Diên Khánh: Các tổ tự quản phát huy hiệu quả

Để bảo vệ môi trường, bảo đảm tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn huyện Diên Khánh, thời gian qua, Mặt trận các xã, thị trấn đã thành lập tổ tự quản tại các khu dân cư, góp phần nâng cao Cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị' trên địa bàn huyện.

Hiệu quả thiết thực

Cứ 21 giờ hàng ngày, các thành viên của mô hình “Tổ tự quản về ANTT” thôn Phú Khánh Trung, xã Diên Thạnh lại luân phiên đi tuần tra trên các tuyến đường thôn, xóm. Quá trình tuần tra, nếu phát hiện có những đối tượng khả nghi, tổ sẽ theo dõi, nắm bắt tình hình và báo động cho nhân dân, lực lượng công an xã để kịp thời xử lý. Bà Lê Thị Ngọc Duyên - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Diên Thạnh cho biết: “Tổ tự quản về ANTT thành lập cuối năm 2020 với 25 thành viên tham gia, chia làm 3 đội luân phiên tuần tra hàng đêm. Tuy mới thành lập nhưng được sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, sự phối hợp của các lực lượng công an, quân sự xã, bước đầu mô hình đã phát huy hiệu quả. Nhờ đó, tình hình trộm cắp vặt, gây rối đánh nhau, tụ tập đánh bài gây mất ANTT tại địa phương đã giảm hẳn so với trước”.

Vào mỗi tối, các thành viên tổ tự quản an ninh trật tự thôn Phú Khánh Trung đều đi tuần tra.

Vào mỗi tối, các thành viên tổ tự quản an ninh trật tự thôn Phú Khánh Trung đều đi tuần tra.

Thời gian qua, UBMTTQ Việt Nam xã Diên Điền đã xây dựng một số mô hình tự quản nhằm bảo vệ môi trường. Cụ thể như, mô hình “Vận động nhân dân bỏ rác thải đúng ngày giờ thu gom và đúng nơi quy định” đã hoạt động hơn 4 năm, được đông đảo người dân hưởng ứng. Từ ngày có mô hình, tình trạng vứt rác bừa bãi giảm đáng kể, người dân tạo được thói quen đổ rác đúng ngày giờ và đúng nơi quy định, tạo thuận lợi cho lực lượng thu gom rác của địa phương, xóa được các bãi rác tự phát trên địa bàn xã. Đầu năm 2020, UBMTTQ xã thành lập thí điểm mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” tại thôn Đại Điền Đông 3. Theo đó, xã đã phát cho 405 hộ trên địa bàn thôn, mỗi hộ 3 thùng đựng rác với màu sắc khác nhau nhằm phân ra từng loại rác. Đối với rác hữu cơ, trước mắt người dân sẽ tự xử lý tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc chôn lấp; chất thải nhựa và vô cơ khác có thể tái chế được thu gom, phân loại riêng và bán cho những người thu mua phế liệu; chất thải rắn không tái chế sẽ được thu gom, vận chuyển và xử lý tại bãi rác tập trung. “Từ ngày được phát thùng rác, các thành viên trong gia đình tôi đều chủ động phân ra từng loại rác, chỉ những chất thải không tự xử lý được chúng tôi mới mang ra trục đường chính để họ thu gom đưa đi xử lý. Hiện nay, mọi người ai cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ”, bà Phan Thị Hiền, thôn Đại Điền Đông 3 chia sẻ.

Duy trì và nhân rộng mô hình

Tính đến cuối năm 2020, toàn huyện Diên Khánh đã có hơn 100 mô hình tự quản thuộc nhiều lĩnh vực như: ANTT; phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa; bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; phát huy dân chủ, tham gia giám sát phản biện xã hội... Các mô hình đã góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động nhân dân tích cực tham gia nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Bên cạnh duy trì hiệu quả các mô hình, năm 2021, toàn huyện có 55 mô hình tự quản được đăng ký thuộc nhiều lĩnh vực. Cụ thể như: Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; xây dựng nếp sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân, tương ái; tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội...

Theo ông Phan Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh, hầu hết các tổ tự quản đều duy trì hoạt động thường xuyên với những cách làm cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng khu dân cư. Các tổ trưởng, tổ phó tổ tự quản đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong duy trì hoạt động của tổ theo quy chế. Hoạt động của các tổ có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân; phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, tích cực xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thời gian tới, MTTQ Việt Nam huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng những mô hình tự quản đã xây dựng; tăng cường hỗ trợ và tạo điều kiện để các địa phương xây dựng thành công các mô hình đạt hiệu quả cao. Đồng thời, chú trọng đa dạng hóa hoạt động các mô hình theo 5 nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó đẩy mạnh xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp và giúp nhau phát triển kinh tế...

KHÁNH HÀ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202105/dien-khanh-cac-to-tu-quan-phat-huy-hieu-qua-8217379/