Diễn giả Nguyễn Quốc Vương: Trung thành con đường khuyến đọc
Liên tục trong những năm qua, diễn giả Nguyễn Quốc Vương có những buổi trò chuyện, lan tỏa, khuyến đọc. Anh sẵn sàng dấn thân cho công việc, bởi sau nhiều năm nghiên cứu, anh nghiệm ra, đọc cũng là học và việc đọc cũng có khả năng giúp ích cho cải cách giáo dục, thậm chí là phát triển kinh tế.
Hành trình gian nan
Với lối nói chuyện cuốn hút, hấp dẫn và dễ gần, diễn giả Nguyễn Quốc Vương đã giúp cho nhiều độc giả, trong đó nhiều độc giả trẻ trở nên yêu sách v

Anh Nguyễn Quốc Vương chia sẻ về tầm quan trọng của việc đọc sách.
à ham đọc hơn. Ở đâu, lúc nào, trong anh cũng toát lên tinh thần của người thắp lửa văn hóa đọc.
Anh Vương sinh năm 1982, ở Bắc Giang, từng có 8 năm du học tại Nhật Bản về giáo dục; từng là giáo viên Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh đã dịch và viết 100 cuốn sách, hơn 200 bài báo. Trong những năm ở Nhật, Nguyễn Quốc Vương không chỉ đọc sách mà còn rong ruổi trải nghiệm nhiều công việc, ở nhiều lĩnh vực tại đất nước mặt trời mọc.
Những lần được mời nói chuyện, phiên dịch tại các trại tạm giam ở Nhật, anh đều thấy phía đầu hành lang, nơi những người bước ra từ trại tạm giam khi được trả tự do sẽ đi qua, luôn có tấm biển lớn với dòng chữ viết kiểu thư pháp chân phương “Là người thì sẽ phạm sai lầm nhưng không để sai lầm lặp lại mới chính là người”. Phía dưới tấm biển đó là giá sách, tạp chí, đây chính là sự sắp đặt mang tính biểu tượng và đầy ý nghĩa...
Anh Vương nhớ lại, thời gian đầu khi đến Nhật Bản, mình phải làm nghề bốc vác cực nhọc, vất vả từ 9 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau mới kiếm được 1 nghìn yên (tương đương 200 nghìn đồng tiền Việt/1 tiếng). Song, tại đây, anh thấy người ta đọc sách khắp nơi. Càng nghiên cứu sâu về giáo dục Nhật Bản, anh càng thấy sự tiến bộ của giáo dục cũng chính là sự cải thiện, tăng tiến không ngừng của văn hóa đọc.
Nguyễn Quốc Vương từng kết luận: “Giá trị cốt lõi của sách và văn hóa đọc chính là để người ta được sống trọn vẹn hơn với đời sống con người. Một đất nước mê sách và ham đọc sách là một đất nước văn minh và lãng mạn mà ở đó, cả người giàu và người nghèo, chính khách lẫn thường dân đều được sống cuộc sống thanh bình và hạnh phúc”.
Cũng từ đó, anh bỏ công việc lương cao để dấn thân theo đuổi giấc mơ của riêng mình. Đó là truyền cảm hứng về văn hóa đọc cho người Việt, dẫu biết nhiều khi đó là việc “đánh nhau với cối xay gió”. Do đặc thù công việc, anh có cơ hội đi đến hầu khắp các vùng, miền Việt Nam để truyền cảm hứng đọc sách và văn hóa đọc đến đủ mọi giai tầng trong xã hội. Nhiều người từng gọi anh là “người bán sách rong”.
Nguyễn Quốc Vương bắt đầu tiến hành rộng rãi các hoạt động khuyến đọc của mình từ năm 2017 và công việc ngày càng nhiều hơn. Các hoạt động khuyến đọc anh làm bao gồm nói chuyện truyền cảm hứng, tư vấn xây dựng tủ sách, thư viện và các bài giảng, khóa học về kĩ năng đọc sách. Sau hơn 7 năm thực hiện các hoạt động khuyến đọc của mình và nhiều tấm gương khác, anh thấy có sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, các cơ quan giáo dục văn hóa. Tuy nhiên, thực sự mà nói, nỗ lực của những người như anh vẫn như muối bỏ bể vì trong một thời gian dài văn hóa đọc bị bỏ quên và người dân, nhất là trẻ em, đang bị bủa vây bởi văn hóa nghe nhìn.
Yêu sách từ nhỏ
Thời niên thiếu Nguyễn Quốc Vương đã sớm được tiếp xúc với sách vì bố anh là một giáo viên dạy toán và rất yêu sách. Ông có tủ sách trong nhà cho cả gia đình đọc từ những năm 1980. “Nhờ vậy, tôi đọc sách từ rất sớm và đọc được nhiều sách trong suốt thời gian học phổ thông. Cả 4 chị em tôi đều như thế. Kết quả là sau này cả 4 chị em đều học lên đại học, riêng tôi học cao học và nghiên cứu sinh tại Nhật Bản”, anh chia sẻ.
Nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương, công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang, chia sẻ về người em trai: “Vương là người chịu khó học hỏi và ham đọc sách từ bé. Trí nhớ của cậu ấy rất tốt, lúc nhỏ thuộc làu cả 28 tập truyện in màu Tây Du Ký. Vương tính ôn hòa, giàu cảm xúc, nếu đã quyết làm gì là bền bỉ theo đuổi đến cùng; là người giản dị nhưng có nguyên tắc và kỷ luật bản thân tốt. Chuyện đọc và viết thì thật sự đáng nể”.

Diễn giả Nguyễn Quốc Vương tâm huyết với việc lan tỏa văn hóa đọc.
Cũng theo chị Phương, Vương được học hành bài bản, có triết lý sống, có chiều sâu nội tâm nên tự thân có sức cuốn hút với bạn đọc. Vương đã chọn một cuộc sống khá khác biệt với số đông, đó là tự do viết, tự do đọc sách và truyền cảm hứng về văn hóa đọc. Vương vô tư, dám làm những việc mà đa phần chúng ta đều cho rằng “mò kim đáy bể", hoặc "không ăn thua", "không có chức vị", "không ra tiền"... Sống ở chung cư tại Hà Nội, Vương biến phòng khách thành “thư viện gia đình” với rất nhiều sách.
“Tôi nể phục, ủng hộ và luôn tin những việc làm của em trai mình và những người cùng chí hướng sẽ góp sức rất lớn làm thay đổi nhận thức cộng đồng và xã hội. Đấy là việc làm cao cả. Nếu cả xã hội "biết" đọc sách thì sẽ kiến tạo nên một tương lai dân tộc tốt đẹp”, nhà văn Nguyễn Thị Mai Phương nhấn mạnh.
Văn hóa đồng hành cải cách giáo dục
Theo diễn giả, rất nhiều quốc gia nhờ chú trọng phát triển văn hóa đọc, cải cách giáo dục đã trở thành cường quốc về kinh tế, có nền khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, có nhiều nhà khoa học giành Giải Nobel dù nghèo tài nguyên, khoáng sản, trong đó Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Càng thấm thía điều đó, anh càng muốn lan tỏa thông điệp: “Đọc chính là học”. Đọc cũng là một trong những năng lực cơ bản nhất của việc học. “Việc khuyến đọc chính là đồng hành, thúc đẩy và hỗ trợ tốt nhất cho đổi mới giáo dục. Giáo dục mới tạo ra từ cải cách giáo dục phải là giáo dục tôn vinh, coi trọng và coi đọc sách là nền tảng quan trọng”, anh nhấn mạnh.
Chia sẻ với các phụ huynh, anh tâm sự rằng, thời đại ngày nay điện thoại, Internet phổ cập nhưng sách rất quan trọng. Nếu chúng ta không đọc sách mà chỉ chơi, làm bạn với điện thoại, chúng ta có thể biết nhiều thứ nhưng không hiểu sâu, đồng nghĩa với việc không biết hệ thống, không có văn hóa nền tảng và không thể phát huy đỉnh cao trong nghề nghiệp của mình.
Anh kiến nghị, các phụ huynh nên xây dựng tủ sách gia đình để con cái sớm được tiếp xúc với sách. Việc tiếp xúc với sách từ sớm và được ở trong một môi trường nhiều sách vở sẽ giúp trẻ xây dựng thói quen đọc sách, cũng như giữ niềm đam mê đó mãi về sau. Khi trong nhà có nhiều thứ để đọc, trẻ nhỏ sẽ tự nhiên có hứng thú với việc đọc sách hơn. Nếu bố mẹ ngồi xuống đọc cho con, đọc cùng con sẽ là một thói quen vô cùng tốt để tạo và rèn luyện đam mê với sách. Để làm được những điều này, phụ huynh cần kiên nhẫn với chính mình và rèn luyện cho con. Vì, có thể, con dù không nghe những gì bố mẹ khuyên bảo, nhưng sẽ âm thầm theo dõi và làm theo hành động của người lớn.
Những năm qua, đã có không ít diễn giả lan truyền cảm hứng đọc sách. Nhiều bạn trẻ lập thư viện cá nhân hoặc phối hợp xây dựng tủ sách để khuyến đọc. Vương cũng dự phần vào dòng chảy đó, cùng chung tay, giúp cộng đồng hiểu hơn về giá trị của sách. Đó là những công việc rất đáng được khuyến khích. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành công văn hướng dẫn tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2025, đây là lần thứ 6 cuộc thi được tổ chức, đồng thời đã lan tỏa ở nhiều địa phương.
Diễn giả Nguyễn Quốc Vương cũng quan sát cuộc thi này qua nhiều năm và tham dự một vài buổi lễ tổng kết, trao giải thưởng ở cấp quốc gia và địa phương. Theo cảm nhận của anh thì cuộc thi đã làm được một việc là truyền thông cho văn hóa đọc trên diện rộng ở phương diện quốc gia, đi vào các trường học, cơ quan, tổ chức, ban ngành, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Thông qua cuộc thi cũng góp phần thay đổi nhận thức của các gia đình về văn hóa đọc, giúp cha mẹ nhận ra đọc sách cũng quan trọng như là học tập tại trường.
“Tuy nhiên, các cuộc thi tổ chức ở quy mô lớn có điểm mạnh là lan rộng nhanh, đi vào các cơ quan, ban, ngành thông suốt nhưng cũng dễ bị rơi vào hình thức, làm theo kiểu phong trào”, anh Vương giãi bày.