Điện Gia Lai (GEG): Có loạt dự án điện tiềm năng, tổng công suất lên tới 3.000 MW

Dữ liệu cho thấy Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (mã cổ phiếu GEG) đang có lợi thế lớn trong việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo nhờ kinh nghiệm vận hành lâu năm, suất đầu tư thấp với chuỗi phát triển dự án khép kín.

Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Shinhan Việt Nam, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (mã cổ phiếu GEG - sàn HoSE) đang có dư địa phát triển mạnh từ loạt chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ cũng như nhu cầu điện cao khi nền kinh tế hướng đến mức tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm nay và tăng trưởng 2 chữ số trong các năm tiếp theo.

Tổng công suất nguồn điện hiện nay của Điện Gia Lai đạt 672MW, gồm 87 MW thủy điện, 292 MWp điện mặt trời và áp mái, và 230 MW điện gió. Đặc biệt, các dự án năng lượng của doanh nghiệp này đều có lợi thế cạnh tranh vững chắc, theo Chứng khoán Shinhan Việt Nam.

Lợi thế từ thủy điện nhỏ

Các nhà máy thủy điện của Điện Gia Lai đều có công suất dưới 30 MW nên được hưởng biểu giá chi phí tránh được.

Các nhà máy thủy điện của Điện Gia Lai đều có công suất dưới 30 MW nên được hưởng biểu giá chi phí tránh được.

Trong mảng thủy điện, Điện Gia Lai có 12 nhà máy thủy nhỏ (công suất dưới 30 MW) với tổng công suất đạt 81 MW và đều được hưởng biểu giá chi phí tránh được, được xác định trước và cố định trong suốt cả năm. Điều này giúp công ty có giá bán điện cao hơn so với nhiều nhà máy thủy điện lớn.

Trong 5 năm vừa qua, giá bán điện trung bình mảng thủy điện của Điện Gia Lai là 1.263 đồng/kWh, so với mức 800 - 1.200 đồng/kWh của phần lớn các nhà máy thủy điện khác. Ngoài ra, các nhà máy thủy điện nhỏ cũng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cam kết mua lại toàn bộ sản lượng và không phải tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, giúp giảm áp lực cạnh tranh với các nguồn điện khác.

Mảng thủy điện đem lại dòng tiền đều khoảng 300 tỷ đồng/năm cho Điện Gia Lai. Bên cạnh đó, một số nhà máy của doanh nghiệp này sẽ hết khấu hao trong những năm tới, giúp cải thiện lợi nhuận.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ban lãnh đạo Điện Gia Lai cho biết các nhà máy thủy điện nhỏ của công ty đã hết hợp đồng 20 năm và sẽ áp dụng mức giá bán mới tạm thời là 749 đồng/kWh, giảm 20% so với giá tránh được. Tuy nhiên, đây chỉ là mức giá tạm thời, công ty kỳ vọng sẽ đàm phán với EVN được mức giá cao hơn trong thời gian tới cũng như được hồi tố doanh thu trong giai đoạn áp dụng mức giá tạm thời.

Suất đầu tư điện mặt trời thấp

Các nhà máy điện mặt trời đang vận hành của Điện Gia Lai. (Nguồn: Chứng khoán Shinhan Việt Nam)

Các nhà máy điện mặt trời đang vận hành của Điện Gia Lai. (Nguồn: Chứng khoán Shinhan Việt Nam)

Trong mảng điện mặt trời, Điện Gia Lai đang sở hữu 5 nhà máy điện mặt trời tổng công suất 260 MWp và điện mặt trời áp mái công suất 32 MWp. Cả 5 nhà máy này đều được hưởng mức giá FiT 9.35 UScent/kWh trong 20 năm, giúp đạt tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 13-14%.

Dữ liệu của Chứng khoán Shinhan Việt Nam cho thấy suất đầu tư các dự án điện mặt trời của Điện Gia Lai chỉ từ 18 - 20 tỷ đồng /MW, so với mức trung bình ngành vào khoảng 22 tỷ đồng/MW. Với suất đầu tư thấp, chi phí khấu hao (vốn chiếm khoảng 80% giá vốn mảng điện mặt trời) sẽ thấp hơn, giúp cho biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao.

Lợi thế của Điện Gia Lai đến từ việc công ty đã có kinh nghiệm lâu năm trong vận hành các dự án năng lượng và chiến lược chủ động xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị từ khâu tìm kiếm, tư vấn M&A cho đến thi công xây dựng, và quản lý vận hành nhà máy.

Bên cạnh đó, các nhà máy điện mặt trời của Điện Gia Lai nằm ở những nơi có lượng bức xạ mặt trời cao và ổn định từ 4.6 - 5.3 kWh/m2/ngày, cao hơn so với trung bình bức xạ tại Việt Nam là 4.6 kWh/m2/ngày. Đặc biệt, các nhà máy Hàm Phú 2 (49 MWp) ở Bình Thuận (cũ) và Trúc Sơn (44,4 MWp) ở Đắk Nông (cũ) có lượng bức xạ cao nhất Việt Nam.

Các nhà máy điện gió đang vận hành của Điện Gia Lai. (Nguồn: Chứng khoán Shinhan Việt Nam)

Các nhà máy điện gió đang vận hành của Điện Gia Lai. (Nguồn: Chứng khoán Shinhan Việt Nam)

Với mảng điện gió, Điện Gia Lai đang vận hành 4 dự án điện gió với tổng công suất 230 MW, trong đó có 3 dự án điện gió vận hành trước tháng 10/2021 nên được hưởng giá FIT.

Đáng chú ý, ban lãnh đạo Điện Gia Lai cho biết đã đạt thỏa thuận với EVN về mức giá bán điện cho dự án điện gió Tân Phú Đông 1 (100 MW) là 1.813 đồng/kWh gần gấp đôi mức giá chuyển tiếp hiện tại. Qua đó, công ty sẽ nhận được khoản doanh thu hồi tố gần 400 tỷ đồng cho 2 năm phát điện.

Với mức giá bán mới, doanh thu bán điện từ dự án này sẽ tăng từ trung bình 250 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng/năm trong các năm tới.

Có loạt dự án tiềm năng, tổng công suất lên tới 3.000 MW

Điện Gia Lai hiện chủ trương dồn lực cho phát triển các dự án điện mặt trời và điện gió.

Điện Gia Lai hiện chủ trương dồn lực cho phát triển các dự án điện mặt trời và điện gió.

Ban lãnh đạo Điện Gia Lai cho biết công ty đang có danh mục dự án tiềm năng phát triển đến năm 2030, tổng cộng khoảng 3.000 MW, gồm 315 MW thủy điện, 731 MW điện mặt trời, và hơn 2.073 MW điện gió, và các loại hình khác như điện rác, thủy điện tích năng, điện sinh khối,…

Mặc dù thông tin chi tiết các dự án chưa được công bố cụ thể, ban lãnh đạo Điện Gia Lai tự tin sẽ đấu thầu và triển khai thành công dựa trên kinh nghiệm cũng như sự chủ động theo đuổi các dự án này từ lâu.

Trong ngắn hạn, Điện Gia Lai sẽ tập trung phát triển hoặc M&A các nhà máy thủy điện nhỏ, công suất dưới 30 MW. Trong đó, công ty đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý Nhà máy thủy điện Ea Tih (8,6 MW) tại Đắk Lắk và dự kiến vận hành nhà máy này vào cuối năm nay. Ngoài ra, công ty sẽ thoái vốn khỏi thủy điện Trường Phú và kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng trong quý 2/2025 nhằm dồn lực cho phát triển các dự án điện tái tạo.

Trong mảng điện mặt trời, Điện Gia Lai đang phát triển nhà máy điện mặt trời Đức Huệ 2 (49 MWp) tại Long An (cũ). Dự án này đã nằm trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII (điều chỉnh) và đang trong giai đoạn điều chỉnh thiết kế, dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm nay, ban lãnh đạo Điện Gia Lai chia sẻ.

Đối với điện gió, công ty đang có kế hoạch phát triển dự án điện gió gần bờ V.P.L 2 tại Bến Tre (cũ) với công suất 30 MW và tỷ lệ IRR dự kiến 11%. Theo ban lãnh đạo Điện Gia Lai, chi phí đầu tư của dự án này dự kiến sẽ thấp hơn do sử dụng cùng hệ thống máy biến áp ngầm của dự án V.P.L1 (30 MW) hiện hữu.

Về dài hạn, công ty đang tích cực nghiên cứu và hoàn thiện pháp lý cho dự án điện gió kết hợp sản xuất hydrogen tại Tiền Giang (cũ); tiếp tục tìm kiếm đối tác, thực hiện thủ tục pháp lý cần thiết để triển khai dự án điện gió tại Lào.

Dựa trên điều kiện hiện tại, Chứng khoán Shinhan Việt Nam dự báo Điện Gia Lai sẽ ghi nhận 3.190 tỷ đồng doanh thu trong năm nay, tăng 37% so với năm 2024, và lãi ròng của công ty mẹ sẽ tăng gấp 4,4 lần, đạt 507 tỷ đồng.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dien-gia-lai--geg-co-loat-du-an-dien-tiem-nang--tong-cong-suat-len-toi-3-000-mw-142592.htm