Khi công nhân làm nghề 'tay trái'

Khi nguồn thu nhập chính chỉ đủ trang trải cuộc sống, nhiều công nhân (CN) tìm thêm công việc ngoài giờ. Có người chọn bán vé số sau khi tan ca, có người bán card điện thoại cho bạn bè, đồng nghiệp, cũng có nhiều CN học hẳn một nghề. Ban đầu, đó chỉ là thu nhập tăng thêm, dần dần, nghề 'tay trái' ấy góp phần giúp đời sống của CN đủ đầy hơn.

Vừa công nhân hay, vừa nông dân giỏi

Anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp 6, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) vừa là công nhân giỏi, vừa là nông dân thành công với mô hình nuôi chồn hương

Anh Nguyễn Thanh Hùng (ấp 6, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) vừa là công nhân giỏi, vừa là nông dân thành công với mô hình nuôi chồn hương

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Hùng (SN 1982, ngụ ấp 6, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) khi anh đang loay hoay với bầy chồn hương. Hiện anh là CN Công ty (Cty) Cổ phần Greenfeed Việt Nam. Nhận thấy lương CN chỉ đủ chi tiêu, không dư dả bao nhiêu nên anh tìm cách cải thiện kinh tế gia đình, tận dụng tối đa thời gian rảnh.

Năm 2017, anh nuôi thử nghiệm 4 con chồn hương. Sau 2 năm nuôi, đàn chồn hương cho sản phẩm. Hiện tại, tổng đàn có 60 con chồn hương nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho thị trường.

Tháng 6/2024, anh tham gia Chi hội Chồn hương xã Nhựt Chánh nhằm liên kết các hộ nuôi với nhau, giúp nguồn cung dồi dào, không gián đoạn.

Nhà đông anh em, cha mẹ mất sớm, từ nhỏ, anh Hùng tự bươn chải mưu sinh. Nhờ cần cù lao động, nhờ nuôi chồn hương hiệu quả mà anh xây được ngôi nhà khang trang, mua đất để đào ao nuôi cá làm thức ăn cho chồn hương. Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy nguồn vỏ dừa tươi ở địa phương dồi dào nhưng chưa được tận dụng, anh mạnh dạn đầu tư máy xay vỏ dừa để ủ phân bón, bán cho người dân trong vùng.

Trong quá trình sản xuất xơ dừa, anh tự mày mò làm ra máy chẻ nhỏ vỏ dừa dù chưa được đào tạo qua trường lớp. Chiếc máy này giúp anh tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian để làm việc khác.

Làm nông nghiệp giỏi nhưng anh Nguyễn Thanh Hùng cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Cty. 19 năm gắn bó với Cty Cổ phần Greenfeed Việt Nam, anh được ghi nhận sự cống hiến bằng nhiều giấy khen, phần thưởng. Hiện anh đảm nhận vị trí Tổ trưởng bộ phận lò hơi. Kinh tế càng ngày càng đi lên nhưng anh Hùng vẫn không chủ quan.

Anh Hùng chia sẻ: “Mặc dù hiện tại, thu nhập từ nuôi chồn hương tương đối cao nhưng tôi quyết định tiếp tục làm CN, còn chăn nuôi chỉ là nghề "tay trái". Có nhiều năm kinh nghiệm nên việc trong Cty đối với tôi khá dễ dàng, Cty lại gần nhà nên tôi có thời gian chăm sóc đàn chồn hương. Nhờ có nhiều nguồn thu nhập nên tôi chủ động trong mọi việc, có điều kiện lo cho các con ăn học”.

Kiếm thêm thu nhập từ 'nghề tay trái'

Bên cạnh công việc chuyên môn, anh Nguyễn Ngọc Khuynh (SN 1987) - giáo viên (GV) Mỹ thuật, Trường Tiểu học Hưng Hà, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An còn “kiêm” thêm công việc vẽ tranh tường.

Nữ công nhân với nghề trang điểm

Song song với làm công nhân, nghề trang điểm giúp chị Hồ Thị Cẩm Thy (công nhân Công ty TNHH Một thành viên JS Vina) có cuộc sống đầy đủ hơn

Song song với làm công nhân, nghề trang điểm giúp chị Hồ Thị Cẩm Thy (công nhân Công ty TNHH Một thành viên JS Vina) có cuộc sống đầy đủ hơn

Chị Hồ Thị Cẩm Thy (SN 1996) hiện là CN Cty TNHH Một thành viên JS Vina (Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa). Sau đại dịch Covid-19, Cty giảm đơn hàng nên thu nhập của CN cũng ít đi. Từ ngày chị sinh con đầu lòng, chi phí sinh hoạt nhiều hơn, trong khi cha mẹ hai bên đều lớn tuổi, không hỗ trợ được nhiều. Lúc đó chị nghĩ: “Cần tìm việc làm thêm để cải thiện kinh tế gia đình, mình còn trẻ nên cần cố gắng”.

Nhờ người bạn thân giúp đỡ, chị Thy “bén duyên” với nghề trang điểm. Tan ca lúc 16 giờ, chị tranh thủ học trang điểm. Số tiền công 80.000 đồng trong lần trang điểm cho khách hàng đầu tiên khiến chị vui và nhớ đến bây giờ. Sau khi “cứng nghề”, chị Thy đến tận nhà trang điểm cho khách.

Chị Thy kể: “Có lần, hơn 12 giờ đêm, tôi khởi hành từ tiệm, đến nhà khách 2 giờ sáng. Trang điểm xong thì gần tới giờ làm ở Cty, tôi mua củ khoai rồi vội vàng vô ca làm. Dù mệt nhưng khi nhận số tiền công 500.000 đồng, tôi cảm thấy rất vui”.

Hiện tại, ngoài làm CN, chị Thy còn thường xuyên đăng mẫu trang điểm lên mạng xã hội để tìm khách. Chị Thy còn bán online những sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ. Làm song song 2 nghề, tuy vất vả nhưng chị hài lòng bởi hiện tại, thu nhập tăng thêm không ít, kinh tế gia đình được cải thiện.

Chị Thy bộc bạch: “Nhờ gia đình ủng hộ, tạo điều kiện nên tôi mới có thể học nghề, tăng thu nhập. Dù vất vả nhưng thấy con mình được đầy đủ hơn thì bao nhiêu nỗi mệt nhọc dường như tan biến”.

Đời sống CN đôi khi gặp khó khăn nhưng trong cái khó ấy, họ cố gắng vươn lên, miệt mài lao động để tương lai tươi sáng hơn./.

Huỳnh Thông

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khi-cong-nhan-lam-nghe-tay-trai-a178733.html