Điển hình trong phát triển kinh tế ở Chu Cang Hồ

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuộc diện hộ nghèo ở thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành (Bát Xát), thường xuyên phải nhận trợ cấp của Nhà nước nhưng với quyết tâm làm giàu, chị Lò Lở Mẩy luôn trăn trở, tìm tòi hướng đi mới để phát triển kinh tế. Đến nay, chị Mẩy không chỉ là điển hình trong phát triển kinh tế mà còn là 'điểm tựa' đáng tin cậy của nhiều phụ nữ khác.

"Tôi không thể để “cái nghèo” đeo bám gia đình mình mãi như thế được. Cho nên, ngoài trồng ngô, lúa, tôi trồng thêm dưa chuột và dưa hấu vụ xuân, nuôi gà và thả cá, đến chớm đông, may áo mới để cung cấp cho thị trường, thỉnh thoảng tỉa cành, lá quế mang bán. Quanh năm nỗ lực thì mới có thu nhập và cuộc sống khấm khá hơn”, chị Mẩy tâm sự.

Chị Lò Lở Mẩy tích cực tìm hiểu từ internet, đọc thêm sách báo và nhận thấy trồng dưa hấu cho thu nhập cao, ổn định. Vì vậy, chị đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương để được hỗ trợ triển khai mô hình trồng dưa hấu. Sau khi nhận được hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương, chị Mẩy đã tập hợp một nhóm cùng sở thích gồm 8 chị em người Dao cùng trồng, chăm sóc gần 2 ha dưa hấu ở thôn Láo Vàng Chải; vụ đầu tiên thu được 15 tấn quả, cho nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Đến nay, quả dưa hấu của nhóm đã được cấp tem, nhãn mác, trích xuất nguồn gốc. Mô hình trồng dưa hấu và lập nhóm cùng sở thích của chị Lò Lở Mẩy đã giúp nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn trong thôn thêm thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Trước kia, ngoài trồng lúa, chúng tôi không biết trồng cấy gì nên để lãng phí thời gian. Nhờ chị Lò Lở Mẩy mà chúng tôi biết trồng dưa hấu trên chân ruộng một vụ. Vụ dưa năm nay, chúng tôi có thu nhập gần gấp đôi năm trước nên phấn khởi lắm.

Chị Lò Sản Mẩy, thành viên trong nhóm phấn khởi chia sẻ.

Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế gia đình, chị Lò Lở Mẩy còn đam mê với nghề may trang phục truyền thống của người Dao. Chị Mẩy chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đã giúp mẹ cắt vải, xỏ chỉ thêu để làm những bộ trang phục truyền thống.

Nhờ sự khéo léo, chị Mẩy mạnh dạn làm nghề may để có thêm thu nhập. Ban đầu, chị chỉ nhận may đồ mùa đông cho bà con trong thôn để kiếm thêm trong lúc nông nhàn nhưng “tiếng lành đồn xa”, thấy bộ trang phục được may chỉn chu, đẹp và chất lượng tốt nên lượng khách tăng dần. Đến nay, mỗi tháng chị nhận may khoảng 20 bộ trang phục dân tộc Dao với giá khoảng 600.000 - 800.000 đồng/bộ.

Để đáp ứng nhu cầu của khách, đồng thời giữ gìn được nét đẹp văn hóa truyền thống và góp phần giải quyết việc làm cho một số chị em tại địa phương, từ năm 2017 đến nay, chị Mẩy dạy nghề thêu may trang phục truyền thống cho một số người có cùng đam mê, đồng thời nhận đơn hàng và phân việc, giúp họ có thu nhập cao hơn.

Nhờ chị Mẩy dạy cho nghề thêu may trang phục truyền thống mà đến nay tôi có thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng. Công việc đều đặn, tôi và gia đình rất vui và cố gắng làm thật tốt.

Chị Lò Tả Mẩy, thôn Láo Vàng Chải tâm sự.

Chị Lò Lở Mẩy còn được biết đến là thành viên tích cực, trách nhiệm của Tổ xung kích bảo vệ rừng thôn Chu Cang Hồ. Bên cạnh việc tuần tra, bảo vệ rừng, chị Mẩy và các thành viên trong tổ còn nhân giống, trồng, bảo tồn các cây dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng; kết hợp thu hái thuốc, vừa để chữa bệnh thông thường, như đau bụng, đau lưng, bồi bổ sức khỏe… vừa bán ra thị trường. Nhờ vậy, không chỉ bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, Tổ xung kích bảo vệ rừng thôn Chu Cang Hồ còn có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây dược liệu.

Chị Mẩy cũng là “điểm tựa” tin cậy khi giúp hơn 20 chị em có hoàn cảnh khó khăn vay gần 250 triệu đồng không lấy lãi để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. “Mình có thu nhập ổn định thì cũng phải biết sẻ chia, giúp đỡ người khác để mọi người cùng có cuộc sống tốt hơn”, chị Mẩy cho hay.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dien-hinh-trong-phat-trien-kinh-te-o-chu-cang-ho-post373636.html