Điện lực Quảng Ngãi: Chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành lưới điện
Hướng đến một dịch vụ cung cấp điện hiện đại, công khai, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện cho người dân, đồng thời thực hiện chủ đề năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 'Chuyển đổi số' nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động, từ đầu năm 2021, Công ty Điện lực Quảng Ngãi (PC Quảng Ngãi) đã triển khai nhiều ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý vận hành lưới đến sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
Theo chương trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chung của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, tất cả thông tin liên quan đến tọa độ trụ, số thiết bị trên lưới và tình trạng vận hành đều được thu thập bởi vài thao tác với điện thoại thông minh và sẽ được mã hóa, tích hợp về phần mềm. Các thông tin hiện trường, vẽ sơ đồ lưới điện trên nền tảng GIS và kiểm tra hiện trường sẽ được thực hiện thông qua phần mềm di động. Toàn bộ thông tin hiện trường sẽ cập nhật vào ứng dụng kết nối với nhiều phần mềm khác như hệ thống quản lý kỹ thuật nguồn, lưới điện (PMIS).
Chương trình này đã được PC Quảng Ngãi triển khai áp dụng trong nhiều năm qua. Đưa vào sử dụng trung tâm điều khiển từ xa đối với tất cả các trạm biến áp 110kV ở Quảng Ngãi ở chế độ vận hành không người trực. Trung tâm điều khiển từ xa giám sát tất cả các trạm biến áp 110kV này và giám sát điều khiển gần 250 thiết bị đóng cắt trên toàn tỉnh.
Không dừng lại ở đó, hàng loạt ứng dụng khác như ứng dụng PMIS dành cho quản lý kỹ thuật, ứng dụng CMIS dành cho quản lý kinh doanh, ứng dụng IMIS dành cho đầu tư ra đời. Việc kết hợp của nhiều phần mềm đã góp phần đẩy nhanh công tác số hóa lưới điện, tạo sự thuận lợi trong công tác quản lý vận hành, tiết kiệm rất nhiều thời gian và sức lao động.
Ông Lê Văn Hùng – Trưởng phòng Kỹ thuật PC Quảng Ngãi cho biết: Các chương trình chúng tôi đang sử dụng như phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS), chương trình kiểm tra hiện trường, thu thập hiện trường đều đồng bộ hóa dữ liệu với nhau. Tùy theo nhu cầu, chúng tôi sử dụng từng chương trình một. Tọa độ lưới điện, hình ảnh lưới điện đều được số hóa trên chương trình. Do đó, việc quản lý các lưới điện từ 0.4kV đến 110kV rất thuận tiện, linh hoạt, tạo điều kiện trong việc phát triển đầu tư lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Để tiến tới lưới điện thông minh, số hóa toàn bộ lưới điện, PC Quảng Ngãi đã đầu tư hạ tầng lưới điện và hạ tầng công nghệ thông tin tương ứng. Tỉ lệ công tơ điện tử được lắp đặt trên toàn tỉnh là 73,4%, việc ghi điện được thực hiện từ xa qua thiết bị cầm tay HHU, qua chương trình đo xa MDMS, RF-Spider. Ngoài ra, PC Quảng Ngãi đã áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng lưới điện đến cấp điện áp 22 kV và vệ sinh lưới điện hotline thực hiện cho lưới từ 22kV tới 110kV.
Hiện tại, PC Quảng Ngãi cũng đã lên kế hoạch triển khai lắp đặt 100% công tơ điện tử trên địa bàn tỉnh. Từ đó, Công ty sẽ đồng bộ ghi chữ số công tơ điện tử từ xa để quản lý cũng như phân tích mức độ tiêu thụ của người sử dụng điện tốt hơn; đẩy mạnh áp dụng 100% dịch vụ công trên Cổng thông tin điện tử quốc gia, phấn đấu số người sử dụng tăng lên từ 50 – 60%.
Đối với đội ngũ nhân lực, khi thực hiện mục tiêu chuyển đổi số theo yêu cầu của EVN, PC Quảng Ngãi đã thay đổi cách thức làm việc của cán bộ công nhân viên, làm quen với không gian số. Thời gian qua, PC Quảng Ngãi đã chủ động mở các lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ công nhân viên để nắm bắt được công nghệ, chủ động hơn trong việc sử dụng công nghệ phục vụ công việc. Các cán bộ công nhân viên ra hiện trường đều sử dụng các thiết bị di động thông minh để kiểm tra hiện trường, ký số phiếu công tác, cập nhật sổ nhật ký vận hành…
Ông Phan Vũ Đông Quân, Phó Giám đốc PC Quảng Ngãi chia sẻ: Đối với công tác quản lý vận hành, hệ thống lưới điện, PC Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh ứng dụng quản lý hệ thống lưới điện phân phối SCADA/DMS để hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu, triển khai, tính toán bài toán trong quản lý vận hành như tính toán ngắn mạch, dự báo phụ tải, tính toán trào lưu công suất, phân tích sự cố ngẫu nhiên. Trong năm nay, EVNCPC cũng sẽ triển khai đầu tư trạm biến áp 110kV tại Mỹ Khê, đây là trạm biến áp kỹ thuật số đầu tiên tại Quảng Ngãi.