Diên Khánh: Nỗ lực giảm nghèo

Thời gian qua, huyện Diên Khánh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, nguồn lực để phát triển sản xuất, tạo việc làm nhằm thoát nghèo. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn gặp khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đòi hỏi các giải pháp hiệu quả và cơ chế đặc thù hỗ trợ nhằm giảm nghèo bền vững.

Kết quả tích cực

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 theo chuẩn mới giai đoạn 2021 - 2025, huyện Diên Khánh có 351 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,89%; 760 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,92%. Năm 2022, toàn huyện có 80 hộ thoát nghèo, đạt 250% chỉ tiêu đề ra. Huyện đặt mục tiêu năm 2023 có 70 hộ thoát nghèo, đến năm 2025 không còn hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, huyện đã quan tâm thực hiện các chính sách như: Hỗ trợ về y tế, giáo dục; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi... Tính đến đầu tháng 6, trên địa bàn huyện có 1.984 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... được hỗ trợ vay vốn với doanh số hơn 55,1 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, huyện có 19 hộ được hỗ trợ về nhà ở với số tiền gần 1,2 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Vì người nghèo tỉnh, Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa, Công ty Xổ số kiến thiết Khánh Hòa… Huyện còn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp đỡ hộ nghèo về kinh nghiệm, vốn sản xuất…

Trao nhà đại đoàn kết cho người dân tại xã Diên Đồng (huyện Diên Khánh).

Trao nhà đại đoàn kết cho người dân tại xã Diên Đồng (huyện Diên Khánh).

Tuy vậy, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở một số xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện còn cao, nhất là ở 2 thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là thôn Lỗ Gia (xã Suối Tiên) và thôn Đá Mài (xã Diên Tân). Ông Dương Đình Thăng - Phó Chủ tịch UBND xã Diên Tân cho biết, trong số 68 hộ nghèo, 44 hộ cận nghèo của xã, riêng thôn Đá Mài có tới 43 hộ nghèo (trong đó 37 hộ đồng bào dân tộc thiểu số) và 26 hộ cận nghèo (23 hộ đồng bào dân tộc thiểu số). Thời gian qua, xã đã phối hợp với các cấp, ngành hỗ trợ xây mới nhà ở, trao tặng ti vi, sửa chữa nhà vệ sinh; hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi; mở các lớp dạy nghề đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm… nhằm tạo sinh kế cho người dân vươn lên thoát nghèo. Năm 2023, xã phấn đấu giảm 25 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tiên cho biết, hiện nay, xã còn 26 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,98% tổng số hộ và 83 hộ cận nghèo, chiếm 6,4%, tập trung ở thôn Lỗ Gia. Các chính sách xã hội như: Y tế, giáo dục; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, điện, nước sinh hoạt; chế độ bảo trợ xã hội… đã tác động tích cực đến đời sống của hộ nghèo, cận nghèo hỗ trợ người dân đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ngoài ra, nguồn Quỹ Vì người nghèo và nguồn quỹ hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương… đã góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Đó chính là yếu tố nội lực tích cực giúp địa phương thực hiện tốt chương trình giảm nghèo. Toàn xã phấn đấu giảm ít nhất 10 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo trong năm 2023.

Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lê - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Diên Khánh, khó khăn trong công tác giảm nghèo hiện nay là ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống của một bộ phận hộ nghèo chưa cao, vẫn còn tồn tại suy nghĩ không muốn thoát nghèo để hưởng cơ chế, chính sách. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tình trạng thiếu vốn sản xuất, không có việc làm, bệnh tật, đông người ăn theo, không có lao động... còn phổ biến trong các hộ nghèo, cận nghèo. Hiện nay, huyện đang tập trung nguồn lực để năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của 2 xã Suối Tiên và Diên Tân xuống dưới 5%. Theo đó, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện phối hợp với UBMTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ xây nhà vệ sinh và trang bị tivi cho hộ nghèo, cận nghèo của 2 xã này với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo huyện.

Trao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thôn Lỗ Gia, xã Suối Tiên.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành từ huyện đến cơ sở và người dân. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách về tín dụng; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ vật tư, giống cây trồng cho người nghèo… Đối với những người nghèo không có sức lao động hoặc không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản như vay vốn, tạo việc làm để thoát nghèo, huyện đề xuất tỉnh có cơ chế đặc thù để hỗ trợ. Một số xã đã triển khai những giải pháp cụ thể đối với đối tượng này để thực hiện giảm nghèo. Chẳng hạn như đối với nhóm hộ nghèo thiếu lao động và đông người ăn theo, các thành viên ban giảm nghèo và trưởng thôn có trách nhiệm xác định rõ độ tuổi, tình trạng sức khỏe, công việc, thu nhập, tìm hiểu nguyện vọng để có giải pháp giúp đỡ. Đối với những hộ gia đình có người ốm đau nặng, xã tăng cường vai trò của Mặt trận, các tổ chức, đoàn thể trong hoạt động xã hội từ thiện. Đối với nhóm không có việc làm và không biết cách làm ăn, sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề, vận động người dân tham gia các lớp dạy nghề tại địa phương, các phiên giao dịch việc làm do tỉnh tổ chức…

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/dien-khanh-no-luc-giam-ngheo-63e5227/