Diện mạo mới ở Sa Pả

Thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương) được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi nhọn hoắt. Thôn Sa Pả nằm trên một trong những đỉnh cao nhất, vì vậy không ngạc nhiên khi nơi đây được coi là sân ngắm toàn cảnh phố huyện.

Địa hình núi non hiểm trở, diện tích đất canh tác ít, khí hậu khắc nghiệt là trở ngại rất lớn của người dân địa phương trong câu chuyện phát triển kinh tế gia đình. Thế nhưng, với suy nghĩ “không có việc gì khó”, người dân Sa Pả đã và đang kiên trì theo từng mùa nắng gió, tìm hướng phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Người dân thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương (Mường Khương) trao đổi kinh nghiệm trồng quýt.

Người dân thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương (Mường Khương) trao đổi kinh nghiệm trồng quýt.

Đứng ở điểm cao, Bí thư Chi bộ Vàng Dỉ Mìn chỉ tay về bốn hướng giới thiệu từng vùng sản xuất của bà con: Trên những triền núi kia, xen lẫn với tảng đá vôi nhọn hoắt là những vườn quýt sai trĩu cành. Dưới thung lũng là những thửa ruộng bậc thang trồng giống lúa mới. Xen trong các nương vườn là những loại cây ăn quả, dược liệu… Đó là nguồn sống của cả thôn.

Như để minh chứng cho lời nói của mình, anh Mìn đưa tôi đi tham quan các hộ trong thôn. Trong vườn quýt của gia đình, anh Thào Sần Tư đang cùng vợ rẫy cỏ, vun đất cho cây. Là một trong những hộ đầu tiên của thôn trồng quýt, gia đình anh Tư hiện có nhiều quýt nhất, nhì thôn với 4.000 gốc, chia ra nhiều độ tuổi, có loại 8 - 9 năm, loại 5 - 6 năm, loại 2 - 3 năm, trong đó có khoảng 1/2 số quýt đã cho thu hoạch, thu gần 100 triệu đồng mỗi năm. Anh Tư tâm sự: Ngày đầu đưa cây quýt về trồng thử nghiệm, tôi cũng không chắc sẽ thành công. Tuy nhiên, nếu không thử thì làm sao biết được, nghĩ vậy nên tôi quyết tâm thực hiện. Sau này, khi cây phát triển tốt, tôi đã nhân rộng mô hình. Nhiều người trong thôn cũng đến học hỏi kinh nghiệm trồng quýt.

Giờ thì hầu hết các hộ ở Sa Pả trồng quýt, hộ ít vài trăm gốc, hộ nhiều vài nghìn gốc. Quýt trở thành cây trồng chủ lực của thôn. Với ưu điểm quýt “sạch”, không dùng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên quýt chín đến đâu, tư thương vào tận vườn mua đến đấy. Nhiều hộ có thu nhập cao từ loại cây này, như các hộ: Vàng Phà Tỉn, Vàng Phà Dùng, Giàng Phủ Dìn…

Không chỉ có cây quýt, trong việc chuyển đổi giống cây trồng, người dân Sa Pả còn trồng thử nghiệm một số loại cây khác như sa nhân, mận hậu, hồng không hạt. Thôn luôn định hướng và khuyến khích bà con đưa các loại cây, con mới vào sản xuất. Tuy nhiên, để cầm chắc thành công, cần nuôi, trồng thử nghiệm, nếu phù hợp, hiệu quả mới đưa vào sản xuất đại trà.

Trước đây, thôn Sa Pả cũng như những thôn, bản vùng cao khác, phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí hạn chế, trình độ canh tác thấp nên đói nghèo đeo đẳng, nhà khá cũng chỉ đủ ăn. Trước đây, theo tập quán canh tác cũ, bà con trong thôn chủ yếu trồng các loại ngô, lúa giống địa phương năng suất thấp. Được cán bộ thôn, xã tuyên truyền, vận động và tích cực đi đầu, làm mẫu, bà con dần thay thế bằng các loại ngô, lúa mới cho năng suất, chất lượng cao. Nhờ đó, thu nhập trên 1 ha đất canh tác tăng lên. Nhiều hộ mỗi năm thu được 8 - 9 tấn lương thực các loại, không chỉ đủ dùng cho sinh hoạt, chăn nuôi mà còn dư bán ra thị trường.

Là nơi quần cư của 57 hộ dân người Pa Dí, cả thôn đếm nhanh có đến quá nửa là nhà xây kiên cố. Nhiều nhà còn trang bị đầy đủ thiết bị tiện ích như ti vi đời mới, tủ lạnh, bình nóng lạnh… Đến Sa Pả, mặc dù các hộ ở khá gần nhau, nhưng vệ sinh môi trường luôn sạch sẽ, 100% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Anh Pờ Vản Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Mường Khương nhận định: Người dân thôn Sa Pả rất năng động, đổi mới trong phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các hoạt động xã hội, xây dựng đời sống mới ở cộng đồng dân cư luôn được bà con hưởng ứng, giúp diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc.

Còn nhớ lúc chia tay bà con về phố huyện, dọc đường đi tôi thấy mấy chiếc xe tải loại 10 tấn ầm ì ngược dốc. Nghe nói, thương lái ở các huyện đang lên thu mua quýt của bà con. Sa Pả lại thêm mùa bội thu.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/351042-dien-mao-moi-o-sa-pa