Diện mạo đổi thay nhờ sự quan tâm, đầu tư của thành phố

Ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch UBND xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, nhờ sự quan tâm, đầu tư của TP Hà Nội và huyện Chương Mỹ, giờ đây xã Trần Phú ngày càng khởi sắc, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao…

Sau 16 năm "về Thủ đô", xã Trần Phú (địa phương khó khăn nhất của huyện Chương Mỹ trước đây) giờ đã thay đổi mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, chất lượng đời sống của Nhân dân...Ảnh: LH

Sau 16 năm "về Thủ đô", xã Trần Phú (địa phương khó khăn nhất của huyện Chương Mỹ trước đây) giờ đã thay đổi mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, chất lượng đời sống của Nhân dân...Ảnh: LH

Xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tiếp giáp với huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Xã có thôn Đồng Ké là thôn duy nhất của huyện Chương Mỹ có hơn 80% số dân là đồng bào dân tộc Mường. Sau 16 năm được sát nhập về Thủ đô, diện mạo Trần Phú đã đổi thay mạnh mẽ. Rất nhiều công trình phục vụ dân sinh, như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa đã được đầu tư.

Theo báo cáo của UBND xã Trần Phú, trong những năm qua, TP Hà Nội và huyện Chương Mỹ đã quan tâm, đầu tư cho xã Trần Phú nhiều công trình thủy lợi. Hỗ trợ người dân về cây trồng, con giống, chuyển đổi vườn tạp, đất canh tác kém hiệu quả thành những vườn cây ăn quả, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Theo đó, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, năm 2016, Trần Phú đã hoàn thành chương trình xây dựng xã NTM và đang hướng đến xây dựng NTM nâng cao. Ngoài diện mạo khang trang, chất lượng cuộc sống của người dân Trần Phú ngày càng nâng cao. Nếu năm 2008, thu nhập bình quân của xã chỉ đạt 8,8 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2023 đã tăng lên mức 70,57 triệu đồng/người/năm. Từ xã có hơn 20% hộ nghèo, đến nay xã Trần Phú chỉ còn 05 hộ chiếm 0,2%, hộ cận nghèo giảm còn 19 hộ, chiếm 0,77%.

Là thôn duy nhất của huyện Chương Mỹ thuộc diện vùng dân tộc và miền núi, có tới 80% dân số là người dân tộc Mường, Đồng Ké cũng đang từng ngày khoác trên mình tấm áo mới.

Theo ông Nguyễn Viết Đăng - Bí thư chi bộ thôn Đồng Ké, tuy là thôn nằm cách xa trung tâm huyện và TP Hà Nội nhưng người dân trong thôn giờ đây đã tiếp cận những tiến bộ khoa học vào sản xuất, chăn nuôi.

“Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi thôn Đồng Ké hiện chỉ còn 1 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Hàng năm, Chi bộ và ban công tác mặt trận thôn luôn quan tâm, chăm lo đến các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khan” – ông Nguyễn Viết Đăng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Viết Đăng cho biết, với việc đời sống ngày càng được nâng cao nên đời sống tinh thần của Nhân dân trong thôn cũng ngày càng được quan tâm. Đến nay, thôn Đồng Ké vẫn còn lưu giữ bộ cồng chiêng và những điệu múa cồng chiêng – nét văn hóa đặc sắc của người Mường.

Ông Nguyễn Văn Long - Chủ tịch UBND xã Trần Phú cho biết, nhờ sự quan tâm của TP Hà Nội và huyện Chương Mỹ, giờ đây xã Trần Phú ngày càng khởi sắc, các trường học, nhà văn hóa, sân vận động trung tâm xã Trần Phú...đã được quan tâm đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Long, phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, năm 2024, xã Trần Phú sẽ tiếp tục huy động sự ủng hộ, đồng tình của người dân, đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tập trung phát triển kinh tế, xã hội, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh thương mại dịch vụ. Coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái hiệu quả và bền vững...

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dien-mao-doi-thay-nho-su-quan-tam-dau-tu-cua-thanh-pho-370168.html