Điền kinh Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp thống trị SEA Games
Đội tuyển điền kinh Việt Nam có kỳ SEA Games thành công ngoài mong đợi với việc giành được 22 HCV, cùng ngôi nhất toàn đoàn lần thứ 3 liên tiếp.
Ba tấm HCV giành được ở ngày thi đấu cuối cùng ở các nội dung marathon nam, đi bộ 20km nam và nữ đã khép lại kỳ SEA Games đầy ngoạn mục của điền kinh Việt Nam trên sân nhà.
Thành tích đó nâng tổng số HCV của điền kinh Việt Nam giành được tại SEA Games 31 lên con số 22, cùng với đó là 14 HCB và 7 HCĐ. Đây là lần thứ 3 liên tiếp điền kinh Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn khu vực.
Nguyễn Thị Oanh lần thứ hai liên tiếp lập hat-trick HCV tại SEA Games
Thành tích đó giúp đội tuyển điền kinh vượt xa chỉ tiêu đề ra 15-17 HCV. Thêm một lần nữa, môn thể thao "nữ hoàng" tiếp tục là "mỏ vàng" cho đoàn thể thao Việt Nam ở đấu trường khu vực.
Trong khi đó, điền kinh Thái Lan giành tổng cộng 12 huy chương vàng, 10 HCB và 9 HCĐ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, điền kinh Việt Nam lại bỏ xa Thái Lan với khoảng cách 10 HCV.
Lò Thị Hoàng giành tấm HCV ném lao lịch sử
Tại SEA Games 31, điền kinh Việt Nam giành được những tấm HCV lịch sử của Bùi Thị Nguyên (100m rào), Lò Thị Hoàng (ném lao), 7 môn phối hợp nữ (Nguyễn Linh Na) và đặc biệt là marathon nam lần đầu tiên có HCV SEA Games của chân chạy Hoàng Nguyên Thanh. Chưa bao giờ, điền kinh Việt Nam có được tấm HCV ở cự ly khốc liệt này.
Thành công của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31 có sự đóng góp đáng kể của cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh (3 HCV 1.500m, 5.000m và 3.000m vượt chướng ngại vật). Bên cạnh đó là Quách Thị Lan, 'lão tướng' Nguyễn Văn Lai với cú đúp HCV (5.000m và 10.000m). Đó là bà mẹ một con Nguyễn Thị Huyền với 2 HCV (HCV 400m và 4x400m nữ) để nâng tổng thành tích có tổng cộng 10 HCV Đại hội Thể thao Đông Nam Á trong sự nghiệp điền kinh của mình.
Quách Thị Lan (trái) lần đầu tiên giành HCV cá nhân, trong khi Nguyễn Thị Huyền (phải) có thêm 2 HCV để nâng tổng số HCV tại SEA Games lên con số 10
Ngoài ra còn những cái tên như Phạm Thị Hồng Lệ (HCV 10.000m), Khuất Phương Anh (HCV 800m nữ), Nguyễn Tiến Trọng (HCV nhảy xa), Vũ Thị Ngọc Hà (HCV nhảy xa),..
Việc thiếu vắng "nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh khiến điền kinh lỡ cơ hội bảo vệ 2 HCV ở cự ly chạy 100m và 200m nữ. Trần Nhật Hoàng không thể bảo vệ HCV 400m vì chấn thương, đội tuyển tiếp sức thất bại ở cả 2 nội dung 4x400m nam và 4x400m nam nữ. Tuy nhiên Việt Nam vẫn tạo nên dấu mốc mốc lịch sử ở môn thể thao cơ bản của Olympic và tiếp tục khẳng định vị thế số 1 khu vực.
Video Nguyễn Thị Oanh giành HCV 1.500m: