 27%.

Với 4 nhà máy Điện Gió vận hành hiệu quả, nguồn thu từ mảng Điện Gió tăng gấp gần 8 lần trong 2 năm từ 124 tỷ đồng 2021 lên 918 tỷ đồng 2023.

Trái ngược với sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Điện Gia Lai chỉ đạt 143 tỷ đồng năm ngoái, thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

Theo giải trình, chi phì tài chính tăng so với năm ngoái khi nhà máy Điện gió Tân Phú Đông đi vào hoạt động, lãi suất vay vốn cũng tăng.

Năng lượng tái tạo vốn dĩ là ngành thâm dụng vốn. Cũng như nhiều công ty năng lượng khác, Điện Gia Lai cũng phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tài chính, bao gồm vay ngân hàng và trái phiếu.

Tại ngày cuối năm 2023, dư nợ tài chính của công ty vượt 10.000 tỷ đồng, gấp 1,75 lần vốn chủ sở hữu. Trong năm ngoái, công ty đã đi vay 2.365 tỷ đồng và trả nợ gốc vay gần 2.200 tỷ. Chi phí lãi vay trong năm vừa rồi lên tới 841 tỷ đồng, ăn mòn tới 75% lợi nhuận gộp (1.120 tỷ).

Trong đó, Điện Gia Lai đi vay nợ trái phiếu hơn 1.012 tỷ đồng, và 848 tỷ đồng là sẽ đáo hạn trong vòng một năm tới (2024), gây áp lực tài chính lên doanh nghiệp. Các lô trái phiếu này đều không chuyển đổi, có đảm bảo bằng tài sản là các dự án điện mặt trời, nhà máy thủy điện và cổ phiếu GHC do công ty sở hữu.

Áp lực nợ vay khiến doanh nghiệp phải cơ cấu lại bức tranh vốn. Hồi tháng 8/2022, Điện Gia Lai thông báo sẽ phát hành 30,37 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành là 1.000:94. Giá phát hành dự kiến là 14.000 đồng/cp, thấp hơn 37% thị giá hiện tại của cổ phiếu GEG chốt phiên 8/8/2022 là 22.800 đồng/cp.

Số tiền tối đa thu được từ đợt huy động vốn là 425 tỷ đồng sẽ dùng để góp vốn vào CTCP Năng lượng Điện Gió Tiền Giang nhằm triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện Tân Phú Đông 1.

Tuy nhiên, kế hoạch này phải tạm hoãn do thị giá GEG giảm sâu trong gần cuối năm 2022.

Thay vào đó, năm nay, công ty có kế hoạch phát hành chào bán 200 tỷ đồng trái phiếu để cơ cấu nợ (thanh toán gốc và lãi của lô trái phiếu đáo hạn tháng 8/2024).

Ngoài ra, vào cuối tháng 6/2024, công ty cũng chủ động mua lại trước hạn trái phiếu với số tiền 30 tỷ đồng trong tổng 195 tỷ đồng trái phiếu còn lưu hành.

Điện Gia Lai chuẩn bị gì cho năm 2024?

Đối với tình hình sản xuất kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo Điện Gia Lai đánh giá, công ty vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi. Điển hình như việc không có nguồn điện lớn nào vào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ nguồn khí hiện hữu đang suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao làm lượng than nhập khẩu tăng cao.

Nhận định về mảng thủy điện, Điện Gia Lai cho biết các dự án thủy điện vừa và nhỏ đang dần đến hết thời hạn hợp đồng mua bán điện (PPA) 20 năm theo hợp đồng mẫu áp dụng biểu giá chi phí tránh được. Điều này sẽ một thách thức rất lớn cho công ty để đảm bảo doanh thu cũng như lợi nhuận cho cổ đông trong giai đoạn sau này.

Để đảm bảo nguồn thu trong tương lai, Điện Gia Lai cho biết, sẽ tập trung cho mục tiêu trọng tâm là tìm kiếm phát triển những dự án năng lượng mới cũng như M&A dự án năng lượng hiệu quả để triển khai.

Đối với mảng điện mặt trời, Điện Gia Lai sẽ tiếp tục thi công hoàn thiện và đưa dự án Điện mặt trời Đức Huệ 2 tại tỉnh Long An vào vận hành thương mại.

Đối với mảng điện gió, công ty dự kiến hoàn tất công tác đàm phán giá điện tại Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 tại tỉnh Tiền Giang và trụ A7 Nhà máy điện gió VPL 1 tại tỉnh Bến Tre; hoàn thiện pháp lý cho dự án năng lượng điện gió kết hợp sản xuất hydrogen tại tỉnh Tiền Giang; tiếp tục tìm kiếm đối tác nhằm phát triển và triển khai các dự án điện gió nhập khẩu từ Lào và điện mặt trời áp mái trong thời gian tới.

Các dự án điện gió, điện mặt trời bị công an yêu cầu cung cấp hồ sơ. CTCP Điện Gia Lai sở hữu Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW), Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (50 MW), Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (50 MW), Nhà máy điện gió VPL Bến Tre (30 MW). 4 dự án này thuộc diện phải cung cấp thông tin, tài liệu nhằm phục vụ điều tra.

Các dự án điện gió, điện mặt trời bị công an yêu cầu cung cấp hồ sơ. CTCP Điện Gia Lai sở hữu Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW), Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (50 MW), Nhà máy điện gió Ia Bang 1 (50 MW), Nhà máy điện gió VPL Bến Tre (30 MW). 4 dự án này thuộc diện phải cung cấp thông tin, tài liệu nhằm phục vụ điều tra.

Diễm Phương

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/bat-dong-san/dien-gia-lai-ganh-no-10000-ty-co-4-du-an-dien-phai-cung-cap-thong-tin-219775.html