Diện mạo Lâm Đồng ngày một khang trang, hiện đại
Giai đoạn 2012 - 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã đặc biệt quan tâm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đô thị, hạ tầng đô thị và phát triển nhà ở. Theo thống kê, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh trong giai đoạn này tăng từ 27,78% năm 2012 lên 40,1% ở thời điểm hiện nay.
Nếu trước năm 2012, Lâm Đồng chỉ có 4 đô thị thì đến nay đã có 15 đô thị. Cụ thể, tỉnh hiện đang có đô thị loại 1 là thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc đô thị loại 3, thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng) đô thị loại IV và 12 đô thị loại V được công nhận.
Suốt thời gian qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị đã được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ từ nhiều nguồn lực như đầu tư về giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, thông tin liên lạc,… Bộ mặt đô thị từ đó cũng ngày càng khang trang, hiện đại, trong đó hạ tầng giao thông được xem là huyết mạch của đô thị đã được tỉnh đặc biệt ưu tiên kêu gọi đầu tư và nâng cấp, mở rộng. Các tuyến đường nội thị, đường vành đai đô thị, đường tránh đô thị cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng đảm bảo cho việc mở rộng không gian đô thị, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tỷ lệ nhựa hóa các tuyến đường của tỉnh hiện nay so với năm 2015 tăng từ 80% lên 85%. Toàn tỉnh hiện có khoảng 990 tuyến đường giao thông đô thị với tổng chiều dài khoảng 1.041 km, trong đó có 79 tuyến giao thông trục chính với tổng chiều dài 250,04 km; hầu hết các tuyến đường đô thị đã được quan tâm đầu tư đồng bộ từ nền đường, vỉa hè, cây xanh, thoát nước mặt và hệ thống chiếu sáng công cộng.
Các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác như cấp nước, thoát nước, cây xanh, xử lý chất thải rắn,... cũng được chính quyền các cấp quan tâm triển khai và từng bước hoàn thiện theo quy hoạch, góp phần hoàn thiện các tiêu chí của đô thị. Có thể nói rằng, các chỉ tiêu về lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị đã được quan tâm, đầu tư; việc quy hoạch được thực hiện đồng bộ theo quy hoạch chung xây dựng các đô thị, quy hoạch xã nông thôn mới.
Song song đó, nhiều khu đô thị mới, khu nhà ở có chất lượng, những công trình tầm vóc khu vực cũng được quan tâm đầu tư; chất lượng, tiêu chí đô thị cũng được nâng lên, từng bước quản lý phát triển đô thị theo chương trình, kế hoạch. Tỉnh cũng đã tổ chức xây dựng chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh nhằm cụ thể hóa quy hoạch vùng của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, Lâm Đồng hiện là tỉnh được nhiều người dân cả nước chọn làm nơi đến sinh sống sau 2 đô thị lớn là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh công tác chỉnh trang đô thị hiện hữu, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thời gian qua cũng đặc biệt quan tâm phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới bằng nhiều nguồn vốn, từ vốn Nhà nước đến các nguồn vốn ngoài nhà nước. Giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh tiếp tục ban hành nhiều danh mục dự án kêu gọi đầu tư phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư kiểu mẫu, một số dự án đã chấp thuận, công nhận chủ đầu tư, triển khai đạt được kết quả khá tốt tại các địa phương, qua đó hình thành các khu đô thị mới, nhiều khu nhà ở có chất lượng.
Khoảng 10 năm trở lại đây, có thể thấy rằng tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá mạnh mẽ. Nhà ở trong khu vực đô thị được cải thiện đáng kể, số lượng nhà ở, diện tích xây dựng nhà ở tăng cao do việc xây dựng mới, cải tạo nhà ở của người dân sống ở đô thị diễn ra trên quy mô rộng. Các khu dân cư mới ở đô thị đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ, một số khu dân cư được đầu tư hiện đại, góp phần tạo nên bộ mặt mới, khang trang cho các đô thị. Chất lượng nhà ở cũng được nâng cao từ kiến trúc đến trang thiết bị nội thất.
Đối với nhà ở tại khu vực nông thôn, thời gian qua cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Người dân nông thôn ngày càng quan tâm đến việc xây dựng nhà ở khang trang, sạch đẹp để ổn định, tạo lập cuộc sống nên chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, có quy mô lớn, thiết kế đẹp, hiện đại. Các dự án nhà ở thương mại cũng có bước phát triển khá và đến nay toàn tỉnh có tổng cộng 23 dự án, chủ yếu trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà với tổng diện tích sàn đạt 508.286 m2. Song song với nhà ở thương mại, phát triển nhà ở xã hội cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức rà soát quy hoạch, dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên. Trong 10 năm qua, có 3 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất là 1,07 ha với số căn hộ là 318 căn, gồm Chung cư Ngô Quyền, Chung cư Đào Duy Từ, Chung cư nhà ở xã hội Phú Thịnh và 4 dự án nhà ở cho sinh viên được đầu tư với tổng diện tích sàn đưa vào sử dụng là 61.685 m2.
Ngoài ra, đối với nhà ở cho hộ nghèo, người có công cách mạng; trong những năm qua, địa phương cũng đã quan tâm và có những chỉ đạo kịp thời, song song đó thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ về nhà ở theo các chương trình hỗ trợ về nhà ở của Chính phủ cho các đối tượng là hộ nghèo và người có công cách mạng. Tính đến nay đã thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 1.754 căn, trong đó 1.437 căn xây mới, 317 căn sửa chữa; hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng là 909 căn, trong đó 427 căn xây mới, 482 căn sửa chữa. Hiện UBND tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, các địa phương trên toàn tỉnh vẫn đang triển khai nhiều chương trình, dự án nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông, quy hoạch, chỉnh trang đô thị để góp phần tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải thiện điều kiện sống của Nhân dân. Diện mạo các đô thị và cả khu vực nông thôn của tỉnh hứa hẹn sẽ còn tiếp tục có nhiều thay đổi, và hy vọng sẽ ngày một khang trang, hiện đại và văn minh.