Diễn giả Nguyễn Quốc Vương: Bền bỉ hành trình phát triển văn hóa đọc

Từng bỏ công việc có thu nhập cao để làm diễn giả tự do, lan tỏa văn hóa đọc, anh Nguyễn Quốc Vương đã góp phần vực dậy tình yêu sách. Sau nhiều năm nghiên cứu, anh nghiệm ra, đọc cũng là học và việc đọc cũng có khả năng giúp ích cho cải cách giáo dục, thậm chí là phát triển kinh tế.

Khuyến đọc có lúc như đánh nhau với cối xay gió

Anh Vương bắt đầu tiến hành các hoạt động khuyến đọc ngay khi trở về Việt Nam sau khi học xong cao học tại Nhật Bản năm 2011, đến năm 2017, anh nghỉ việc ở trường đại học để chuyên tâm vào khuyến đọc. Trong đó anh còn viết sách, viết báo, dịch sách, diễn thuyết, giao lưu, gây quỹ tặng sách và tư vấn xây dựng tủ sách, thư viện. Với lối nói chuyện cuốn hút, hấp dẫn và dễ gần, diễn giả Nguyễn Quốc Vương đã giúp cho nhiều độc giả, trong đó nhiều độc giả trẻ trở nên yêu sách và ham đọc hơn. Ở đâu, lúc nào, trong anh cũng toát lên tinh thần của người thắp lửa văn hóa đọc.

Anh Vương sinh năm 1982 ở Bắc Giang, từng có 8 năm du học tại Nhật Bản về giáo dục. Thời niên thiếu Vương đã sớm được tiếp xúc với sách vì bố anh là một giáo viên dạy Toán nhưng lại yêu sách. Ông có tủ sách trong nhà cho cả gia đình đọc từ những năm 1980. Anh Vương nhớ lại: “Trong các sách tôi giới thiệu đến bạn đọc tôi cũng thường giới thiệu các sách văn học. Đó là tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Hướng, Nguyên Ngọc, các tác giả đã quen thuộc với văn học nhà trường như Nam Cao, Nguyên Hồng, Xuân Quỳnh… Bên cạnh đó còn là các tác phẩm văn học dịch từ tiếng nước ngoài của Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Hàn Quốc… Gần đây tôi có nhu cầu đọc lại rất nhiều tác phẩm văn chương của người Việt viết ra vào khoảng 50 năm đầu thế kỉ XX. Tôi đang đọc lại Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng… và phát hiện ra rất nhiều thú vị để chia sẻ với bạn đọc”.

Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương, công tác tại Hội Văn học - Nghệ thuật Bắc Giang, chị gái của Vương chia sẻ: “Vương là người chịu khó học hỏi và ham đọc sách từ bé. Trí nhớ của cậu ấy rất tốt, lúc nhỏ thuộc làu cả 28 tập truyện in màu Tây Du Ký. Vương tính ôn hòa, giàu cảm xúc, nếu đã quyết làm gì là bền bỉ theo đuổi đến cùng. Vương là người giản dị nhưng có nguyên tắc và kỷ luật bản thân tốt. Chuyện đọc và viết thì thật sự đáng nể.

Còn nhớ, những năm ở Nhật, Vương không chỉ đọc sách, mà còn rong ruổi trải nghiệm nhiều công việc, ở nhiều lĩnh vực tại “đất nước mặt trời mọc”. Anh Vương nhớ lại, thời gian đầu khi đến Nhật Bản, phải làm nghề bốc vác cực nhọc, vất vả từ 9 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau. Song tại đây, anh thấy người ta đọc sách khắp nơi. Càng nghiên cứu sâu về giáo dục Nhật Bản, càng thấy sự tiến bộ của giáo dục cũng chính là sự cải thiện, tăng tiến không ngừng của văn hóa đọc. Anh Vương từng kết luận: “Giá trị cốt lõi của sách và văn hóa đọc chính là để người ta được sống trọn vẹn hơn với đời sống con người. Một đất nước mê sách và ham đọc sách là một đất nước văn minh và lãng mạn mà ở đó, cả người giàu và người nghèo, chính khách lẫn thường dân đều được sống cuộc sống thanh bình và hạnh phúc”. Cũng từ đó, anh bỏ công việc lương cao để dấn thân theo đuổi giấc mơ của riêng mình. Đó là truyền cảm hứng về văn hóa đọc cho người Việt, dẫu biết nhiều khi đó là việc “đánh nhau với cối xay gió”.

Cha mẹ phải đồng hành cùng con

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ, theo một thống kê gần đây, mỗi người Việt trung bình đọc 1,4 cuốn sách/năm. Điều này phản ánh đúng thực tế là người Việt đọc ít sách so khu vực và thế giới. “Đó là thực tế kì lạ, khó chấp nhận vì dân số ta chưa già, tỷ lệ dân số trưởng thành (trên 16 tuổi) biết chữ rất cao (đến 97-98%), thế mà mỗi năm mỗi người chỉ đọc vài cuốn sách thì thật khó chấp nhận. Người đã tốt nghiệp đại học, đã đi làm bác sĩ, kỹ sư, giám đốc, chuyên viên thậm chí là giáo viên nhưng cả năm không đọc sách gì ngoài sách trực tiếp phục vụ nghiệp vụ nghề là rất phổ biến”, anh Vương nhấn mạnh.

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương.

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương.

Tuy nhiên, anh cũng nói thêm, nhìn tổng thể, văn hóa đọc Việt Nam gần đây có sự cải thiện. Có những tín hiệu tích cực cho thấy người dân mọi giới đã quan tâm hơn đến đọc sách và ngày càng có nhiều thư viện, tủ sách ra đời.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2025, đây là lần thứ 6 cuộc thi được tổ chức, đồng thời đã lan tỏa ở nhiều địa phương. Anh Vương cũng có quan sát cuộc thi này qua nhiều năm và tham dự một vài buổi lễ tổng kết, trao giải thưởng ở cấp quốc gia và địa phương. Anh chia sẻ: “Theo cảm nhận của tôi thì cuộc thi đã làm được một việc là truyền thông cho văn hóa đọc trên diện rộng ở phương diện quốc gia, đi vào các trường học, cơ quan, tổ chức, ban ngành, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Thông qua cuộc thi cũng góp phần thay đổi nhận thức của các gia đình về văn hóa đọc, giúp cha mẹ nhận ra đọc sách cũng quan trọng như là học tập tại trường”.

Tôi hỏi, phải thực hiện như thế nào để các cuộc thi đạt hiệu quả cao, tránh đi vào hình thức? Diễn giả Nguyễn Quốc Vương trả lời: “Các cuộc thi tổ chức ở quy mô quốc gia và trên diện rộng cho các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức, điều hành tuy có điểm mạnh là lan rộng nhanh, đi vào các cơ quan ban ngành thông suốt nhưng cũng dễ bị rơi vào hình thức, làm theo kiểu phong trào. Cách khắc phục là cần cải tiến chất lượng đề bài và cách thức chấm, tiêu chí chấm. Thay vì chú trọng các bài làm có hình thức đẹp, bài bản, nên chọn lấy các bài thể hiện được tài năng, sự quan tâm, hứng thú mãnh liệt. Sau khi chấm thì công bố, xuất bản công khai các bài viết, tác phẩm tham gia đó sẽ có hiệu quả cao”.

Một cuốn sách khuyến đọc của Nguyễn Quốc Vương.

Một cuốn sách khuyến đọc của Nguyễn Quốc Vương.

Chia sẻ với các phụ huynh, anh tâm sự rằng, thời đại ngày nay điện thoại, Internet phổ cập nhưng sách rất quan trọng. Nếu chúng ta không đọc sách mà chỉ chơi, làm bạn với điện thoại, chúng ta có thể biết nhiều thứ nhưng không hiểu sâu, đồng nghĩa với việc không biết hệ thống, không có văn hóa nền tảng và không thể phát huy đỉnh cao trong nghề nghiệp của mình. Anh kiến nghị, các phụ huynh nên xây dựng tủ sách gia đình để con cái sớm được tiếp xúc với sách. Việc tiếp xúc với sách từ sớm và được ở trong một môi trường nhiều sách vở sẽ giúp trẻ xây dựng thói quen đọc sách, cũng như giữ niềm đam mê đó mãi về sau. Khi trong nhà có nhiều thứ để đọc, trẻ nhỏ sẽ tự nhiên có hứng thú với việc đọc sách hơn.

Anh Vương cũng kể một câu chuyện thú vị. Anh có con trai đầu lòng khi đang học ở Nhật Bản. Khi con trai tròn 3 tháng tuổi, tòa thị chính gửi giấy gọi anh đi khám sức khỏe định kì tại trung tâm y tế ở gần nhà. Khi đến nơi ngoài bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khám, tư vấn, anh vô cùng nhạc nhiên khi thấy có cả nhân viên của thư viện thành phố đến tư vấn cho vợ chồng anh về việc đọc sách cho con nghe. Nhân viên này cũng thay mặt thành phố tặng cho con trai anh một cuốn sách ehon (sách tranh) và tập tài liệu hướng dẫn thủ tục sử dụng các dịch vụ của thư viện thành phố nơi anh đang sống. Lúc đó, anh có chút nghi ngờ “trẻ con chưa biết chữ thì đọc sách kiểu gì? con mới ba tháng thôi mà?”. “Sau khi đọc sách cho con nghe theo hướng dẫn một thời gian, tôi nhận ra, không phải cứ biết chữ trẻ mới đọc được sách. Cha mẹ, người lớn có thể đọc sách cho trẻ nghe. Làm được thế thì tuyệt vời lắm”, anh Vương giãi bày.

Hải Miên

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dien-gia-nguyen-quoc-vuong-ben-bi-hanh-trinh-phat-trien-van-hoa-doc-10302814.html