Diện mạo mới ở xã anh hùng

Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt hơn 20 km, xã Xuân Trường không chỉ được biết đến với thế mạnh nông nghiệp và tiềm năng phát triển du lịch mà còn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân nơi đây đã kiên trì bám làng, giữ đất, anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của quê hương.

Ngày nay, Xuân Trường vươn mình phát triển mạnh mẽ với nền nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt nổi danh với thương hiệu cà phê Arabica Cầu Đất

Ngày nay, Xuân Trường vươn mình phát triển mạnh mẽ với nền nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt nổi danh với thương hiệu cà phê Arabica Cầu Đất

ĐỒNG LÒNG ĐÁNH GIẶC

Lịch sử cách mạng Xuân Trường bắt đầu từ những năm 1927, khi người Pháp thành lập Sở trà Cầu Đất với diện tích hơn 900 ha. Hàng nghìn công nhân từ khắp nơi đổ về đây làm thuê, khai hoang, trồng chè. Đến năm 1929, làng Trường Xuân chính thức được thành lập với diện tích khoảng 3,5 ha, là tiền thân của xã Xuân Trường ngày nay.

Chính trong môi trường lao động khắc nghiệt, tầng lớp công nhân nơi đây sớm hình thành ý thức đấu tranh giai cấp. Những cuộc đình công đòi tăng lương, cải thiện điều kiện sống liên tiếp nổ ra. Dưới sự lãnh đạo của các cơ sở đảng, phong trào đấu tranh tại Cầu Đất - Xuân Trường đã sớm bén rễ và lan rộng. Ông Nguyễn Văn Toàn (85 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường, chia sẻ: “Ngay từ những năm 1930, Nhân dân Xuân Trường đã tham gia các phong trào cách mạng, đoàn kết, quyết tâm, một lòng theo Đảng, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Sau chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” của địch, nhiều cán bộ, đảng viên ở các tỉnh miền Trung do bị địch truy bức nên đã chuyển vào Xuân Trường lập nghiệp. Những “hạt giống đỏ” ấy tiếp tục gieo mầm cách mạng giữa vùng đất mới. Nhân dân nơi đây, tuy đến từ nhiều vùng, miền, nhưng sớm quy tụ trong các phong trào đấu tranh cách mạng.

Trong kháng chiến chống Pháp, người dân tại đây đã tham gia nuôi giấu cán bộ, giúp đỡ cách mạng hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, quần áo; nhiều thanh niên thoát ly, xung phong lên đường đánh giặc. Trong thời kỳ này, Xuân Trường có tới 150 người tham gia làm cán bộ cơ sở, thoát ly ra chiến khu, trong đó có 20 đồng chí đã anh dũng hy sinh và được công nhận là liệt sĩ.

Bước sang kháng chiến chống Mỹ, tinh thần quật khởi ấy càng được khơi dậy mạnh mẽ. Các chi bộ Đảng được củng cố, hệ thống cơ sở mật được xây dựng rộng khắp. Chỉ riêng ấp Xuân Sơn, từ 3 cơ sở năm 1965 đã phát triển thành 10 cơ sở vào năm 1968. Các “hộp thư bí mật”, “đường dây liên lạc” được Nhân dân bảo vệ như chính mạng sống của mình. Các lực lượng vũ trang của ta nhờ đó mà có hậu phương tiếp tế, có nơi trú ẩn an toàn. “Trong mọi hoàn cảnh, Nhân dân Xuân Trường luôn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối cách mạng. Trước sự đàn áp của kẻ thù, quân dân không hề khuất phục, mà càng thêm căm thù giặc, quyết tâm đứng lên giành độc lập, tự do. Dù có người thân hy sinh, các gia đình vẫn sẵn sàng động viên con em thoát ly tham gia cách mạng, nhiều chị em còn xung phong tham gia công tác y tế, hậu cần, hỗ trợ các lực lượng chống giặc”, ông Toàn kể.

Hơn 20 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Xuân Trường có tới 550 người trực tiếp tham gia cách mạng, trong đó hàng chục người anh dũng hy sinh, nhiều người bị địch bắt, tù đày. Sau ngày thống nhất, xã có 191 liệt sĩ, 18 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Với những đóng góp to lớn và lâu dài cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, năm 1998, xã Xuân Trường vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.

ĐOÀN KẾT ĐỔI MỚI

Sau ngày thống nhất, với tinh thần “biến đau thương thành hành động”, Đảng bộ và Nhân dân xã Xuân Trường bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương. Từ một vùng đất còn nghèo khó, thiếu thốn, từ năm 2014, xã Xuân Trường đã vươn lên trở thành một trong những xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 80 triệu đồng/năm; 100% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn, 96% dân số tham gia Bảo hiểm y tế; hơn 90% hệ thống đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa khang trang, đặc biệt, xã không còn hộ nghèo.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Xuân Trường chia sẻ: “Từ truyền thống cách mạng kiên cường, đồng lòng trong kháng chiến, Xuân Trường hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong xây dựng và phát triển quê hương. Địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào những loại cây có giá trị kinh tế như: hoa, hồng treo gió, đặc biệt là cà phê và chè - những sản phẩm đã làm nên thương hiệu Cầu Đất nổi tiếng”.

Song song với phát triển kinh tế, hệ thống chính trị của xã không ngừng được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Đảng bộ xã nhiều năm liền được công nhận là tổ chức trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, đóng vai trò hạt nhân lãnh đạo trong mọi phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Gần một thế kỷ kể từ ngày hình thành, Xuân Trường hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ với diện mạo nông thôn mới hiện đại, trù phú. Song hành với phát triển kinh tế, người dân của vùng đất là "địa chỉ đỏ" một thời vẫn gìn giữ vẹn nguyên giá trị văn hóa truyền thống và lòng trung thành son sắt với cách mạng. Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân” không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để Đảng bộ và Nhân dân Xuân Trường tiếp tục vững bước trên hành trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của một vùng đất anh hùng.

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/doi-song/202504/dien-mao-moi-o-xa-anh-hung-6ee1c59/