Diện mạo mới Nậm Sin

ĐBP - Trở lại lần này, ấn tượng về bản vùng cao Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) nghèo khó, cơ cực với tộc người thụ động chỉ biết phó mặc số phận cho tự nhiên nay không còn nữa. Thay vào đó là những nếp nhà với mái ngói đỏ tươi, thóc ngô đầy bồ. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng giờ đây Nậm Sin đã khoác lên mình diện mạo mới, no ấm, đủ đầy hơn...

Trẻ em người dân tộc Si La đã được học tập trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp.

Sau gần 1 giờ chạy dọc theo triền núi trùng điệp với những cánh rừng xanh thẳm, con đường độc đạo ngoằn ngoèo, gấp khúc cua tay áo đưa chúng tôi về với đồng bào người Si La. Một trong những dân tộc được xếp vào nhóm dân tộc có dân số ít hơn 1.000 người trên toàn quốc; cộng đồng người Si La chỉ sinh sống duy nhất ở bản Nậm Sin, với 48 hộ, 210 nhân khẩu. Ðể hiểu được phần nào về cuộc sống thuở sơ khai của người Si La, cùng Trưởng bản Lỳ Hồng Sơn, chúng tôi đến thăm già bản Lỳ Chà Che (70 tuổi). Lần giở lại câu chuyện của mấy mươi năm về trước, già Che kể cho chúng tôi nghe về chuyện khai sơn phá thạch của người Si La nơi đây. Rằng, người Si La ở bản Nậm Sin có nguồn gốc từ hai bản Seo Hay và Sì Thâu Chải (nay là xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Vào những năm 70 của thế kỷ trước, cuộc sống của người Si La gặp nhiều khó khăn, đất đai cằn cỗi, bạc màu nên hơn 100 người dân đã di cư về bản Nậm Sin.

Lúc mới định cư, cuộc sống của người dân cơ cực lắm. Cho tới tận năm 2004, người Si La ở bản Nậm Sin vẫn có thu nhập rất thấp, bình quân chưa đến 100.000 đồng/người/tháng; đa phần người dân phải sống trong những căn nhà xập xệ, dựng bằng tranh tre, nứa lá.

Vào năm 2005, khi Dự án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn I (2005 - 2010)” được triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 20,3 tỷ đồng mang tới nhiều bứt phá để cuộc sống người Si La được no ấm, đủ đầy hơn. Trưởng bản Lỳ Hồng Sơn phấn khởi kể cho chúng tôi nghe về “kỳ tích” đổi thay mang tính trọng đại đối với cộng đồng người Si La: Ơn Ðảng, Nhà nước đã làm đường, xây dựng công trình nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà lớp học, hỗ trợ cây, con giống để sản xuất. Nhờ hỗ trợ người dân về chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tăng năng suất lao động... đời sống người Si La đã có nhiều khởi sắc. Ðáng kể nhất là người dân Nậm Sin đã tự khai hoang 4,5ha ruộng nước; đào đắp 33 ao cá với diện tích 12.672m2; nương có bờ 4ha… đã góp phần nâng mức lương thực bình quân đầu người đạt trên 360kg/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Nhiều nhà chăm chỉ làm ăn, không những thoát nghèo mà còn làm nhà kiên cố, mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh... Ðể hỗ trợ người Si La phát triển, giảm nghèo bền vững, Dự án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn II (2018 - 2025)” tiếp tục được triển khai. Năm 2019, cộng đồng người Si La được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để phát triển sản xuất (xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt; hỗ trợ cây, con giống...); hỗ trợ phát triển giáo dục; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần...

Từ những thành tựu của Dự án và sự nỗ lực, đoàn kết của người Si La, Nậm Sin đã khoác lên mình diện mạo mới. Sự chuyển biến tích cực nhất là người dân đã thay đổi nếp nghĩ cách làm trong sản xuất, từ bỏ những hủ tục; không còn phá rừng, vượt biên trái phép.

“An cư lạc nghiệp”, khi cuộc sống đã dần ổn định, người dân cũng quan tâm hơn tới việc học hành của con em mình. Nếu trước đây, tỷ lệ con em đồng bào Si La theo học rất thấp thì hiện nay 100% trẻ em người Si La đã được học tập, rèn luyện trong trường lớp khang trang, kiên cố hóa, trang thiết bị dạy học đầy đủ, đội ngũ giáo viên có trình độ, đảm bảo chất lượng giảng dạy. Ðặc biệt để thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm, người dân trong bản đã tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đẩy lùi tệ nạn xã hội, xây dựng bản mường văn hóa.

Chia tay Nậm Sin khi sắc xuân đang hiện hữu trong từng ngôi nhà và cả bản nhỏ. Dự cảm về một mùa xuân mới ấm no, yên vui đang đến với người Si La nơi mảnh đất biên cương cực Tây Tổ quốc.

Sầm Phúc

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/174934/dien-mao-moi-nam-sin