Diện mạo mới của Thành Ðông

TP Hải Dương đang dần hình thành cấu trúc đô thị ngôi sao với 5 cực hướng tâm - Ảnh: NGUYỄN MƠ

Sau 215 năm hình thành và phát triển, từ thành trì quân sự, phên giậu phía đông của kinh thành Thăng Long, Thành Ðông xưa đã vươn mình mạnh mẽ trở thành TP Hải Dương năng động, hiện đại, xứng tầm đô thị loại I.

KINH TẾ KHỞI SẮC

TP Hải Dương có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, TP Hải Dương có lợi thế lớn trong giao lưu, trao đổi thương mại với các tỉnh, thành phố lớn lân cận. Phát huy lợi thế đó, những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương đã tập trung khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu đưa thành phố phát lên tầm cao mới - một đô thị năng động, phát triển theo hướng bền vững. Với mục tiêu này, thành phố tích cực thực hiện tốt công tác quy hoạch, tích cực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại.

Trong những năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của TP Hải Dương tăng bình quân 14,1%/năm. Giá trị xuất khẩu tăng bình quân 15,4%/năm. Thành phố hiện có 3 khu công nghiệp là Ðại An, Nam Sách, Kỹ thuật cao An Phát và 6 cụm công nghiệp là Cẩm Thượng, tây Ngô Quyền, Việt Hòa, Ba Hàng, Ngọc Sơn và Thạch Khôi - Gia Xuyên.

Tỉ lệ lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp đạt cao. Hoạt động của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đã trở thành nhân tố chủ lực, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thành phố. TP Hải Dương có khoảng 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 76 doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có trình độ kinh tế phát triển cao như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan, Canada...

Ngành nghề chủ yếu là sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, điện và linh kiện điện tử, ô tô, hàng dệt may, cơ khí chế tạo, thiết bị cơ khí chính xác... Các doanh nghiệp đã tạo giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động. Nhờ nội lực công nghiệp- xây dựng mà lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển với tốc độ cao, bình quân đạt 16%/năm. Các ngành ngân hàng, viễn thông, du lịch, khách sạn... cũng là điểm nhấn nổi bật trong bức tranh kinh tế của thành phố.

Bên cạnh lợi thế về công nghiệp, dịch vụ, TP Hải Dương còn quan tâm tới phát triển nông nghiệp nhằm tạo vành đai xanh khắc phục những bất cập của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao ven đô được hình thành vừa mang lại không gian xanh cho thành phố, vừa tạo thu nhập ổn định cho người dân. Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của thành phố đạt bình quân 5,1%/năm.

XÂY DỰNG ÐÔ THỊ NGÔI SAO

Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và mạnh, đòi hỏi TP Hải Dương phải có quy mô đô thị phù hợp. Do vậy, vừa qua thành phố đã điều chỉnh địa giới hành chính khi sáp nhập 5 xã ở các huyện lân cận, tạo nền tảng cho những mục tiêu lâu dài về sau. Ðến năm 2030, TP Hải Dương xác định sẽ là đô thị công thương, đô thị sống khỏe, đô thị sáng tạo, thân thiện và đô thị an toàn, an tâm. Khi đô thị được mở rộng, thành phố có thể thực hiện phát triển không gian đô thị ngôi sao. Mở rộng trung tâm đô thị sang phía nam sông Sặt và bố trí 5 cụm chức năng xung quanh để phát huy động lực.

Các sản phẩm công nghệ cao là thế mạnh trong phát triển kinh tế của TP Hải Dương

Các sản phẩm công nghệ cao là thế mạnh trong phát triển kinh tế của TP Hải Dương

Khu vực nội thị sẽ là trung tâm tổng hợp các chức năng, đóng vai trò đầu mối với sông Sặt là trục lõi cảnh quan, tương tác với 5 vùng đặc thù xung quanh. Khu chức năng thứ nhất là cửa ngõ phía bắc của thành phố, ngoài xã An Thượng, được bổ sung các xã phụ cận của huyện Nam Sách là Minh Tân, Ðồng Lạc. Tại đây, thành phố sẽ bố trí khu đô thị sinh thái, coi trọng không gian trong lành, phát triển du lịch sinh thái dọc sông Thái Bình và khu vực làng gốm Chu Ðậu. Dự án khu đô thị phía bắc cầu Hàn đang khởi động sẽ tạo lõi đô thị cho khu vực này.

Khu chức năng thứ hai lấy khu công nghiệp Nam Sách làm trung tâm với các phường Ái Quốc, Nam Ðồng và các xã Quyết Thắng, Tiền Tiến được định hướng phát triển khu công nghiệp sạch, kho vận và nhà ở. Khu chức năng thứ ba được xác định là các xã, phường phía nam thành phố gồm Hải Tân, Tân Hưng, Ngọc Sơn. Ðây là nơi giao lưu giữa đô thị và nông thôn thông qua việc thúc đẩy du lịch nông thôn, đồng thời là trung tâm chế xuất và dự trữ nông sản của thành phố.

Khu chức năng thứ tư gồm các xã, phường giáp huyện Gia Lộc như Thạch Khôi, Gia Xuyên, Liên Hồng là nơi nghiên cứu nông nghiệp, lúa gạo chất lượng cao, rau sạch, đóng vai trò phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo thương hiệu cho nông sản Hải Dương. Ðồng thời đây cũng là nơi liên kết nghiên cứu với các trường đại học, cơ sở y tế ở phía Bắc.

Khu chức năng thứ năm phát triển dựa trên nền tảng của khu công nghiệp Ðại An với nhiệm vụ là khu công nghiệp công nghệ cao, tập trung các ngành liên quan đến sức khỏe, y tế, năng lượng sạch… Từ những cấu trúc đô thị trên, TP Hải Dương cũng xác định hướng phát triển không gian cho từng khu vực chủ đạo. Thành phố chú trọng kết nối trung tâm cũ và mới, xây dựng mạng lưới giao thông hợp lý.

Với quy hoạch bài bản, tương lai không xa, TP Hải Dương sẽ trở thành đô thị đáng sống và hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

NGUYỄN MƠ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/234198/dien-mao-moi-cua-thanh-%C3%B0ong.html