Điện lực thành phố Nam Định từng bước nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng
Từ năm 2019 đến 2020, ở 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có 45 điện lực huyện phải sáp nhập với các đơn vị liền kề nhằm giảm đầu mối các điện lực từ 271 xuống còn 226 đơn vị. Yêu cầu đặt ra đối với quá trình sáp nhập là vẫn đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Thực hiện chủ trương đơn giản hóa bộ máy quản lý, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh phù hợp với đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã chỉ đạo các công ty điện lực tỉnh, thành phố triển khai sáp nhập các điện lực trực thuộc. Theo đó, từ năm 2019 đến 2020, ở 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có 45 điện lực huyện phải sáp nhập với các đơn vị liền kề nhằm giảm đầu mối các điện lực từ 271 xuống còn 226 đơn vị. Yêu cầu đặt ra đối với quá trình sáp nhập là vẫn đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh, không làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của khách hàng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở thu gọn đầu mối, công tác quản lý, vận hành lưới điện thông qua các giải pháp kỹ thuật được thực hiện tốt hơn; việc điều động nhân sự, phương tiện, vật tư hợp lý hơn, nhất là khi tổ chức sửa chữa lớn hoặc khắc phục sự cố bất thường có thể xảy ra.
Triển khai đề án, từ ngày 1-8-2019, Điện lực huyện Mỹ Lộc đã chính thức sáp nhập với Điện lực thành phố Nam Định lấy tên gọi chung là Điện lực thành phố Nam Định để quản lý vận hành, kinh doanh bán điện trên địa bàn 22 phường, 13 xã và 1 thị trấn. Quy mô quản lý, vận hành mới của đơn vị bao gồm 28 lộ đường dây trung thế từ 22 đến 35kV, tổng chiều dài 343km; 522 trạm biến áp phân phối; 1.896km đường dây hạ thế cung ứng điện đến 122.766 khách hàng, tăng hơn 30 nghìn khách hàng so với trước đây. Ngay sau khi sáp nhập, Điện lực thành phố Nam Định đã tập trung khảo sát địa bàn huyện Mỹ Lộc, đề ra nhiều giải pháp kỹ thuật, kinh doanh mới nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao. Trên lĩnh vực quản lý, vận hành công tơ điện, đơn vị đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống công tơ điện một pha, ba pha cung ứng điện đến các hộ gia đình, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và huyện Mỹ Lộc; tiến hành thay thế ngay các công tơ chết, cháy để đảm bảo an toàn cung ứng điện. Trong những tháng đầu năm, đơn vị đã phát hiện, thay thế 186 chiếc công tơ cháy hỏng do các nguyên nhân: Công tơ sử dụng lâu ngày, sét đánh vào đường dây làm hư hỏng... Ở lĩnh vực quản lý, điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện của phụ tải lớn, Điện lực thành phố triển khai đàm phán, ký kết thỏa thuận điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện của 16 doanh nghiệp có sản lượng điện từ 1 triệu kWh mỗi năm trở lên. Từ đó, các doanh nghiệp này sẽ chủ động tiết giảm nhu cầu dùng điện vào ban ngày để tăng ca vào ban đêm, dẫn đến mỗi ngày tiết giảm được 8.478kWh điện chuyển sang nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân, tránh phải cắt điện luân phiên do thiếu điện giờ cao điểm. Đối với công tác dịch vụ khách hàng, Điện lực thành phố đã chủ động nâng cao độ hài lòng của khách hàng bằng cách kịp thời xử lý các kiến nghị của người dùng điện thông qua tổng đài 19006769; thực hiện dịch vụ trực tuyến khi người dân, tổ chức, doanh nghiêp có nhu cầu lắp đặt mới công tơ điện qua trang thông tin điện tử của Công ty Điện lực Nam Định. Qua đánh giá, 95% nhu cầu, ý kiến của khách hàng đã được tiếp nhận, xử lý thỏa đáng, tạo sự gắn kết tốt hơn giữa bên cung ứng và người tiêu dùng điện. Đối với công tác quản lý tổn thất điện năng, xác định địa bàn nông thôn bao gồm huyện Mỹ Lộc và 3 xã: Nam Phong, Nam Vân, Lộc An thường có chỉ số tổn thất điện năng cao hơn so với khu vực các phường nội thành, đơn vị đã tổ thức kiểm tra, rà soát, tiến hành phát quang hành lang lưới điện, loại bỏ kẹp xiết cáp bị vỡ, tách cáp viễn thông ra khỏi đường dây bó chung với cáp dẫn diện, thay thế toàn bộ dây đấu từ đường trục xuống hộp công tơ bằng cáp vặn xoắn có tiết diện lớn hơn, lắp đặt các bộ ghíp kẹp dây loại mới nhằm đảm bảo an toàn cung ứng điện. Áp dụng giải pháp mới trong quản lý tổn thất, Điện lực thành phố đã lắp đặt công tơ đo xa tại 405/451 trạm biến áp công cộng; lắp đặt 224 công tơ điện tử thu thập dữ liệu từ xa trên tổng số 580 trạm biến áp chuyên dùng. Tất cả dữ liệu này được truyền dẫn về đơn vị để theo dõi, phân tích số liệu vận hành và tổn thất điện năng của từng đường dây trung áp, mỗi trạm biến áp phân phối. Vì vậy, trong 8 tháng đầu năm nay, đơn vị đã kịp thời luân chuyển 25 máy biến áp, tổ chức cân đảo pha 120 lượt để phục vụ nhu cầu sử dụng điện tăng cao của nhân dân, đặc biệt là những ngày nắng nóng. Cùng với các giải pháp kỹ thuật, đơn vị đã triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cách thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đến nhân dân; tổ chức kiểm tra, phát hiện, lập 1.573 bộ biên bản xử lý các vi phạm về điện, truy thu 215.357kWh điện với số tiền gần 500 triệu đồng. Kết hợp thực hiện nhiều giải pháp từ kỹ thuật đến kinh doanh vận hành lưới điện nên trong những tháng đầu năm nay, tổn thất điện năng do đơn vị quản lý đã giảm đi đáng kể chỉ còn 10,4%. Tổng sản lượng điện thương phẩm cung ứng trên địa bàn thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc trong 8 tháng đầu năm nay đạt 509,32 triệu kWh, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước, cơ bản đảm bảo nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp./.
Bài và ảnh: Xuân Thu