Điện hạt nhân Ninh Thuận: 6 năm dừng dự án, vẫn có nhiều dấu hỏi
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ Quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa gửi Quốc hội báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016-2021.
Năm 2009, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 41 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án này có hiệu lực từ ngày 22/11/2016. Tổng chi phí đã thực hiện của 7 dự án thành phần là khoảng 2.307 tỷ đồng.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dừng triển khai từ năm 2016.
Nhân dân khu vực dự án còn khó khăn
Báo cáo giám sát cho rằng công tác thông tin, tuyên truyền chưa đạt hiệu quả mong muốn, vẫn còn tình trạng người dân bức xúc, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.
“Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2” vẫn chưa được phê duyệt, dẫn đến đời sống của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn; người dân chưa an tâm, ổn định sản xuất, gặp khó khăn trong thực hiện các quyền, hoạt động liên quan đến đất đai, từ đó dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai trong khu vực này.
Theo kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế, nhân dân trong vùng Dự án phải thu hồi đất phải trải qua thời gian dài chờ đợi, bị hạn chế quyền lợi, không được thực hiện các quyền về sử dụng đất trên mảnh đất của mình: không được mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; không được thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn, mở rộng sản xuất; có trường hợp là chủ sử dụng đất đã già yếu, qua đời nhưng không thể sang tên, tặng cho, thừa kế cho thế hệ sau; không được sửa chữa, mở rộng hoặc xây dựng mới nhà ở, công việc làm ăn, sản xuất bị ngưng trệ.
Lo sử dụng nhân lực đào tạo về điện hạt nhân
Báo cáo giám sát cho biết, Bộ GD-ĐT đã đàm phán với phía Nga để tiếp tục đào tạo du học sinh về lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Giai đoạn 2010-2018, có 447 du học sinh đào tạo tại Liên bang Nga, trong số đó, còn 6 du học sinh đang tiếp tục theo học và sẽ tốt nghiệp trong giai đoạn 2022-2024, 441 du học sinh đã tốt nghiệp hoặc thôi học.
Đáng chú ý, trích báo cáo số 476/BGDĐT-KHCNMT ngày 15/2/2022 của Bộ GD-ĐT, đến nay, có 15 du học sinh được phía Nga đề xuất và phía Việt Nam thống nhất cho tham gia các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (ROSATOM) tại Bangladesh và Cộng hòa Belarus. Các du học sinh về nước có nguyện vọng được bố trí làm việc tại Bộ KH-CN và các nhà máy nhiệt điện và thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ngoài ra, theo Ủy ban Kinh tế, việc xử lý các cam kết, thỏa thuận với đối tác nước ngoài vẫn còn khó khăn, có tiềm ẩn một số rủi ro trong quan hệ hợp tác nếu chúng ta không xác định rõ định hướng phát triển điện hạt nhân cũng như xử lý hài hòa lợi ích của các bên. Việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu vực quy hoạch xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 là có rủi ro đối với các quan hệ song phương.
Ủy ban Kinh tế cho biết chưa có chủ trương chính thức về vấn đề phát triển điện hạt nhân hiện, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới dừng thực hiện. Do đó, các quy hoạch liên quan đến khu vực dự kiến xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cũng chưa rõ định hướng trong tương lai và chưa có căn cứ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Cần giữ lại địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân
Việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, cẩn trọng, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém. Các địa điểm quy hoạch xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cũng đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của quốc tế, đồng thời nhận được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương .
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Kinh tế, hiện nay, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác. Do đó, Ủy ban này đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng dù có tiếp tục phát triển điện hạt nhân hoặc không, cần sớm có phương án giải quyết thỏa đáng, kịp thời để tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống và bảo đảm quyền lợi cho người dân chịu ảnh hưởng; nghiên cứu, xây dựng gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong vùng quy hoạch, phân biệt với các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Theo Ủy ban Kinh tế, việc phát triển điện hạt nhân là giải pháp quan trọng, hữu hiệu để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên. Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng về phát triển điện hạt nhân, trên cơ sở đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp.