Điện Kremlin: Nước Nga đang trong chiến tranh
Nga đang trong 'tình trạng chiến tranh', người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – tuyên bố.
Người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov (ảnh: DW)
Trả lời phỏng vấn của Argumenti i Fakty (báo Nga) hôm 22/3, ông Peskov cho hay, hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine đã trở thành cuộc chiến tranh toàn diện kể từ khi phương Tây tham gia xung đột.
Trước đó, giới chức Nga thường sử dụng cụm từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” để mô tả về xung đột ở Ukraine.
“Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh. Đúng, nó bắt đầu như một chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng ngay khi phương Tây trở thành một bên tham gia xung đột và đứng về phía Ukraine, thì đối với Nga, tình hình đã trở thành một cuộc chiến tranh”, ông Peskov nói.
Ông Peskov cho biết, quân đội Nga sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu quân sự, đảm bảo rằng lực lượng Ukraine không thể gây ra mối đe dọa đối với lãnh thổ và người dân Nga.
Ông Peskov lưu ý, Nga có 4 vùng lãnh thổ mới cần được bảo vệ (ám chỉ 4 vùng Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia ở Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập (hồi tháng 10/2022).
“Hiện tại, Nga có 4 chủ thể liên bang mới. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là bảo vệ người dân và giải phóng thêm lãnh thổ ở các khu vực này, hiện đang bị lực lượng Kiev kiểm soát”, ông Peskov nói.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 22/3, ông Peskov nhấn mạnh, Nga không cho phép quốc gia nào có ý định kiểm soát bán đảo Crimea và các vùng lãnh thổ Nga mới sáp nhập.
Theo RT, trong cuộc trao đổi qua điện thoại với báo giới Nga sau đó cùng ngày, ông Peskov lưu ý, mặc dù xung đột ở Ukraine “trên thực tế đã trở thành một cuộc chiến tranh” đối với Nga, nhưng về mặt pháp lý, đây vẫn được coi là chiến dịch quân sự đặc biệt và không có gì thay đổi về khía cạnh đó.
Hôm 14/3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, kể từ cuối tháng 2/2022, hơn 13.000 lính đánh thuê nước ngoài đã tham chiến ở phe Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, khoảng 5.962 lính đánh thuê trong số này đã bị “loại bỏ”. Nhiều lính đánh thuê nước ngoài đã rời khỏi Ukraine. Hầu hết họ đến từ Ba Lan, Gruzia, Mỹ, Canada, Anh, Romania, Đức và Pháp.