Điện gió ngoài khơi: Sức hút từ Bình Thuận

Có thể khẳng định, Bình Thuận sở hữu tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo và đang thu hút đầu tư để góp phần phát triển hình thành Trung tâm Năng lượng mang tầm quốc gia. Ngoài điện mặt trời và điện gió ven bờ, hiện tại điện gió ngoài khơi cũng là lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm, mong muốn triển khai dự án quy mô nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng.

Điện gió ngoài khơi

 Điện gió ngoài khơi (ảnh minh họa).

Điện gió ngoài khơi (ảnh minh họa).

Với diện tích khu vực biển cận duyên hải hơn 7.600 km2 và địa chất đáy biển tương đối ổn định, tần suất bão không nhiều cũng tạo ra lợi thế nhất định cho Bình Thuận. Không những vậy, khu vực này có độ sâu đáy biển trung bình từ 20 - 40 m, tốc độ gió bình quân khoảng 10 m/s càng tạo sức hút lớn để mời gọi những dự án đầu tư phát triển điện gió xa bờ với công suất có thể đạt 40.000 - 50.000 MW. Như vậy so các địa phương ven biển khác trong cả nước, điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực rất tiềm năng của Bình Thuận nhờ ưu thế về tốc độ gió, giờ có gió/năm, độ sâu mực nước biển…

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay trên địa bàn Bình Thuận có 7 nhà đầu tư đăng ký thực hiện nghiên cứu, khảo sát đo gió trên biển với tổng công suất đăng ký khoảng 7.000 MW. Bao gồm 1 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho khảo sát, đo gió và 1 dự án được UBND tỉnh đồng ý đặt trụ đo gió trên bờ để khảo sát, còn lại là 5 nhà đầu tư đăng ký khảo sát. Đặc biệt trong đó có dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà với công suất đề xuất khoảng 3.400 MW của Tổ hợp các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo quốc tế do Công ty Enterprize Energy làm đại diện. Hiện dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương được phép triển khai công tác khảo sát, đo đạc thu thập số liệu gió ngoài khơi với diện tích khoảng 2.000 km2, phạm vi cách mũi Kê Gà từ 20 - 60 m.

Tuy nhiên theo UBND tỉnh, đến nay chưa có quy định cụ thể cho loại hình điện gió trên biển và cũng chưa có quy định cụ thể về việc khảo sát dự án điện gió trên biển, về kỹ thuật, khoảng cách an toàn đối với khu vực lân cận trên biển, diện tích sử dụng mặt biển… Chính vì vậy mà mới đây, địa phương đề nghị Bộ Công thương có hướng dẫn cụ thể cho tỉnh Bình Thuận về thẩm quyền chấp thuận việc khảo sát dự án điện gió trên biển, về kỹ thuật, khoảng cách an toàn đối với khu vực lân cận trên biển, diện tích sử dụng mặt biển/1 MW cũng như các vấn đề khác có liên quan.

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/dien-gio-ngoai-khoi-suc-hut-tu-binh-thuan-120836.html