Diện mạo cầu có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á sau gần 2 năm thi công
Sau gần 2 năm thi công, cầu Phước An có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á đang dần lộ diện với những trụ tháp sừng sững nối đôi bờ Đồng Nai – Bà Rịa - Vũng Tàu.
Toàn cảnh cầu Phước An nối Bà Rịa - Vũng Tàu với Đồng Nai sau gần 2 năm thi công.

Theo ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, đến cuối tháng 5/2025, công trình cầu Phước An – cây cầu có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á – đang dần thành hình sau gần 2 năm khởi công.

Trên công trường, những trụ cầu cao hàng chục mét đã mọc lên giữa dòng Thị Vải, kết nối địa phận Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các nhà thầu đang tập trung thi công trụ cầu, các nhịp và bản mặt cầu. Nhiều vị trí đang hoàn thiện các đốt thân tháp, thi công nền móng, đào đắp, san lấp...

Dự án được chia thành 5 gói thầu chính và hiện tổng thể tiến độ đang được kiểm soát tốt, đảm bảo theo kế hoạch. Tại gói thầu số 38 và 39 - hai gói thầu trọng điểm của dự án - các đơn vị thi công đang đẩy nhanh lắp đặt dầm, thi công tháp cầu. Tổng sản lượng hai gói thầu đạt hơn 52%.

Cụ thể, gói thầu số 38 (đoạn từ đầu tuyến đến trụ T36-T37) đã hoàn thành 100% phần cọc bê tông cốt thép, cọc khoan nhồi, modul tường chắn và thi công xong 26 trụ/mố cầu. Trên công trường, 11/37 nhịp SuperT đã được lắp đặt, nhiều bản mặt cầu đang thành hình, sản lượng đạt khoảng 60%.


Ở phía Bà Rịa - Vũng Tàu, những nhịp cầu cạn từ đường dẫn lên cầu chính đã được lắp đặt. Công nhân đang tăng tốc thi công liên tục ngày đêm để hoàn thành khối lượng công việc đúng tiến độ.

Gói số 39 - hạng mục cầu chính vượt sông - được đánh giá là quan trọng bậc nhất của dự án, hiện đã đạt sản lượng hơn 47%.

Hai trụ chính T38 và T39 cao hàng chục mét đang lần lượt hoàn thiện các đốt thân tháp. Trong đó, trụ T38 đã thi công được 10/15 đốt.

Khác với tiến độ khẩn trương ở phía Bà Rịa - Vũng Tàu, hai gói thầu số 40 và 41 tại bờ Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn. Dù đã phát quang mặt bằng, bơm cát và khoan cọc thử tại một số vị trí, công tác đắp nền vẫn chậm do khan hiếm vật liệu cát san lấp. Tính đến nay, sản lượng chỉ đạt khoảng 1%.

Theo chủ đầu tư, tại các gói thầu phía Đồng Nai, nhà thầu đã huy động máy móc, thiết bị thi công nền móng trong điều kiện mặt bằng chưa hoàn thiện. Một số điểm vẫn chờ hoàn tất thủ tục giải phóng mặt bằng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Hiện trên công trường, các nhà thầu đang huy động khoảng 350 kỹ sư, công nhân cùng nhiều thiết bị cẩu siêu trọng lực từ 250 đến 350 tấn, cẩu tháp để đảm bảo tiến độ.

Cũng theo đại diện Ban QLDA, thời gian tới sẽ tiếp tục đôn đốc nhà thầu tập trung triển khai thi công phần bệ, thân trụ cầu dẫn thuộc gói 38, 39 và nhịp dầm extradosed. Đồng thời, sớm dọn mặt bằng các gói thầu số 40, 41 để phục vụ thi công, triển khai khoan cọc thử D1200-D1500 và khoan thử trụ đất gia cố xi măng D800.

Bên cạnh đó, Ban QLDA cũng phối hợp cùng huyện Nhơn Trạch và các sở, ngành tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phục vụ dự án. Cùng với đó, đơn vị cũng phối hợp với Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu và các đơn vị liên quan trong việc cấp phép thi công trên luồng hàng hải sông Thị Vải để đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.

Dự án cầu Phước An dài gần 4,4km, trong đó phần cầu chính dài hơn 3,5km, nối từ thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) sang huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Điểm đầu cầu kết nối với tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải và điểm cuối kết nối với đường vào cảng Phước An. Khoảng cách giữa hai trụ chính cầu Phước An lên tới 250m – lớn nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. Dự án được khởi công từ tháng 6/2023 với tổng vốn đầu tư gần 4.900 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, phần còn lại từ ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.